Kể từ khi Đảng ta được thành lập (3-2-1930), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mặc dù trải qua vô vàn thử thách nhưng lịch sử phát triển và trưởng thành của dân tộc Việt Nam đã đi những bước thần tốc và ghi nhiều dấu son chói sáng, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Giai đoạn 1930-1945, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã đưa dân tộc ta từ một vong quốc nô thành đất nước có chủ quyền, nhân dân lao động từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ cuộc sống xã hội. Chúng ta có chính Đảng của giai cấp và dân tộc lãnh đạo, có Tuyên ngôn độc lập mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trong Lễ Quốc khánh 2-9-1945, có Quốc hiệu mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Quốc kỳ mới - Cờ đỏ sao vàng, Quốc ca mới - Tiến quân ca). Nền văn hóa mới của dân tộc được Đảng công bố và khẳng định trong Đề cương văn hóa Việt Nam (1943). Tiếp nhận Đề cương văn hóa mới của Đảng, dòng văn học yêu nước và cách mạng vốn hoạt động bí mật được công khai phát triển mạnh mẽ trở thành nền văn học cách mạng, góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng vĩ đại đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã thắng lợi hoàn toàn “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”; chủ quyền của dân tộc được bảo vệ. Từ trong cuộc kháng chiến đã hình thành và phát triển nền văn học nghệ thuật kháng chiến bao gồm đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ trước năm 1945 tự nguyện đến với kháng chiến, đi theo đường lối văn nghệ cách mạng của Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ mới, trưởng thành ngay trong giai đoạn kháng chiến. Năm 1948, Đảng chỉ đạo thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật ngày nay. Thành tựu phong phú đa dạng và sâu sắc của văn học nghệ thuật giai đoạn này đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng về văn học nghệ thuật Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng ác liệt “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thắng lợi vẻ vang “Đánh cho Mỹ cút/đánh cho ngụy nhào”. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tạo nên cuộc sống mới, con người mới, hậu thuẫn vững chắc để giải phóng miền Nam. Nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam đã thực sự trưởng thành, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Thành tựu của văn học nghệ thuật đã trở thành niềm tự hào của một dân tộc “Sống hiên ngang/mà nhân ái chan hòa”.
Bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước với những thời cơ và thách thách mới khi tình hình thế giới có nhiều biến động, đường lối đổi mới được mở ra với những bước đi thích hợp. Công tác chỉnh đốn trong Đảng gắn liền với công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đã đạt nhiều kết quả, đem lại niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân. Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã thật sự đạt được thành tựu to lớn, toàn diện, vị thế đất nước ta trên trường Quốc tế thật sự được nâng cao. Nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã trải qua những năm tháng cam go cùng dân tộc, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết trong thời kỳ đổi mới và hội nhập đã giành những giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Nhìn nhận khái quát lịch sử cách mạng của Đảng, chúng ta có thể nhận thức đi theo con đường cách mạng mà Đảng ta đã chọn, thực chất là trở về với đất nước và nhân dân, trở về với nguồn cội đích thực của đối tượng sáng tạo nghệ thuật chân chính. Văn học nghệ thuật chỉ có giá trị khi các tác phẩm trở thành tài sản tinh thần của nhân dân và vì nhân dân.
Trong quá trình cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm, nêu cao vai trò to lớn của văn học nghệ thuật: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hoá và trí thức phải làm” (Hồ Chí Minh); “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh); “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hồ Chí Minh). Một hạnh phúc lớn đối với các văn nghệ sĩ đó là một số lãnh tụ của Đảng đồng thời là những nhà thơ, nhà văn, những tác giả lớn của nền văn học yêu nước và cách mạng: Hồ Chí Minh, Sóng Hồng (Trường Chinh), Tố Hữu, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy…
Tìm hiểu các văn kiện của Đảng của 12 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, không có Nghị quyết Đại hội Đảng lần nào lại không dành nội dung thỏa đáng để đánh giá và chỉ rõ đường lối phát triển văn hóa văn nghệ. Đồng thời Đảng ta còn ban hành những nghị quyết, chỉ thị cụ thể về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, tiêu biểu như Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI (11-1987), Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương 4 khóa VII (1-1993), Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương 5 khóa VIII (7-1998), Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 10 khóa IX (7-2004), Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X (6-2008); Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 9 khóa XI (6-2014). Trong các Nghị quyết của Đảng, vấn đề quan điểm chỉ đạo phát triển văn học nghệ thuật, luôn được Đảng khẳng định: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội”.
Thực tế sáng tác và thành tựu văn học nghệ thuật Việt Nam hơn 90 năm qua đã là một “kiểm nghiệm” rộng lớn và cũng là những minh chứng xác đáng góp phần quan trọng làm sáng tỏ đường lối sáng suốt của Đảng về văn học nghệ thuật. Trong truyền thống dân tộc ta đã có một nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần thể hiện tâm hồn tình cảm, bản lĩnh cốt cách của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống cao đẹp ấy, nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục gắn bó máu thịt với nhân dân, sáng tạo một khối lượng lớn các tác phẩm có giá trị. Nhiều tác phẩm được bạn bè thế giới biết đến và đánh giá cao. Hàng nghìn văn nghệ sĩ trong cả nước đã được nhận giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động… Điều đó thể hiện sự đánh giá, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Để làm tốt vai trò đặc trưng của văn học nghệ thuật đối với lịch sử dân tộc, xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng và nhân dân, hơn lúc nào hết mỗi văn nghệ sĩ cần thấm nhuần bài học sâu sắc mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã căn dặn trong bài phát biểu trước văn nghệ sĩ trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lâp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1948-2018): “Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”(*)./.
Ths. Nguyễn Công Thành
(Chủ tịch Hội VHNT tỉnh)
-------------------------
(*) Trích Báo Nhân Dân số ra ngày 26-7-2018.