Giữ "hồn" nghệ thuật văn hóa truyền thống

04:06, 24/06/2022

Với mong muốn gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Quang Lộc ở xã Yên Phong (Ý Yên) đã nhiều năm dầy công sưu tầm, phục dựng nghệ thuật hát chèo, hát văn, ca trù của các địa phương. Nhiều tác phẩm sân khấu chèo, kịch nói do ông biên soạn đã tạo được tiếng vang trên sân khấu không chuyên toàn quốc.

Một vở chèo do NNƯT Trần Quang Lộc đạo diễn và thủ vai.
Một vở chèo do NNƯT Trần Quang Lộc đạo diễn và thủ vai.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát chèo, ngay từ nhỏ Trần Quang Lộc đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật, không ít lần cùng gia đình thắp đèn dầu đi biểu diễn phục vụ khán giả. NNƯT Trần Quang Lộc chia sẻ: Các làn điệu hát chèo, hát văn, sau này các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như duyên nghiệp gắn với cuộc sống của ông. Năm 1971, ông nhập ngũ và tham gia đội tuyên văn xung kích của Sư đoàn 304 phục vụ các đơn vị bộ đội bằng các làn điệu chèo, vở chèo ngắn. xuất ngũ trở về địa phương năm 1975, ông lại tích cực tham gia phong trào văn nghệ. Sau khi CLB ca trù Ý Yên được thành lập năm 2002, ông được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Ông vừa có khả năng đánh trống, vừa viết lời mới cho các bài ca trù, trong đó có các bài: “Ý Yên bức tranh quê”, “Trấn Sơn Nam địa linh”, “Nam Quốc sơn hà”… Cái riêng của ca trù là dựa vào lời cổ mà thay lời mới của cùng một làn điệu, trong đó các làn điệu như “Chúc khổ” được soạn lời mới thành “Cung chúc tân xuân”; “Đại thạch” soạn lời mới “Thắm tình dân quân”… Hiện ở Ý Yên chỉ có NNƯT Trần Quang Lộc soạn lời mới cho các bài hát ca trù, bởi muốn viết lời phải thực sự am hiểu về bộ môn nghệ thuật này. Với vai trò là chủ nhiệm CLB, ông đã động viên các thành viên đem hết tâm huyết và sự nhiệt tình để chăm sóc, nuôi dưỡng CLB duy trì hoạt động. Dưới sự dẫn dắt của ông, CLB ca trù Ý Yên nhiều lần được chọn tham gia liên hoan ca trù của Trung ương và tỉnh tổ chức đều đạt thành tích cao. Năm 2005, CLB đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan ca trù toàn quốc ở Hà Tĩnh với bài hát nói “Đào Hồng - Đào Tuyết”. Năm 2007, tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hải Dương, CLB đã đoạt Huy chương Bạc với các bài hát nói “Huê tình”, hát xẩm “Xẩm nhị tình”. Năm 2009, tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh, bài hát nói “Ý Yên bức tranh quê” đoạt Huy chương Vàng. Năm 2011, tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hà Nội, CLB biểu diễn bài hát nói “Trấn Sơn Nam địa linh” đoạt Huy chương Bạc. Ông cùng các thành viên trong CLB luôn tâm niệm ngoài việc nghiêm túc với nghề, còn phải truyền được cảm hứng, tình yêu, sự say mê đến với công chúng. Ngay từ khi thành lập, CLB đã mở các lớp dạy hát ca trù miễn phí ở địa phương với sự tham gia của học viên đến từ khắp các địa phương trong tỉnh.

Ngoài hoạt động về ca trù, NNƯT Trần Quang Lộc còn đam mê nghệ thuật chèo. Người yêu chèo Ý Yên còn nhớ các vai chính như vua, quan, sĩ quan quân đội… trong hàng trăm vở chèo mà ông đã từng diễn. Ông là người có công phục dựng các làng chèo Giao Hải (Giao Thủy), Hải Châu (Hải Hậu). Tại tỉnh Ninh Bình, ông đã khôi phục làng chèo xã Ninh An (Hoa Lư), làng chèo thôn Liên Huy (Gia Viễn). Riêng huyện Ý Yên ông truyền dạy hát và diễn chèo ở tất cả các xã, thị trấn và cùng với Trung tâm VHTT huyện mở các lớp dạy hát, múa, diễn chèo… Trong quá trình đi dạy chèo ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, thấy học trò nào có niềm đam mê và năng khiếu mời về tham gia CLB Chèo Ý Yên được thành lập năm 2004 do ông làm chủ nhiệm. Với sự chèo lái của NNƯT Trần Quang Lộc, CLB chèo luôn làm tốt công tác xã hội hóa. Ngoài việc hội viên tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động và mua trang phục, nhạc cụ biểu diễn, CLB còn nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các tiệc khai trương, tiệc cưới… nên có quỹ duy trì hoạt động đều đặn. Nhiều lần, CLB được chọn tham gia các hội thi CLB chèo không chuyên do Trung ương, tỉnh tổ chức và đạt thành tích cao. Để duy trì các làn điệu chèo truyền thống, ông Lộc cùng các thành viên CLB thường xuyên mở lớp dạy hát chèo miễn phí ở các xã Yên Cường, Yên Tân, Thị trấn Lâm và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mỗi lớp có từ 70-75 học viên. Kết thúc các lớp học, CLB đều tổ chức buổi công diễn để các học viên tham gia biểu diễn, thu hút hàng trăm khán giả đến xem. Mô hình “truyền nghề” này của CLB đã góp phần nhân rộng phong trào văn nghệ ở các xã, thị trấn.

Không chỉ “mát tay” trong phục dựng, phát triển phong trào hát chèo, ca trù, hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, ông đã viết hơn 20 kịch bản chèo và khoảng 30 hoạt cảnh. Kịch bản sân khấu chèo đề tài lịch sử, tiêu biểu như “Đại Hồng chung Đàm Linh Tự”, “Kể chuyện Thánh tổ linh thông”, “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”... Một số hoạt cảnh chèo phục vụ tuyên truyền theo chủ đề như “Chuyện nhà anh Phởn” về đề tài dân số - kế hoạch hóa gia đình và dàn dựng các giá đồng; các vở chèo mang hơi thở hiện đại như “Đường Xuân”, “Tình qua sóng cả”, “Đất quê mình”, “Đêm tuần tra”... Năm 2016, vở chèo “Đất ấm tình quê” do ông là tác giả và đạo diễn giành Huy chương Vàng tại Hội diễn chèo sân đình không chuyên toàn quốc. Vở diễn được đánh giá cao bởi phản ánh đa chiều cuộc sống nông thôn thời hội nhập; cảnh báo những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đến truyền thống văn hóa dân tộc; ca ngợi những người nông dân tiên tiến vượt khó vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước. Với những đóng góp cho việc gìn giữ và phát huy các bộ môn hát múa dân gian, năm 2000 ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng “Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”; năm 2015 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT loại hình trí thức dân gian.

Hiện nay, dù gần ở tuổi thất thập nhưng NNƯT Trần Quang Lộc vẫn cần mẫn sáng tác, dàn dựng các vở chèo, kịch ngắn, hát văn và đầu tư thời gian, công sức truyền dạy các kỹ năng biểu diễn cho thế hệ trẻ. Những việc làm ý nghĩa đó ngày càng góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương./.

 Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com