Huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa

05:05, 10/05/2019

Theo số liệu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.300 di tích lịch sử - văn hoá; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 83 di tích cấp quốc gia và 280 di tích cấp tỉnh. Nhiều năm qua công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích và nguồn xã hội hóa, nhiều di tích đã được tu bổ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc, góp phần phát huy giá trị các di sản trong đời sống cộng đồng.

Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Định) và Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) là các di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Tại các di tích, hàng năm diễn ra các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng), Lễ hội Trần (tháng 8 âm lịch), Lễ hội Phủ Dầy (tháng 3 âm lịch). Để phát huy giá trị các di tích, hàng năm, Ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) khảo sát, nghiên cứu thực trạng di tích để lập hồ sơ trình UBND tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Đối với Quần thể di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), từ năm 2016, UBND tỉnh đã lập Quy hoạch phân khu tại hơn 20 di tích đình, đền, chùa, phủ, lăng trong quần thể di tích và những vùng phụ cận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di tích. Dự án đầu tư tu bổ có tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Hiện nay, Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đang tổng kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể; trên cơ sở đó tập trung xây dựng đề án bảo tồn một số loại hình văn hoá đặc trưng của Nam Định như: Ca trù, hát chèo, hát văn...; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh từ năm 2017. Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Vụ Bản cùng với UBND các xã: Kim Thái, Cộng Hoà, Thị trấn Gôi triển khai các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản; đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, thương mại hoá, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng.

Hoa trượng hội trong Lễ hội Phủ Dầy 2019.
Hoa trượng hội trong Lễ hội Phủ Dầy 2019.

Thực hiện Quyết định số 2095/QĐ-TTg ngày 2-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2448/QĐ-UBND ngày 31-10-2017 của UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng “Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại Nam Định”. Tháng 1-2019, khu trung tâm lễ hội Trần được khởi công xây dựng có quy mô bao phủ tại các di tích như: Đền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Định), Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố (Mỹ Lộc). Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 734 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá), ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Quy mô dự án có tổng diện tích 92,5ha bao gồm 3 phân khu: Khu công viên văn hoá Trần (cảnh quan sinh thái, hồ nước, cây xanh), Khu trung tâm lễ hội (sân lễ hội, điện chiếu sáng, công trình kiến trúc, nghệ thuật), Khu đệm (dịch vụ, đường giao thông, khu xử lý rác thải, bãi đỗ xe). Bên cạnh các di sản văn hoá Trần, trên địa bàn Thành phố Nam Định có một số ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tiêu biểu như: Chùa Vĩnh Trường, Chùa Đệ Tứ, Chùa Thanh Long... Ở mỗi di tích, thực hiện phong trào “Ba an toàn” về an ninh trật tự, Ban đại diện Phật giáo thành phố đã vận động tăng, ni, tín đồ phật tử tăng cường đầu tư các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản ở các chùa như: khóa chống trộm, lắp đặt máy báo động, camera... Đặc biệt, các chùa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đồ thờ tự, vật thể quý hiếm như đăng ký với cơ quan pháp luật và phân công người trông coi, bảo vệ.  Huyện Trực Ninh có 35 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng. Hàng năm, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện hướng dẫn các xã, thị trấn lập kế hoạch bảo vệ và tăng cường công tác quản lý những di vật, cổ vật, giá trị di sản gắn liền với di tích. UBND các xã, thị trấn kiện toàn, củng cố Ban quản lý di tích; tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và các thành viên trong Ban quản lý di tích, tuyên truyền cho nhân dân địa phương về quản lý di sản, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, đến nay Đền Xối Thượng, xã Trung Đông nằm trong quần thể di tích Ba đồn binh thời Trần được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 500 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 300 triệu đồng. Đền - Chùa Phúc Ninh, xã Trực Cường được xây dựng, cải tạo nhà khách, nhà thờ tổ, đường vào di tích và các công trình phụ trợ như: cổng, tường bao với kinh phí gần 5 tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương đóng góp. Đền Nam Trực, xã Trực Khang và Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải, nhân dân đã cúng tiến hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện, chỉnh trang khuôn viên di tích…

Ở huyện Xuân Trường, Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2007. Qua nhiều năm gìn giữ và phát huy giá trị, đến nay, một số hạng mục của quần thể lưu niệm đã xuống cấp. Trước thực trạng đó, ngày 18-8-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Văn bản số 1860-CV/VPTW về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh; trong đó có nội dung cho phép triển khai thực hiện “Dự án cải tạo, tu bổ, nâng cấp một số hạng mục thuộc Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại huyện Xuân Trường”. Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1787/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hạng mục Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác. Dự án gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm, đường dong làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng; Công viên Tượng đài, Nhà tưởng niệm, Thị trấn Xuân Trường. Xây dựng khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định… Ở xã Xuân Kiên, di tích Đền - Chùa Kiên Lao thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016 đến năm 2018 hoàn thành có tổng kinh phí 18,33 tỷ đồng do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn, tòa tiền đường đền - chùa, khu thờ Mẫu, nhà thờ tổ, nhà giải vũ; các hạng mục tôn tạo gồm: cửa, sân, mái, tường bao… Ban quản lý di tích thường xuyên cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cảnh quan môi trường, khuôn viên khu di tích thu hút khách du lịch. Huyện Hải Hậu hiện có 41 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng (9 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh). Những năm qua, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Từ năm 2017 đến nay, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách xã, kinh phí từ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, các địa phương có di tích trong huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa giữ nguyên kiến trúc gốc. Tiêu biểu như: Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh; Đền - Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc; Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương; Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh; Chùa Cồn, Thị trấn Cồn; Đền An Phú, xã Hải Phong… được cải tạo, xây dựng lại hệ thống chùa chính, gác chuông, xây dựng nhà khách, trùng tu nhà tổ, thay các hạng mục: vì kèo, tường, cửa... với kinh phí từ 5-10 tỷ đồng.

Hệ thống dày đặc các di tích lịch sử - văn hóa đã khẳng định vị thế của quê hương Nam Định giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. Việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đã phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com