Đặc sắc di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo

04:06, 03/06/2022

Là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã Hồng Quang (Nam Trực) hiện còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Đó là nghệ thuật múa rối nước, các công trình văn hóa tín ngưỡng, tâm linh như: đình, đền, chùa, miếu, từ đường. Trong đó, Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo là một trong 3 di tích trên địa bàn được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng bởi mang đậm yếu tố lịch sử, giá trị văn hóa và nghệ thuật kiến trúc.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Đương cảnh Thành hoàng - Trạng nguyên Trần Văn Bảo

Theo các nguồn tư liệu lịch sử “Đại Việt thông sử”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Văn hóa Nam Trực - Cội nguồn và di sản”, cùng ngọc phả, sắc phong còn lưu giữ tại đền thì Trần Văn Bảo (1524-1610), quê làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực). Ông mồ côi cha từ bé, mẹ phải tần tảo buôn bán sớm hôm để nuôi ông ăn học. Dù gia cảnh khó khăn nhưng với bản chất thông minh, ham học, Trần Văn Bảo quyết chí theo đuổi con đường khoa cử. Tại khoa thi năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550), đời Vua Mạc Phúc Nguyên, Trần Văn Bảo thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (Trạng nguyên) khi vừa tròn 27 tuổi. Ông được bổ nhiệm làm quan trong triều nhà Mạc. Với tài năng, trí tuệ, Trần Văn Bảo được Vua Mạc Mậu Hợp trọng dụng, thăng các chức Thượng thư Bộ Hình (1578), Thượng thư Bộ Lại (1582). Theo quan chế thời Lê, Bộ Lại là bộ quan trọng nhất trong 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), chuyên giữ công việc phong tước và các việc điều bổ chức khuyết hoặc cấp bổng lộc. Hơn 30 năm làm quan, phụng sự 2 đời Vua Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp, Thượng thư Trần Văn Bảo luôn là người trung quân, ái quốc. Giai đoạn 1582-1586, triều đình nhà Mạc suy vong, Thượng thư Trần Văn Bảo đã từ quan về ở ẩn tại làng Phù Tải, huyện Bình Lục (nay thuộc thôn Dải Đông, xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tại đây, ông đã mở lớp dạy học cho người dân trong làng. Ông luôn quan tâm tới sự nghiệp học hành của các thế hệ con cháu. Hậu duệ của Trạng nguyên Trần Văn Bảo có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan trong triều đình. Trong đó, người con trai cả là Trần Đình Huyên đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1586), làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự (giám sát công việc của Bộ công). Người con trai thứ 2 là Trần Văn Thịnh thi đỗ Tứ trường (Hương cống) khoa Mậu Tý (1588) và Tam trường khoa Kỷ Sửu (1589), làm quan đến chức Thượng thư. Còn người con trai út là Trần Ngọc Lâm cũng làm quan đến chức Tri huyện. Trần Văn Bảo là một trong 3 vị Trạng nguyên của quê hương Nam Trực và là một trong 5 Trạng nguyên của tỉnh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.

Để tưởng nhớ công ơn, sau khi Trạng nguyên Trần Văn Bảo mất (mùng 5 tháng Chạp năm 1610), dân làng Phù Tải đã lập Đền thờ và suy tôn làm Đương cảnh Thành hoàng. Tại quê nhà, ông được người dân thôn Dứa, xã Hồng Quang xây đền để thờ phụng. Hiện nay, cả 3 chi của dòng họ Trạng nguyên Trần Văn Bảo gồm: chi cả ở thôn Dứa, xã Hồng Quang; chi 2 ở xã Nam Thanh; chi 3 ở xã An Đổ, huyện Bình Lục (Hà Nam) đều xây dựng từ đường dòng họ để hương khói.

Giá trị văn hóa kiến trúc di tích

Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 14-10-2021 thuộc loại hình lịch sử. Ngoài thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, đền còn phối thờ thân mẫu của ông là Trần Thị Huệ và Công chúa Quyến Lộc - con dâu của ông (vợ của Thượng thư Trần Văn Thịnh). Tại khuôn viên di tích, nhân dân địa phương còn xây dựng một ngôi đền nhỏ thờ 3 vị Thành hoàng làng: Đông Hải Đại Vương, Tây Phương Đại Vương và Cao Sơn Đại Vương.

Qua khảo sát di tích và nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử thì Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo được xây dựng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XVII với kiến trúc hình chữ “Đinh”, tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian. Đến thế kỷ XIX, đền tiếp tục được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Đến năm 1952, đền bị giặc Pháp đốt phá. Mặc dù đã được người dân phục dựng lại vào năm 1967 nhưng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và ảnh hưởng của thiên nhiên, các hạng mục của công trình bị hư hỏng nặng. Năm 1973, dân làng đã quyết định hạ giải ngôi đền. Sau nhiều năm hạ giải, nhân dân địa phương đều có chung một nguyện vọng phục dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ. Từ năm 2008 đến năm 2017, Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo được phục dựng lại với quy mô lớn, kinh phí trên 7 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, bao gồm đầy đủ các hạng mục: cổng, sân, tường bao, nhà khách, đền chính… Cổng đền quay hướng đông, rộng 5m, dài 11m, được tạo bởi 2 cột đồng trụ cao hơn 6m, cạnh 0,6m. Mỗi cột đồng trụ có 3 phần: đế, thân, đỉnh. Đế trụ tạo kiểu dáng cổ bồng, nhấn chỉ, chạm họa tiết hình lá sòi. Thân trụ là một khối vuông, tạo viền, khoét lòng, nhấn câu đối chữ Hán. Đỉnh trụ đắp hình lồng đèn cùng các họa tiết tứ quý, phượng lật. Đền chính được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “Nhất”, mặt quay hướng nam, nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói nam. Trên hiên đền đắp bức đại tự, khắc nổi 4 chữ Hán “Trạng nguyên linh từ” (Đền thờ Trạng nguyên). Hệ thống cửa ra vào được làm bằng gỗ lim cao 2,2m, rộng 1,4m thiết kế kiểu bức bàn. Hai bên đầu hồi xây cửa thông gió cao 1,1m, rộng 0,9m kiểu chữ “Thọ”. Bộ vì được làm bằng gỗ kết hợp bê tông cốt thép xây giả gỗ. Chính giữa đền xây bệ thờ giật cấp từ thấp đến cao; trong đó cấp trên cùng đặt khám và tượng thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo. Tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị bằng các chất liệu gỗ, gốm, sứ, đồng, giấy như: 7 đạo sắc phong, bát hương và một số đồ thờ tự khác.

Phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng

Để tỏ lòng thành kính tri ân, hàng năm tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, người dân địa phương tổ chức 2 kỳ lễ chính vào các ngày 24, 25-9 âm lịch (hội làng truyền thống) và mùng 5 tháng Chạp (ngày mất của ông). Để chuẩn bị cho hội làng dịp tháng 9 âm lịch, dân làng chuẩn bị lễ vật gồm: xôi, gà, rượu, hoa, quả hương, nến để dâng thánh, tế cáo thần linh. Sau đó là các nghi thức dâng hương, rước kiệu quanh làng rồi về sân đền để tế lễ. Bên cạnh các nghi thức tế lễ trang trọng, phần hội diễn ra các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như: kéo co, cờ người, hát chèo, hát ca trù, bơi chải trên sông Châu Thành… Vào kỳ lễ tưởng niệm ngày mất Trạng nguyên Trần Văn Bảo, dân làng tổ chức bao sái đồ thờ tự và trang trí, khánh tiết nơi hành lễ. Ngay từ sáng sớm mùng 5 tháng Chạp, dân làng tập trung tại sân đền để dâng lễ vật, làm lễ dâng hương. Một cụ già cao tuổi thay mặt cho dân làng lên đọc chúc văn ôn lại công lao to lớn của Trạng nguyên Trần Văn Bảo. Tiếp đến là các nghi thức tế nam quan, tế nữ quan. Chiều mùng 5, dân làng tổ chức họp tổng kết, báo công những thành tích, công việc chung của họ, của làng đã làm được trong năm qua và đề ra kế hoạch cho năm mới. Cuối cùng là nghi thức lễ tạ, kết thúc kỳ lễ kỵ Trạng nguyên Trần Văn Bảo.

Những hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức của người dân địa phương đối với bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ. Việc Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh sẽ là cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, là nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương Nam Trực./.

Khánh Dũng


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com