Về làng khăn xếp Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sản xuất nhộn nhịp. Dưới những mái nhà, từng tốp dăm ba thợ nghề bận rộn vẽ, phun, cắt may, phơi khăn… Ai nấy đều khẩn trương, nhanh tay hoàn thiện từng chiếc khăn xếp kịp giao hàng đi muôn nơi phục vụ nhu cầu lễ hội, cưới xin, biểu diễn nghệ thuật.
Sản xuất khăn xếp tại gia đình chị Đoàn Thị Dưa, làng Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Dưới ánh nắng rực rỡ, những vuông vải lụa vàng, vải nhung đỏ trước khoảnh sân nhà chị Đoàn Thị Dưa, làng Giáp Nhất như bừng sáng. Trong nhà, hai người thợ khoảng trên dưới 50 tuổi đang cặm cụi làm đuôi khăn. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Dưa vừa tranh thủ cắt vải, “chốt” số lượng hàng gửi cho khách qua điện thoại. Là người Nam Giang nhưng trước khi lấy chồng, chị Dưa, không biết gì về nghề làm khăn xếp. Tuy nhiên nhà chồng chị lại có tới 3 đời làm khăn, ai cũng giỏi nghề, bố chồng chị vốn là một thợ làm khăn xếp nức tiếng của làng. “Tôi có cái may là cả nhà chồng ai cũng thạo nghề nên chỉ bảo cho rất nhiều. Mất vài tháng vừa học vừa làm, tôi đã thành thục các công đoạn làm khăn xếp” - chị Dưa chia sẻ. Sau 25 năm lấy chồng, chị Dưa giờ không chỉ là một thợ giỏi mà còn mở cơ sở kinh doanh đồ tế lễ, khăn xếp to nhất nhì làng Giáp Nhất. Làm khăn xếp, theo chị Dưa không khó nhưng đòi hỏi một số những kỹ năng đặc biệt như sự tỉ mỉ, khéo tay vốn không phải ai cũng có, thậm chí “khổ luyện” cũng chưa chắc đã thành nghề. Để làm ra một chiếc khăn xếp, công đoạn đầu tiên là phải tạo cốt. Theo chị Dưa, việc làm cốt khăn xếp xưa và nay khác biệt rất nhiều. Nếu cốt khăn xếp ngày xưa được làm hoàn toàn thủ công bằng giấy bổi thì nay các thợ nghề thay bằng mút, xốp để chiếc khăn không còn nặng nề, cồng kềnh. Vải quấn ngoài của khăn xếp cũng có sự thay đổi. Xưa các thợ nghề dùng vải sa tanh màu đen để quấn khăn thì nay từ chất liệu, kiểu dáng, màu sắc đều được đổi mới. Để làm được những chiếc khăn xếp đẹp, người thợ xưa trải qua 3 công đoạn chính: cắt giấy làm cốt, may vải và quấn. Người thợ lành nghề phải quấn sao cho lớp trong cùng phía trước khăn tạo thành chữ “Nhân” hàm chứa thông điệp, răn dạy con người sống sao tròn đạo nghĩa. Việc quấn khăn phải cân đối sao cho mỗi vòng quấn cách đều nhau tạo tầng xếp hài hòa, đều đặn trước sau. Để tạo chất gắn kết giữa các lớp vải, thợ phải dày công nấu bột gạo làm hồ keo. Tỷ mẩn là thế nên mỗi ngày, thợ giỏi cũng chỉ làm được khoảng 3 chiếc khăn xếp. Khăn xếp xưa chỉ gồm 2 loại, khăn nam và khăn nữ. Khăn nam gồm 7 nếp (hai vòng nếp giả bên trong, bốn vòng bên ngoài và một vòng vải ngoài cùng); khăn nữ gồm 9 nếp (2 vòng giả bên trong, 6 vòng quấn ngoài và 1 vòng vải ngoài cùng). Ý nghĩa của số vòng quấn tượng trưng cho số vía con người: nam 7 vía, nữ 9 vía. Ngày nay, những người thợ làng nghề trên cơ sở kế thừa tài hoa cha ông để lại đã sáng tạo ra nhiều loại khăn xếp khác nhau. Có loại khăn dùng cho tế lễ, mừng thọ được làm theo kiểu truyền thống, lại có những khăn xếp “cách điệu” dùng cho các giá hầu đồng, khăn dân tộc, khăn diễn thời trang, khăn bê tráp lễ, khăn cưới hỏi, cô dâu… Không chỉ dùng vải sa tanh màu đen để quấn ngoài khăn, ngày nay thợ làng nghề còn dùng nhiễu, nhung, gấm, phi bóng… trang trí thêm các loại hạt cườm, kim sa để làm khăn. Những chiếc khăn xếp, theo đó không còn “thô mộc” như ban đầu mà trở nên bắt mắt, sinh động hơn nhiều. Số nếp trên khăn tùy thuộc vào công năng của trang phục và yêu cầu của khách hàng cũng thay đổi theo. “Có những khăn dùng cho biểu diễn hoặc các giá hầu đồng thậm chí lên tới vài chục nếp, to như cái mâm” - chị Dưa cho biết.
Ngày nay, thợ nghề trong thôn Giáp Nhất còn sử dụng máy móc, “cơ giới hóa” một số khâu trong quá trình làm khăn xếp như: Sử dụng máy cắt xốp làm cốt, dùng máy khâu để khâu vải, cốt khăn. Muốn in hình lên khăn cũng đã có sẵn khung, thợ nghề chỉ cần phủ nhũ lên. Keo dán được thay cho hồ gạo tạo độ kết dính chặt chẽ hơn cho các nếp khăn. Nhờ máy móc nên giờ đây năng suất lao động của mỗi thợ nghề tăng đáng kể. Nếu trước kia, một thợ lành nghề chỉ khâu được khoảng 5-7 cốt khăn/ngày thì nay con số đó tăng lên gấp nhiều lần. Tuy số lượng khăn hàng ngày được sản xuất tăng lên nhưng không có nghĩa là những người thợ trong làng “dễ dãi” hơn với sản phẩm truyền thống. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất khăn luôn chọn nguyên liệu cẩn thận, công phu. Các loại sơn, nhũ, kim sa, keo, mút… đều được lựa chọn cẩn thận, vải may phải là loại vải lấy từ làng Vạn Phúc (Hà Nội), một số vải như phi bóng, nhung nhập từ Trung Quốc. Và mặc dù có máy móc hỗ trợ nhưng đối với các khâu “khó” như quấn, khâu diềm, vẽ, thêu hoa văn vẫn phải được những thợ thủ công lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm đảm nhận. Thôn Giáp Nhất hiện có khoảng 5 cơ sở làm khăn xếp lớn. Từ những cơ sở này tạo ra các hộ gia đình “vệ tinh” đảm nhận một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình hoàn thiện khăn xếp. Hiện, gia đình chị Dưa đang có 7-10 thợ nhận hàng về nhà làm, công thợ từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Với giá bán sỉ dao động từ 20-400 nghìn đồng/khăn tùy theo yêu cầu của khách hàng, mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị Dưa thu về hơn 100 triệu đồng từ nghề làm khăn xếp.
Với những thợ khăn xếp làng Giáp Nhất, mỗi chiếc khăn làm ra không chỉ là hy vọng về “miếng cơm manh áo” mà còn là tâm nguyện giữ gìn và phát triển nghề xưa. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng những người thợ chân chính như chị Dưa chưa bao giờ suy nghĩ đến việc bỏ nghề. Vì vậy, nghề xưa vẫn sẽ còn được dân làng tiếp tục duy trì./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân