Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

05:03, 10/03/2020

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng của nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Sản xuất rau công nghệ cao tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Sản xuất rau công nghệ cao tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Một trong những giải pháp được tỉnh tập trung thực hiện là kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Lựa chọn những sản phẩm thế mạnh của từng địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân về nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà màng, tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel của anh Vũ Văn Khá, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). Mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm nhờ tuân thủ các quy chuẩn an toàn trong chăm bón, quy trình trồng trọt được “kỷ luật hóa” như nguồn nước, nhiệt độ và cả không khí xung quanh khu vực canh tác; việc thu hoạch và bảo quản cũng được tuân thủ đúng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm “từ vườn đến bếp ăn”. Anh Khá cho biết: “Trồng dưa trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có thể chủ động về thời vụ, thời tiết nên có thể trồng quanh năm. Ngoài ra, trồng dưa trong nhà màng còn ngăn ngừa côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu phải sử dụng trong quá trình cây sinh trưởng, mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng”. Do đó sản phẩm dưa lê Hàn Quốc của anh Khá thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy. Khách mua hàng sau khi sử dụng đều đánh giá là dưa lê sản xuất tại cơ sở ngon, giòn, ngọt hơn hẳn. Mỗi năm, anh Khá trồng 3 vụ dưa, mỗi vụ thu được 4,5-5 tấn quả, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng/năm. Là trang trại chăn nuôi VietGAHP ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Xuân Trường, trang trại của Công ty TNHH Phú Lộc đang tiếp tục chứng minh hiệu quả vượt trội khi sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Toàn bộ trang trại được thiết kế theo công nghệ chuồng kín nên có thể điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi, vật nuôi tránh được tác động của môi trường bên ngoài, được cách ly phòng bệnh nên hiệu quả mang lại hơn hẳn cách nuôi thông thường. Mặc dù quy mô trang trại lên tới 400 con lợn nái ngoại và 1.000 con lợn thịt, nhưng với việc trang bị các thiết bị tự động hóa từ khâu cho lợn ăn, uống nước và vệ sinh chuồng nên chỉ cần 5-7 lao động. Ông Nguyễn Văn Toán, chủ trang trại cho biết: Ngoài ứng dụng công nghệ cao, trại chăn nuôi lợn của ông đáp ứng đủ các tiêu chí khắt khe của tiêu chuẩn VietGAHP. Hiện Công ty đang cùng với Công ty TNHH Thuận Thành (thành phố Nam Định) thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ lợn sạch. Hàng năm Công ty xuất bán 270 tấn thịt hơi và 7.500 con lợn giống ra thị trường.

Lãnh đạo Sở NN và PTNT cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, nếu trước đây, mô hình nhà màng, nhà kính, nhà lưới… trồng rau công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ, thì nay ở hầu hết các huyện, thành phố đều có mô hình điểm, đem lại giá trị cao, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Ở lĩnh vực chăn nuôi, ngoài việc xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ, nông dân đã ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới như công nghệ vi sinh, bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong khâu giống đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo với các giống bò, lợn. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đã có một mô hình kiểm tra môi trường, nhiệt độ được tích hợp trên điện thoại di động thông minh để giám sát và điều khiển từ xa; mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính; ứng dụng công nghệ vi sinh biofloc trong nuôi tôm… Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình mới và hướng tới xuất khẩu nông sản công nghệ cao. Tập trung triển khai rộng rãi quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… góp phần tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đẩy mạnh, nhân rộng những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở tỉnh ta vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Ở nhiều nơi chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Năng lực tài chính, kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân còn hạn chế. Nông dân thiếu vốn để đầu tư công nghệ, thiết bị sơ chế, bảo quản nông sản. Mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ như việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm ổn định cả về số lượng và chất lượng nên việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Anh Lê Tiến Đạt, chủ cơ sở sản xuất rau thủy canh có quy mô 700m2 ở xã Hải Cường (Hải Hậu) cho biết: Để có được cơ sở như hiện nay, anh phải đầu tư trên 700 triệu đồng. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, cơ sở mới chỉ ở mức sản xuất ổn định mà chưa có lãi. Thực tế này cho thấy nông dân đầu tư không chỉ cần phải kiên nhẫn mà phải “trường vốn” - đây lại là một vấn đề nan giải đối với nông dân. Hiện tại, mỗi tháng anh Đạt xuất bán ra thị trường qua các nhà phân phối tại Hà Nội khoảng trên 500kg rau, tuy nhiên nếu để mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ lo về vốn đầu tư mà anh phải tiếp tục lo đầu ra cho sản phẩm. 

Trong xu thế hội nhập, đòi hỏi người sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả để có thể cạnh tranh trên thị trường và an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ là yêu cầu tất yếu cần quan tâm thực hiện. Từ kết quả đạt được bước đầu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích và tập trung nguồn lực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com