Sử dụng hiệu quả thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước

08:04, 01/04/2013

Thời gian qua, để thúc đẩy chương trình sử dụng thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tỉnh ta đã tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại. 100% các cơ quan Đảng, các sở, ban, ngành, các huyện ủy, UBND huyện, 38% UBND cấp xã đã được đầu tư xây dựng mạng cục bộ (LAN), với tổng số 86 máy chủ. 100% các cơ quan Đảng, các sở, ngành, huyện ủy, UBND huyện được kết nối mạng diện rộng. Các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, huyện đã có kết nối mạng diện rộng bằng cáp quang dung lượng lớn. 100% các cơ quan Đảng, các sở, ngành, huyện ủy, UBND huyện, xã có kết nối internet tốc độ cao. Tổng số máy tính được trang bị ở các cơ quan Đảng, hành chính trong tỉnh là gần 3.000 máy. Tỷ lệ máy tính trên tổng số cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt trên 50%; trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 69%, cấp xã đạt 25%. Có 96% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 83% cấp huyện, 35% cấp xã biết sử dụng máy tính và khai thác mạng interrnet phục vụ cho công việc. 100% các cơ quan Đảng, 82% các sở, ngành, 100% huyện ủy, UBND huyện có cán bộ chuyên trách về CNTT. Trong năm 2012, mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng đã được kết nối từ cấp Trung ương đến cấp huyện, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trao đổi thông tin dữ liệu, báo cáo qua thư điện tử, hoặc phần mềm quản lý văn bản. Đến nay hệ thống thư điện tử của tỉnh đã được nâng cấp và triển khai đến các đơn vị. 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn; 100% cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước đã được cấp địa chỉ thư điện tử. 63% cán bộ, công chức cấp tỉnh và 44% cấp huyện đã sử dụng thư điện tử phục vụ công việc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT và TT, đến năm 2012, hiệu quả sử dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước chưa cao, chưa khai thác hết những tính năng hữu dụng của hệ thống thư điện tử. Tỷ lệ văn bản trao đổi qua thư điện tử vẫn còn thấp; nhiều cán bộ, công chức chưa có thói quen sử dụng thư điện tử trong công việc, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin trên thư điện tử chưa được quan tâm đúng mức. Theo bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT Vietnam (ICT Index) năm 2012 của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam công bố thì tỷ lệ cán bộ sử dụng thư điện tử trong công việc tại các tỉnh, thành phố mới đạt 32,4%. Một số cán bộ có thói quen sử dụng email công cộng như Yahoo, Gmail… nên nguy cơ bị lộ thông tin rất cao. Bên cạnh đó, nhiều văn bản vẫn phải gửi đồng thời qua cả đường văn bản điện tử (qua thư điện tử) và văn bản giấy qua văn thư. Điều này cũng gây khó khăn cho nhiều cơ quan khi muốn điện tử hóa hoàn toàn văn bản điện tử.

Triển khai công tác bằng văn bản điện tử ở Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu.
Triển khai công tác bằng văn bản điện tử ở Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu.

Để thúc đẩy các cơ quan nhà nước sử dụng thư điện tử trong trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, trong năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường sử dụng văn bản điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên phải sử dụng thư điện tử để trao đổi các loại văn bản trong nội bộ cơ quan như giấy mời họp; tài liệu phục vụ họp; văn bản để biết, để báo cáo; thông báo chung của cơ quan; các tài liệu cần trao đổi trong quá trình xử lý công việc. Từ giữa năm 2012 đến nay, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phải sử dụng thư điện tử phục vụ công việc. Tại Thành phố Nam Định và huyện Trực Ninh, để tiết kiệm chi phí và từng bước tiến tới gửi văn bản qua mạng internet, văn phòng UBND đã yêu cầu các đơn vị hạn chế sao y văn bản; các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương; các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch kinh tế - xã hội năm, các báo cáo chuyên đề, báo cáo tháng, quý, năm sẽ được gửi qua thư điện tử và đưa lên Cổng thông tin điện tử thành phố, UBND huyện để tra cứu; giấy mời họp, giấy hoãn họp và thư mời tiếp khách cũng được gửi qua thư điện tử. Sở GD và ĐT đã quy định về việc giao dịch văn bản điện tử trong toàn ngành nhằm tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý giáo dục, giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn và cước phí bưu điện, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và xử lý công việc của ngành.

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động quản lý điều hành, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, tập trung nâng cao trình độ nhân lực; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đến năm 2015, phấn đấu 100% cơ quan Đảng, các sở, ngành, huyện ủy, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ được kết nối vào mạng diện rộng của tỉnh và bảo đảm yêu cầu về công nghệ và ứng dụng. 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, 80% cán bộ, công chức cấp huyện và 50% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính cá nhân. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện; 80% cán bộ, công chức cấp xã biết sử dụng máy tính, khai thác internet phục vụ cho công việc. Sở TT và TT sẽ tăng cường thực hiện việc gửi, nhận văn bản theo “Danh mục các loại văn bản phải sử dụng văn bản điện tử”; 100% cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị đều được cấp hộp thư điện tử công vụ; sử dụng hộp thư điện tử với địa chỉ tên miền .gov.vn được cấp để trao đổi thông tin, văn bản điện tử trong công việc…, bảo đảm đạt mục tiêu đến năm 2015 có 70% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi trong cơ quan bằng văn bản điện tử./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com