Đối tác của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) là Công ty Infront Sports & Media, đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở 26 quốc gia tại khu vực châu Á, đã cử đại diện sang Việt Nam để chào bán gói bản quyền phát sóng World Cup 2022.
Đài Truyền hình - Phát thanh quốc gia Rai (Italy) coi như lỗ khi đội bóng nước nhà không qua được vòng loại World Cup 2022. Ảnh: AP |
Giá công ty này đưa ra khiến đại diện các nhà đài trong nước sốc nặng: 15 triệu USD, tương đương 350 tỷ đồng.
Không có chuyện "mua hoa đêm 30"
Theo thống kê từ FIFA, 38 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 trên nhiều nền tảng như: TV, radio, mobile và internet. Tại khu vực Đông Nam Á, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines... đã xác nhận có bản quyền truyền hình ngày hội túc cầu thế giới diễn ra vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, tại hai thị trường lớn ở khu vực, với lượng người hâm mộ bóng đá đông đảo là Việt Nam và Thái Lan, câu chuyện bản quyền phát sóng World Cup 2022 vẫn đang trong giai đoạn thương thảo.
Trước đây, Việt Nam từng sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2002 với giá 1 triệu USD; đến World Cup 2006 là 2 triệu USD; World Cup 2010 là 2,7 triệu USD; World Cup 2014 tăng lên 7 triệu USD và ở kỳ World Cup 2018 là 12 triệu USD. 4 năm trước, vào phút chót, được sự tài trợ của hai tập đoàn lớn, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) mới có đủ nguồn lực tài chính để mua bản quyền World Cup diễn ra ở Liên bang Nga.
Một thực tế, khi đơn vị nắm giữ bản quyền phát giá, thường là giá cao, thì các nhà đài, các công ty truyền thông, tập đoàn tài chính... đều có chung một suy nghĩ: Đắt!
World Cup 2018, Việt Nam là một trong số ít quốc gia cuối cùng sở hữu bản quyền của giải bóng đá lớn nhất hành tinh với giá 12 triệu USD. Các doanh nghiệp ở Thái Lan phải đến cuối tháng 4-2018 mới thương lượng xong với đối tác, để mua quyền phát sóng kỳ World Cup trên với mức giá chừng 44 triệu USD. 9 tập đoàn lớn ở xứ Chùa Vàng đã cùng nhau hùn tiền để giúp người dân Thái Lan được xem World Cup. Trước đó 4 năm, các doanh nghiệp ở Thái Lan đã chi 20 triệu USD để sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2014. Có thể thấy, giá bản quyền World Cup bán tại thị trường Thái Lan tăng phi mã. Với Singapore, các nhà đài ở quốc đảo này đã phải chi lần lượt 15 và 25 triệu USD để có được bản quyền truyền hình World Cup 2014, 2018.
Nhìn ra khu vực châu Á và thế giới, sẽ thấy mức giá bản quyền truyền hình World Cup 2018 cao chót vót, ở Ấn Độ là 60 triệu USD, Trung Quốc 155 triệu USD, Mỹ là 200 triệu USD.
Không có chuyện càng đến ngày khai cuộc World Cup thì giá bản quyền truyền hình sẽ rẻ hơn. Có chăng chỉ thấy giá đắt hơn, bởi trong cuộc chơi này, đơn vị nắm giữ bản quyền coi như đã “cầm dao đằng chuôi”.
Các bên cùng có lợi
Trở lại với việc Công ty Infront Sports & Media chào bán bản quyền phát sóng World Cup 2022 ở Việt Nam. Giá chào bán 15 triệu USD của công ty này có thể vẫn chưa phải là con số cuối cùng, đơn vị nào đồng ý mức giá trên nhiều khả năng sẽ phải chi thêm một khoản nữa là phí truyền dẫn vệ tinh từ nước đăng cai World Cup (Qatar) về Việt Nam, không ít hơn 2 triệu USD.
Cũng có luồng ý kiến là sau dịch COVID-19, kinh tế còn đang trong giai đoạn phục hồi mà giá bản quyền truyền hình World Cup 2022 vẫn đắt như vậy? Đó là bởi từ 4 đến 5 năm trước, FIFA và các đối tác đã chốt giá bản quyền kỳ World Cup diễn ra ở Qatar. Còn trong làm ăn buôn bán, mặc cả hợp đồng, giờ là thời kỳ đôi bên cùng có lợi. Không có chuyện tôi thắng - anh thua mà là chúng ta cùng thắng. Ở một thị trường quan trọng như Việt Nam, nơi người dân luôn bày tỏ sự đam mê, ủng hộ hết mình cho môn thể thao vua thì việc được xem World Cup chẳng khác nào như thưởng thức món ăn tinh thần. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi trước thềm World Cup 2022, một tập đoàn trong nước mua hoặc hỗ trợ VTV trong việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2022./.
Theo QĐND