Năm 2012: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

09:02, 08/02/2012

Từ đầu năm 2012, Bộ TN và MT đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu về môi trường trong Nghị quyết số 56/2006/QH11 của Quốc hội khóa XI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010; nghiên cứu, đề xuất đưa bộ chỉ tiêu mới về môi trường vào Chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo phản ánh đúng vai trò môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

Theo đó, nhiều chính sách môi trường đã được Bộ ứng dụng vào thực tế, chính sách về Luật Thuế bảo vệ môi trường là một điểm nhấn quan trọng. Những nhóm đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: Nhiên liệu và sản phẩm từ hóa thạch (xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu, mỡ nhờn, than, khí thiên nhiên, khí than); dung dịch HCFC (hydrochlorofluorocarbon, làm suy giảm tầng ôzôn); thuốc lá; hạt và bột nhựa từ sản phẩm hóa dầu, nhựa màng mỏng, phế liệu nhựa nhập khẩu; pin, ắc quy các loại; hóa chất tẩy rửa (trừ các loại chế biến từ thực vật); axít vô cơ, xút và nhóm sơn công nghiệp. Cụ thể, đối với xăng dầu dự kiến mức thu được quy định bằng mức phí xăng dầu hiện hành từ 1.000-6.000 đồng để không gây tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng. Đối với than, mức thuế tối thiểu bằng mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành là 6.000 đồng/tấn (khoảng 1% giá bán). Mức thuế tối đa là 30.000 đồng/tấn (khoảng 5% giá bán). Túi nhựa xốp được xem là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, luật quy định mức thu từ 20.000-30.000 đồng/kg (khoảng 100%-150% giá bán). Việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán, giảm dần việc sử dụng túi nhựa xốp.

Trồng rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Như Ý
Trồng rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Như Ý

Ngoài ra, với dung dịch HCFC thường được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: Làm lạnh, điều hòa không khí, dập cháy, bọt xốp và dung môi sẽ chịu mức thuế 1.000-5.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, dung dịch HCFC là loại khí làm ô nhiễm bầu không khí và là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính, nên nước ta đã ký Công ước quốc tế về việc loại bỏ HCFC vào năm 2031.

Đối với công tác xử lý nguồn thải ô nhiễm, theo đồng chí Bùi Cách Tuyến, sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm trong toàn quốc, tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Thực tế hiện nay, việc tăng nhanh nhu cầu sử dụng các chất thải trên trong thời gian gần đây đã và đang khiến cho chất lượng môi trường xấu đi nhanh chóng, khiến nước ta bị xếp vào top 10 nước có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách doanh nghiệp gây ô nhiễm để thường xuyên kiểm tra. Trường hợp doanh nghiệp cố tình tái phạm sau khi đã cho thời hạn khắc phục sẽ bị cưỡng chế buộc tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, để kiểm soát thị trường chuyển giao, xử lý chất thải, nhất là đối với loại chất thải nguy hại, Bộ cũng quy định, tùy theo năng lực mà mỗi doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải nguy hại chỉ được ký liên kết tiếp nhận với tối đa 5 đơn vị thu gom chuyển giao. Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng có quá ít đơn vị xử lý nhưng lại có quá nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển.

Đặc biệt, trong năm 2012 sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở nhập khẩu phế liệu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông; cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản; cơ sở hành nghề quản lý chất thải nguy hại; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Đa dạng sinh học; hướng dẫn kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học ở các cấp; triển khai nhanh công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020; tăng cường thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật về đa dạng sinh học, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Chú trọng phát huy vai trò của tư vấn về công nghệ môi trường, xây dựng các mô hình nhằm thu hút các đối tượng khác nhau trong xã hội tham gia.

Đồng chí Bùi Cách Tuyến khẳng định, đến nay, chính sách môi trường đã dần hoàn thiện. Tuy nhiên, các địa phương sớm đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực xử lý chất thải, đồng thời, mạnh tay triển khai những chính sách trên vào thực tế để tạo sự bền vững cho phát triển kinh tế./.

Theo: baocongthuong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com