Đa dạng các hoạt động thư viện cho thiếu nhi trong dịp hè

06:07, 01/07/2022

Kỳ nghỉ hè luôn là thời điểm hệ thống các thư viện trong tỉnh hoạt động sôi nổi để phục vụ bạn đọc nhí. Từ những ngày đầu hè, cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và bổ sung nguồn sách phong phú phục vụ độc giả nhỏ tuổi, các thư viện cũng chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em tới đọc sách.

Thư viện tỉnh thu hút đông học sinh đến đọc sách vào mỗi dịp hè.
Thư viện tỉnh thu hút đông học sinh đến đọc sách vào mỗi dịp hè.

Đến Phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh vào một buổi sáng mùa hè oi ả, chúng tôi chứng kiến rất đông học sinh chăm chú ngồi đọc các loại truyện, sách và trao đổi với nhau về những mẩu truyện hay, những cuốn sách bổ ích. Em Vũ Anh Khang, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lộc Hạ (thành phố Nam Định) cho biết: “Đây là năm thứ 2 vào dịp hè em được mẹ cho đến Thư viện tỉnh làm thẻ đọc sách. Em rất thích, ở đây không gian thoáng mát, sạch sẽ, có bàn, ghế, quạt, điều hòa. Em thích đọc truyện kể về những nhân vật lịch sử, truyện cổ tích và truyện tranh. Ngoài vài buổi học thêm tiếng Anh trong tuần, sáng nào em cũng đến Thư viện tỉnh để đọc sách và gặp gỡ bạn bè. Em thấy việc đọc sách thật bổ ích, ý nghĩa vì vừa được giải trí, vừa được bổ sung thêm nhiều kiến thức, nâng cao hiểu biết, phục vụ cho việc học tập”. Hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài, trước khó khăn chung của hệ thống thư viện khi các hoạt động phục vụ bạn đọc không thể tổ chức, Thư viện tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch hoạt động linh hoạt, đa dạng, phù hợp tình hình dịch bệnh; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ thiếu nhi. Tại Phòng cấp, đổi thẻ bạn đọc, Phòng mượn sách tự chọn và Phòng đọc thiếu nhi, các em được cán bộ Thư viện tỉnh bố trí chỗ ngồi hợp lý, khoảng cách an toàn; đồng thời, tăng số lượng sách mượn lên 5-7 đầu sách/lượt và gia hạn thêm thời gian trả sách. Đến nay, đã có hơn 3.300 thẻ được các em đăng ký đọc sách tại Thư viện tỉnh. Không khí ở Phòng đọc thiếu nhi lúc nào cũng sôi nổi, tấp nập; trung bình mỗi ngày có khoảng 200 lượt bạn đọc là học sinh bậc tiểu học và THCS. Thư viện còn trang bị hệ thống mạng, wifi miễn phí nên nhiều em còn mang theo máy tính để học tại chỗ.

Từ nhiều nguồn tài trợ, ủng hộ, đến nay, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc đọc sách cho thiếu nhi ở Thư viện tỉnh khá đồng bộ. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Dự án “Tủ sách ước mơ” nhằm gia tăng kết nối với cộng đồng các địa phương, Công ty Tài chính Prudential Việt Nam đã trao tặng Thư viện tỉnh 1.300 cuốn sách, 3 giá sách, 1 thảm sàn, 2 tranh tường trị giá 100 triệu đồng cho Phòng đọc thiếu nhi. Các bản sách trao tặng chủ yếu của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng; trong đó có nhiều sách văn học viết về các gương “anh hùng nhỏ tuổi” được nhiều em học sinh tìm đọc như: “Phạm Ngọc Đa” - tác giả Xuân Sách, “Kim Đồng” - tác giả Tô Hoài, “Dương Văn Nội” - tác giả Lê Vân, “Chị Sáu ở Côn Đảo” - tác giả Lê Quang Vịnh… Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà trao tặng gói trang thiết bị cho Phòng đọc thiếu nhi bao gồm 10 giá, kệ sách, 2 điều hòa, 2 máy hút ẩm, hỗ trợ vẽ tranh trang trí có tổng trị giá 100 triệu đồng… Cùng với đầu tư kinh phí trang bị thêm các đầu sách phù hợp với lứa tuổi, đúng chủng loại, Thư viện tỉnh trang bị thêm bàn, ghế, quạt mát, trang trí phòng đọc, hạ thấp các giá sách để các em khối tiểu học dễ dàng chọn lấy được loại sách mình cần. Hiện Phòng đọc thiếu nhi tại Thư viện tỉnh có gần 18 nghìn đầu sách với đầy đủ các thể loại, từ sách bổ trợ, sách tham khảo phục vụ học tập đến các cuốn truyện tranh, văn học dân gian, khoa học viễn tưởng, báo, tạp chí với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó chiếm tới 80-90% là sách của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ… với nhiều thể loại như: thơ, truyện cổ tích, thần thoại, truyện kể về những nhân vật lịch sử, các nhà bác học tài năng trong và ngoài nước… Sách được sắp xếp khoa học, bố trí dưới dạng kho mở, có chỉ dẫn cụ thể, giúp các em nhanh chóng tiếp cận được nguồn tài liệu phù hợp nhu cầu và tìm đọc dễ dàng. Để góp phần bồi đắp văn hóa đọc cho thiếu nhi, Thư viện tỉnh còn có các hoạt động sáng tạo giúp các em thêm yêu và trân quý sách như: trao đổi với các em về những cuốn sách hay, về nội dung, ý nghĩa qua từng trang sách; khuyến khích các em vẽ tranh, kể chuyện về những cuốn sách em yêu thích; tặng sách cho bạn đọc tích cực của thư viện;  giới thiệu những cuốn sách mới, sách bổ ích; chia sẻ các kênh giới thiệu sách qua trang mạng xã hội Youtube “Cùng bạn đọc sách”, “Sách và trí tuệ Việt”…Việc các em có thể trực tiếp khám phá, tìm kiếm, lựa chọn tài liệu cho mình không chỉ tạo tâm lý thoải mái, phát huy được tính chủ động, tích cực, nâng cao năng lực tìm kiếm thông tin mà còn có thể tạo cơ hội để các em nảy sinh nhu cầu đọc.

Không giống các phòng đọc khác với các kệ sách ngồn ngộn, Phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh được bố trí không gian thân thiện, khoa học, phù hợp với lứa tuổi của các em theo tinh thần “Học mà chơi, chơi mà học”. Nhằm hướng cho các em có xu hướng đọc một cách hiệu quả, cân bằng giữa nhu cầu giải trí - học tập - tích lũy kiến thức, cán bộ phụ trách Phòng đọc thiếu nhi còn quan tâm khảo sát nhu cầu và sở thích đọc của các em vì trẻ em thường dành nhiều thời gian cho truyện tranh, ít đọc truyện chữ và sách tham khảo. Để góp phần định hướng văn hóa đọc cho các em, Thư viện tỉnh luôn chú trọng việc lựa chọn danh mục, xem xét nội dung sách phù hợp với tâm lý lứa tuổi để bổ sung; chọn lọc các tác phẩm có nội dung hay, gần gũi với lứa tuổi các em, bảo đảm sự phong phú về nội dung, ngắn gọn về ngôn ngữ, đa dạng về hình ảnh minh họa để từ đó khơi mở niềm yêu thích của các em dành cho sách. Bên cạnh các hoạt động tại chỗ, hè năm nay, Thư viện tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức xã hội, đặc biệt là các em học sinh về sự cần thiết của việc đọc và học, xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh. Thư viện tỉnh, Bưu điện tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp luân chuyển, quản lý sách, báo giữa Bưu điện tỉnh, huyện đến Bưu điện văn hóa các xã, thị trấn phù hợp với nghiệp vụ thư viện và yêu cầu thực tế của từng địa phương. Cũng giống như mọi năm, Thư viện tỉnh tổ chức các chuyến xe thư viện lưu động đến các địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện cho trẻ em các khu vực được tiếp cận với nguồn sách phong phú, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc. Các buổi phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh thường gắn các chủ đề như: “Ngày hội sách cho em”, “Hành trang tri thức cho em”, “Đọc sách vì ngày mai”, “Niềm tin và hy vọng”, “Tri thức và tương lai”… 

Ở các địa phương trong tỉnh, với sự ủng hộ, đóng góp của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc quyên góp, ủng hộ sách, khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, phong trào đọc sách của thiếu nhi trong dịp hè có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 10 thư viện cấp huyện, thành phố, 4 thư viện cấp xã, 1.341 phòng đọc, tủ sách cơ sở (229 tủ sách pháp luật, 198 điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ sách, báo, 914 tủ sách làng, thôn, xóm TDP) và 3 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Hè năm nay, nhiều nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo các chủ đề nhằm khuyến khích các em tự nghiên cứu sách, báo để có tư liệu, kiến thức như: Tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo, an toàn giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường; các cuộc thi: Rung chuông vàng, Theo dòng lịch sử, Em là nhà khoa học tương lai, Viết về cuốn sách yêu thích của em… Qua việc học sinh xây dựng, biểu diễn các tiểu phẩm, tự sáng tác truyện, thơ, các em có cơ hội thể hiện khả năng hùng biện, thuyết trình, xử lý các tình huống rèn luyện kỹ năng sống.

Thực hiện Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở VH, TT và DL phối hợp với Sở GD và ĐT ban hành Kế hoạch số 337 ngày 15-4-2022 về tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tại tỉnh năm 2022 nhằm hướng tới đối tượng là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn. Cuộc thi nhằm lan tỏa niềm đam mê đọc sách tới thế hệ trẻ; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc; từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người Việt Nam, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của thế hệ trẻ.

Hệ thống thư viện của tỉnh đã và đang thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh và là điểm đến yêu thích của các em học sinh trong mỗi dịp hè. Các thư viện đang ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, âm thầm lan tỏa văn hóa đọc, tôn vinh giá trị của sách và là nơi ươm mầm tình yêu sách, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ; qua đó tạo không gian học tập, giải trí an toàn lành mạnh cho các em dịp hè./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com