Đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), tôi và mấy đồng nghiệp nhận được món quà quý của thầy chủ nhiệm hồi trung học - Nhà giáo ưu tú Đỗ Thanh Dương. Đó là cuốn sách mới nhất của thầy “Nguồn sáng từ thơ Bác” (Tuyển thơ - Bình chú) do NXB Thanh niên vừa xuất bản đầu năm nay. Rưng rưng xúc động lật giở những trang sách còn thơm mùi giấy mới, cảm nhận tấm lòng yêu quý học trò của thầy, nhà sư phạm với 40 năm đứng lớp, và cảm phục sức làm việc, trí tuệ và tấm lòng nhà nghiên cứu - “người thầy suốt đời sống với tình yêu văn chương và niềm vui dạy văn - trồng người” như PGS.TS Trần Văn Toàn - cựu học sinh Lê Hồng Phong - cũng là học trò của thầy, viết trong lời tựa cuốn sách! Dù tôi và nhiều học trò của thầy đã theo những ngã rẽ khác, tạm biệt văn chương, song chúng tôi đã thật hạnh phúc khi từng được chìm đắm, mê say, dẫn dắt vào thế giới văn chương, đặc biệt là những áng văn thơ chữ Hán đặc sắc của Trần Nhân Tông, Hồ Chí Minh… qua các bài giảng của thầy, để rồi vẫn mang theo những âm hưởng từ những bài giảng ngày ấy mà thực hành trong cuộc sống, công việc hôm nay.
Như anh Toàn đã viết: “Suốt một đời đọc văn và dạy văn, thầy Đỗ Thanh Dương không chỉ để lại những bài giảng thông tuệ mà còn để lại những bài viết, những công trình đầy sức nặng học thuật về Trần Nhân Tông, về Văn Cao, về Nguyên Hồng…” (Các tác phẩm của thầy đã xuất bản: “Trần Nhân Tông - Nhân cách văn hóa lỗi lạc”; “Thơ Trần Nhân Tông - Thưởng thức - Cảm thụ”; “Văn Cao - Những câu thơ còn xanh” và “Nguyên Hồng trong tôi”). Với người đọc hiện đại, nhất là với học sinh trong trường phổ thông, thơ chữ Hán của Bác Hồ là thế giới “không dễ để bước vào” bởi bản thân chữ Hán với đa số người đọc hiện đại chỉ có thể tiếp nhận trong tâm thế “kính nhi viễn chi”. Không những thế đây còn là chữ Hán trong thơ mà để hiểu và cảm nhận thì lại cần được “cắt nghĩa bằng mã nghệ thuật - một thứ mã với sự đan cài hết sức tinh tế giữa mã biểu đạt của Đường thi và mã tâm hồn của người cách mạng lão thành”. Bạn đọc sẽ tìm được “mã” đó để hiểu, để cảm sâu sắc hơn những vẻ đẹp trọn vẹn trong các bài thơ chữ Hán của Bác Hồ qua các bài viết của nhà giáo Đỗ Thanh Dương trong cuốn sách này. “Đó là một khái quát sâu sắc về thơ Bác của một tâm hồn mẫn cảm, tinh tế với văn chương nhưng cũng là của một nhà sư phạm… Thầy “không chỉ để giúp người đọc hiểu về vẻ đẹp của một phong cách nghệ thuật độc đáo mà còn để giúp họ nhận thấy ở đó một đạo lý… Bằng cách đó người đọc không chỉ yêu thơ Bác mà còn biết sống đẹp hơn với đời, với tạo vật và với chính mình!” (PGS.TS Trần Văn Toàn).
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Nguồn sáng từ thơ Bác”, công trình nghiên cứu tuyển chọn giới thiệu 20 trong số 35 bài thơ chữ Hán ngoài tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh của thầy - Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Dương. Những bài viết “dẫn gợi để người đọc trực tiếp bước vào tác phẩm, trực tiếp cảm nhận về ánh sáng trong tâm hồn của Hồ Chí Minh”! Như chính “lời tri ân” thầy viết: cuốn sách là “Kết quả của quá trình học tập, nghiên cứu thơ Bác của bản thân, cũng là sự thành kính tri ân nhà thơ lớn Hồ Chí Minh với những thi phẩm vô giá của Người dành cho dân tộc và nhân loại”./.
Vân Thi