Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Trong đó, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” được triển khai sâu rộng, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Gia đình anh Đỗ Văn Viết, cơ sở sản xuất đồ đồng Hiền Viết, thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến là hộ gia đình văn hoá tiêu biểu làm kinh tế giỏi. |
Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc đăng ký, bình xét, thẩm định và công nhận các danh hiệu văn hóa ở các xã, thị trấn. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hoá, nhiều xã, thị trấn chú trọng giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ, làng xóm tới người dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những tiêu cực ảnh hưởng đến nền nếp, gia phong của mỗi gia đình. Các hộ dân đều xây dựng vun đắp những mối quan hệ nhân ái tốt đẹp, có trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tinh thần gắn kết, tương trợ giữa các gia đình trong cộng đồng được phát huy, nhất là việc giúp đỡ các gia đình neo đơn, khó khăn hoạn nạn. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hoá được tiến hành hàng năm, đảm bảo dân chủ, công khai. Nhờ đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nâng cao về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 54.968/62.259 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đạt tỷ lệ 88%. Nhiều địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”; tiêu biểu như các xã: Nam Lợi, Nam Dương, Tân Thịnh, Nam Hồng, Nam Thanh, Nam Hùng, Nam Thái, Điền Xá, Nam Hoa… Nam Hồng là một trong 7 xã của huyện được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” năm 2017. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa. Các xóm xây dựng quy ước nếp sống văn hóa và triển khai tới các gia đình ký cam kết thực hiện. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hoá của xã đạt 91%. Nhiều xóm duy trì tỷ lệ gia đình văn hoá đạt trên 80% như: Hồng Tiến, Đông Bình, Tây Bình, Đoài Bàng, Đông Thành… Các xóm đều hoàn thành 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa - nông thôn mới gồm: quy hoạch, giao thông, nhà ở khu dân cư, cơ sở vật chất văn hóa - thể thao, môi trường, đời sống kinh tế, văn hóa giáo dục, nếp sống văn minh, an ninh trật tự, hệ thống chính trị. Xã Nam Tiến có 4.350 hộ, gần 15 nghìn dân. Năm 2018, tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 90%. Đạt được kết quả trên, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa gắn với quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cả 27 xóm, 5 trường học và các cơ quan, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa; các tổ hoà giải cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân ở khu dân cư. Từ sự phát triển của phong trào, hàng năm, nhiều gia đình văn hóa, xóm văn hoá tiêu biểu được UBND huyện tuyên dương, khen thưởng trong hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ở Nam Trực đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Toàn huyện hiện có 335/380 thôn, xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” (đạt tỷ lệ 88%). Ở các làng nghề truyền thống như: làng hoa, cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá); làng dệt Phú Cường (xã Nam Thanh); làng làm hoa lụa (xã Hồng Quang), làng đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến)…, nhiều gia đình văn hoá là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong sản xuất nông nghiệp các hộ dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; con nuôi có năng suất, hiệu quả cao, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 42,8 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,61%, Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, số hộ khá, giàu chiếm trên 60%. Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, các xã, thị trấn chú trọng công tác truyền thông, giáo dục đời sống gia đình thông qua các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ: Gia đình hạnh phúc, Tiền hôn nhân, Phụ nữ phát triển kinh tế… Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình đến các hội viên gắn với các phong trào xây dựng: “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Dòng họ khuyến học”, “Gia đình hiếu học”...
Thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” huyện Nam Trực tiến hành kiểm tra, thẩm định, công nhận lại các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hoá” mới theo tiêu chí nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13 của Huyện uỷ về “Xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng thôn, xóm nông thôn mới”; Quyết định 352 của UBND huyện về điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí khu dân cư văn hóa - nông thôn mới (giai đoạn 2017-2020), đề án xây dựng khu dân cư văn hóa - nông thôn mới (giai đoạn 2017-2020) và những năm tiếp theo./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng