Thay vì bắt tay nhau thương lượng để thực hiện thỏa thuận mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD, tỷ phú Mỹ Elon Musk và mạng xã hội này lại đang lao vào cuộc chiến pháp lý được dự báo có thể mất hàng năm mới kết thúc và cả hai đều sẽ phải trả giá.
Hai bên trở nên căng thẳng sau khi tỷ phú Musk “lật kèo” với tuyên bố chấm dứt thỏa thuận này cùng cáo buộc Twitter đã gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này, đồng thời từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Theo tỷ phú Musk, hành vi không trung thực của Twitter khiến ông bị nhầm lẫn khi quyết định mua lại mạng xã hội.
Cụ thể Twitter khẳng định, nền tảng hiện có hơn 238 triệu người dùng hằng ngày và số lượng lớn này có thể tạo ra doanh thu từ quảng cáo. Nhưng trên thực tế, những người dùng nhìn thấy quảng cáo “chiếm khoảng 65 triệu người”. Đáp lại hành vi này, Twitter đã đâm đơn kiện ông Musk phá vỡ hợp đồng lên tòa án bang Delaware (Mỹ), đề nghị tòa yêu cầu tỷ phú Musk thực hiện thỏa thuận, vì cho rằng không mức án phạt tài chính nào có thể bù đắp được thiệt hại mà ông đã gây ra.
Tỷ phú Musk sau đó đã đệ đơn kiện ngược Twitter lên tòa án bang Delaware, trong đó phản đối việc mạng xã hội này yêu cầu ông phải hoàn tất thỏa thuận đã ký hồi tháng 4-2022 về việc mua lại Twitter. Bản tóm tắt đơn kiện dài 163 trang vừa được tòa án Delaware công bố, trong đó vị tỷ phú cáo buộc “Twitter câu giờ bằng trò trốn tìm kéo dài hàng tháng” khi đội ngũ của ông tìm kiếm thêm thông tin để hoàn tất thương vụ 44 tỷ USD. Đội ngũ của ông Musk cho rằng, Twitter đánh lừa các nhà đầu tư và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đồng thời “điên cuồng đóng cửa thông tin, nỗ lực ngăn phía ông Musk phát hiện hành vi gian lận của mình”.
Twitter cho biết, các số liệu thống kê ước tính về lượng người sử dụng của công ty do trí tuệ nhân tạo thực hiện, do đó có thể không hoàn toàn chính xác, song ông Musk đã lấy điều này làm lý do để “lật kèo”. Trên thực tế không ai biết lý do thực sự cho hành động này của tỷ phú Musk là gì. Twitter thậm chí đã phải gửi một loạt trát đòi hầu tòa cho các nhà đầu tư và cộng sự của ông Musk nhằm cố gắng xác định thời điểm cũng như động cơ rút khỏi thương vụ của Giám đốc điều hành hãng Tesla.
Những tranh cãi qua lại kiểu này rõ ràng đang làm tổn hại rất nhiều tới cả Twitter lẫn tỷ phú Musk. Đối với Twitter, những bí mật, thậm chí là “góc khuất” của mạng xã hội này được cho là đã bị phơi bày trong đơn kiện, bao gồm thông tin về lượng người sử dụng. Bởi vậy mới có chuyện, Twitter cáo buộc tỷ phú Musk đã tìm cách phát đơn kiện mà không cho họ cơ hội chỉnh sửa hoặc lược bỏ những thông tin bí mật của công ty.
Dù chưa biết hành vi gian lận của Twitter đúng sai thế nào, việc đơn kiện của ông Musk nêu lên điều này cũng là một đòn đánh vào uy tín của mạng xã hội vốn được nhiều nguyên thủ, chính khách và người nổi tiếng sử dụng này. Có một thực tế là sau khi ông Musk đưa ra yêu cầu con số các tài khoản giả mạo, lượng người theo dõi tài khoản của các nhân vật nổi tiếng đã sụt giảm trông thấy. Ngoài ra, việc các bình luận tiêu cực của tỷ phú Musk về Twitter trên chính mạng xã hội này được cho là khiến giá cổ phiếu của Twitter bị giảm mạnh.
Theo New York Times, cổ phiếu Twitter đã giảm 40% tính từ khi ông Musk đồng ý mua lại. Twitter còn có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ phía cổ đông trong những tháng tới, bất kể kết quả cuộc tranh chấp với ông Musk như thế nào. Còn theo Giáo sư quản lý và chiến lược tại Đại học Northwestern, ông Harry Kraemer, công việc ở Twitter đang bị đình trệ dù có muốn hay không. Giờ đây, thay vì làm việc, các nhân viên của mạng xã hội này dành phần lớn thời gian chờ xem ai sẽ là chủ công ty và điều gì sắp xảy ra với họ.
Còn đối với tỷ phú Musk, theo ông John Mc Claine, một nhà quản lý quỹ tại Brandywine Global Investment, tỷ phú Musk đã đánh giá thấp rủi ro danh tiếng có thể xảy ra với thương vụ. “Chắc chắn ông ấy sẽ bị thiệt hại. Rất nhiều người sẽ nhíu mày nếu ông ấy định mua một công ty khác trong vài năm tới”, theo chuyên gia này. Một số nhà phân tích lưu ý những lý do ông Musk đưa ra nhằm hủy thương vụ có thể thúc đẩy SEC mở thêm các cuộc điều tra khác và khiến ông Musk đối diện rủi ro mới liên quan đến việc mua bán cổ phiếu. Có ý kiến cho rằng, thỏa thuận mua lại Twitter chỉ là chiêu trò để đẩy giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla và thu về bạc triệu.
Phiên tòa xét xử vụ kiện giữa hai bên sẽ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 17-10 tới. Chưa rõ vụ việc ngã ngũ thế nào, nhưng điều chắc chắn lao vào cuộc chiến pháp lý chưa rõ hồi kết này, cả hai bên sẽ phải trả những khoản tiền khổng lồ cho các công ty luật để thuê luật sư vì các vụ kiện liên quan đến thâu tóm công ty thường được tính phí cao hơn những lĩnh vực khác. Cái mất lớn hơn, không thể tính được bằng tiền chính là niềm tin của các đối tác cũng như công chúng đối với tỷ phú Musk và mạng xã hội thuộc loại hàng đầu thế giới như Twitter./.
Theo Báo QĐND