Thực hiện Chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học để tìm ra những giải pháp thích ứng với BĐKH và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Sở KH và CN đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành như Viện Địa lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Sinh thái và bảo vệ công trình (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam)… thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về BĐKH như: “Đánh giá tác động của BĐKH đối với tỉnh Nam Định và các giải pháp thích nghi”; “Xây dựng kịch bản BĐKH tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu sử dụng công nghệ viễn thám tích hợp với hệ thông tin địa lý (GIS) đánh giá biến động sử dụng đất và lớp phủ thực vật tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu chỉnh trị cửa sông Ninh Cơ tăng khả năng thoát lũ, đảm bảo vận tải thủy và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định”… Các đề tài nghiên cứu khoa học đã đề cập đến các yếu tố khí tượng thủy văn như: Nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng, diện tích ngập lụt, xâm nhập mặn trong các năm tới. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Sở KH và CN đã chuyển giao, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương đưa ra những biện pháp ứng phó cụ thể thích hợp. Sở KH và CN còn đưa mục tiêu nghiên cứu khoa học ứng phó với BĐKH trở thành một trong những việc ưu tiên khi tuyển chọn và xét duyệt các nhiệm vụ khoa học của các cấp, các ngành và các địa phương nhằm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng BĐKH; đánh giá những tác động của BĐKH tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là sinh kế của người dân tại các huyện ven biển, đồng thời đề xuất những giải pháp thích hợp, đồng bộ để chủ động ứng phó với hiện tượng này.
Cán bộ Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định quan trắc khí tượng thủy văn, xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Ngành NN và PTNT chịu tác động mạnh nhất của BĐKH nên đã chủ động phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều loại cây, con giống mới có tiềm năng năng suất cao, đặc biệt là khả năng chống chịu, thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan do tác động của BĐKH và tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp và sản xuất theo hướng bền vững tránh hủy hoại, ô nhiễm môi trường; tận dụng nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi, giải quyết được vấn đề chất thải trong chăn nuôi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của các địa phương và nông dân trong quá trình chọn tạo và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất… Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao như: “Thử nghiệm nhân giống bần Myanma chịu rét và trồng thí điểm tại bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng” do Trung tâm Giống cây trồng Nam Định thực hiện; “Cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh bền vững bằng phương pháp chuyển giai đoạn” của kỹ sư Đỗ Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Giống hải sản Nam Định; “Cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông tại Nam Định” của kỹ sư Cao Thị Nga, cán bộ Sở NN và PTNT; “Xây dựng và tổ chức thực thi đề án cộng đồng quản lý rừng ngập mặn thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy” của kỹ sư Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy… Sau gần 3 năm nghiên cứu đề tài “Khảo nghiệm một số giống lúa có năng suất, chất lượng và xây dựng một số giải pháp kỹ thuật thâm canh lúa tại vùng đất nhiễm mặn ven biển tỉnh Nam Định”, các cán bộ, kỹ sư Phòng Trồng trọt (Sở NN và PTNT) đã chọn được 2 giống lúa thuần là Nam Định 5, TBR 45 và giống lúa lai TX111 phù hợp với điều kiện đất nhiễm mặn tại các huyện ven biển, đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho các vùng đất nhiễm mặn của tỉnh. Thành công của đề tài đã giải quyết khó khăn trong sản xuất lúa ở những vùng đất nhiễm mặn, góp phần bảo đảm an toàn lương thực. Với đề tài “Xác định một số giống cây trồng thích hợp và kỹ thuật ươm giống chất lượng cao tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy", nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được cây vẹt dù và cây mắm là hai loại cây phù hợp với điều kiện canh tác tại vùng đất ngập mặn; đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật ươm giống cây con chất lượng cao phục vụ cho việc tái sinh rừng ngập mặn tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Các ngành TN và MT, Công thương, GTVT… cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng; sản xuất và sử dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường; nghiên cứu và sử dụng nhiên liệu tái tạo cho các phương tiện vận tải. Nhiều doanh nghiệp đã thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm khí thải, hạn chế hiệu ứng nhà kính và áp dụng công nghệ sạch vào sản xuất như sản xuất gạch không nung ở Cty CP Vật liệu không nung 567, xã Lộc Hòa (TP Nam Định), Cty TNHH Phan Quân, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); sử dụng phương pháp đất cát gia cố trong làm đường giao thông nông thôn… ở một số địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đồng thời triển khai các chương trình: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ về sử dụng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng; nâng cao nhận thức của cộng đồng nhân dân ven biển ứng phó với BĐKH; xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho nhân dân khu vực có ảnh hưởng lớn của BĐKH…
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học để tìm ra những giải pháp hiệu quả ứng phó với BĐKH, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về BĐKH giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương