Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự tác động đa chiều của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế công nghệ số, công tác gia đình và phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” (GĐVH) ở tỉnh ta luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vai trò, vị trí “hạt nhân” của gia đình trong thời kỳ mới. Qua đó, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc bồi dưỡng, giáo dục nhân cách, định hướng lối sống tốt đẹp cho mỗi thành viên, góp phần xây dựng văn hóa, con người Nam Định thân thiện, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội bền vững.
Gia đình ông Bùi Văn Vạn, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) là gia đình văn hóa có truyền thống hoạt động nghệ thuật. |
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai hiệu quả phong trào xây dựng “GĐVH”. Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Sở VH, TT và DL đã tổ chức triển khai đẩy mạnh tuyên truyền các tiêu chí ứng xử văn hóa gia đình theo phương châm “tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” đối với 4 mối quan hệ cơ bản: vợ chồng “chung thủy, nghĩa tình”; cha mẹ với con, ông bà với cháu “gương mẫu, yêu thương”; con với cha mẹ, cháu với ông bà “hiếu thảo, lễ phép”; anh chị em “hòa thuận, chia sẻ”. Hình thức tuyên truyền đa dạng như: Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Mái ấm gia đình”; tuyên truyền cổ động trực quan, qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đăng tin, bài trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Bản tin VH, TT và DL nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế Gia đình (15-5), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) với chủ đề “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”. Sở LĐ-TB và XH tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Tháng hành động vì trẻ em. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), xâm hại trẻ em; tiếp nhận, xử lý hàng trăm vụ việc BLGĐ; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm minh các trường hợp xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, BLGĐ, mua bán người. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp tuyên truyền cho hội viên các nội dung về xây dựng gia đình văn hóa; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hội nghị tập huấn, các cuộc truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình… Các mô hình phòng, chống BLGĐ (theo chuẩn Bộ VH, TT và DL) được triển khai xây dựng thực hiện tại các địa phương. Toàn tỉnh hiện xây dựng được 192 mô hình phòng, chống BLGĐ; 285 CLB gia đình phát triển bền vững; 905 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1.069 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; thiết lập 68 đường dây nóng về phòng chống bạo lực. CLB gia đình phát triển bền vững với các nội dung sinh hoạt đa dạng như: xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; cách ứng xử, xử lý mâu thuẫn trong gia đình; các biện pháp phòng chống BLGĐ; phê phán các hành vi BLGĐ; phổ biến các kiến thức phát triển kinh tế… Việc xây dựng và duy trì các mô hình, CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ cùng với các mô hình khác tại cơ sở đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn, giảm thiểu GĐVH; chất lượng danh hiệu “GĐVH” ngày càng được nâng lên. Việc bình xét, tuyên dương, khen thưởng các GĐVH được tổ chức vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Năm 2021, toàn tỉnh có trên 87% gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH” theo tiêu chuẩn Nghị định 122/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương có tỷ lệ GĐVH cao như: Vụ Bản 98%; Giao Thủy 90,1%; Hải Hậu 97,2%; Nam Trực 91%; Trực Ninh 95,1%; Nghĩa Hưng 90,9%.
Thực tế cho thấy, một trong những biện pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “GĐVH” ở tỉnh ta thời gian qua là các địa phương đã đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này; phát huy vai trò của các tổ chức tự quản trong nhân dân, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động khác của các ngành, đoàn thể các cấp như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; đa dạng hóa các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT trong mỗi gia đình và trong cộng đồng, xã hội. Xây dựng GĐVH thời kỳ mới, tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tôn vinh các GĐVH tiêu biểu trong các hoạt động: nhân đạo, từ thiện, xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát triển kinh tế… để tạo sức lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên trong xã hội hiện đại với các tác động đa chiều của công nghệ, kỹ thuật mới đến gia đình, các yếu tố cấu thành và các mối quan hệ, gia đình và công tác gia đình ở Nam Định cũng như ở nhiều địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới còn nhiều bất cập. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung không kết hôn, sống thử... đã tác động tiêu cực tới gia đình và xã hội. Các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới... đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống, việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi và trẻ em đang đặt ra những thách thức mới. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí, vai trò của gia đình còn hạn chế. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác xây dựng GĐVH. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được thường xuyên. Nhiều gia đình do quá tập trung làm kinh tế nên đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em, người già.
Từ định hướng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 23-3-2022 thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2030, tỉnh phấn đấu 100% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm bảo vệ môi trường tại gia đình, khu dân cư và khu vực công cộng, ứng phó với biến đổi khí hậu; 100% các huyện, thành phố đưa nội dung giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước dòng họ, cộng đồng, làng xã, có mô hình truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở, có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó với BLGĐ nhằm giảm tác hại của BLGĐ, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em... Để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; hoàn thiện và thực hiện chính sách pháp luật về gia đình; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được phát triển toàn diện và thụ hưởng thành quả phát triển; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hoá, phát triển lĩnh vực gia đình./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng