Tỉnh ta hiện có gần 3700 làng, xóm, tổ dân phố. Nhiều tên làng, xóm thể hiện đặc trưng lịch sử của vùng đất, tri ân các vị khai hoang lập ấp, các anh hùng liệt sĩ hoặc gửi gắm mong ước của người dân về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Rước kiệu trong lễ hội làng Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Huyện Vụ Bản là vùng đất cổ. Nhiều làng sản xuất nông nghiệp nên tên làng gắn bó với nghề lúa gạo, tiêu biểu như các làng Lúa (Phong Cốc), làng Phú Cốc, làng Bách Cốc, làng Kho, làng Lúa Đò, làng Đống Lương, làng Phúc Lương, làng Gạo (Quả Linh), làng Tân Cốc... Các tên làng thường gắn bó với những di tích lịch sử, những địa hình sông núi như làng Hổ Sơn nằm dưới chân núi Hổ, làng Côi Sơn nằm dưới chân núi Gôi, làng Ngăm nằm dưới chân núi Ngăm, làng Xuân Bảng nằm dưới chân núi Báng, làng Cao Hương phát tích từ gò Hương, làng Kẻ Dầy phát tích từ gò Bánh Dầy, làng Vĩnh Lại bên cạnh sông Vĩnh, làng Kênh Đào nằm bên cạnh sông Kênh Đào... Có những tên làng ở Vụ Bản được đặt từ xa xưa gắn với nghề truyền thống như: làng Bịch (Bịch Khu) xưa kia là một trại ấp chuyên sản xuất gạch; làng Mền có nghề dệt, làm bông, dạt bông để may mền chăn, áo bông. Huyện Mỹ Lộc xưa thuộc phủ Thiên Trường; nhiều tên làng ngày nay chứa đựng những dấu ấn về triều đại Trần như: Làng Hậu Bồi là khu vực nấu ăn cho các vua chúa khi nhà Trần lập hành cung ở đây; làng Lựu Phố (nơi trồng lựu), Liễu Nha (nơi trồng liễu) để các vua chúa, hoàng tử đến thưởng ngoạn. Làng Phương Bông, xã Mỹ Trung trồng bông dệt vải; làng Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là nơi ở của các cung tần mỹ nữ. Huyện Ý Yên có nhiều làng, xóm có tên gọi gắn liền với lịch sử hình thành nghề truyền thống như: Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; Chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá. Tên gọi làng Ninh Xá bắt nguồn từ việc ông Ninh Hữu Hưng được Vua Lê Đại Hành cho định cư tại đây rồi đem con cháu, họ hàng đến vùng đất mới lập thành ấp. Ông chiêu dân, khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề mộc thủ công. Ngày ấy, người dân đến đây làm ăn đều chuyển thành họ Ninh nên khu vực này từng có tên là Ninh Gia ấp sau đổi tên thành Ninh Xá. Còn tên làng Tống Xá mang tính chất lịch sử do ông tổ Tống Phúc Thành khai sinh ra vùng đất. Ở huyện Nghĩa Hưng nhiều tên làng gắn liền với sự kiện lịch sử nổi bật ở địa phương; tiêu biểu như thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) gắn với câu chuyện về ông Nguyễn Tấn - tướng của Vua Đinh Tiên Hoàng khi thắng trận trở về tổ chức khao quân, do không đủ bát ăn nên quân sĩ phải hái lá làm bát ăn cơm. Vì vậy, làng có tên là An Lá (đọc chệch của “ăn lá”). Ở huyện Nam Trực, nhiều tên làng tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn đối với ông tổ làng nghề, tiêu biểu như làng Hoa Tràng (thôn Vân Tràng, Thị trấn Nam Giang ngày nay). Theo thần phả và truyền thuyết ở thôn Vân Tràng, từ năm 1341, đời Vua Trần Dụ Tông có 6 ông là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Đỗ Bào và Nguyễn Thận, người xã Hoa Tràng, huyện Trung Lương, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh khi đem công cụ ra miền ngoài bán, đi qua phủ Thiên Trường, thấy nhân dân đông đúc, ruộng đất phì nhiêu, nghề nông phát triển, liền ở lại hành nghề và dạy nghề cho người dân trong thôn. Sau đó nhân dân địa phương nhớ ơn đổi tên thôn là Hoa Tràng và lập đền thờ. Ở huyện Trực Ninh có nhiều địa phương còn lưu giữ được tên làng và kiến trúc truyền thống như làng Dịch Diệp, xã Trực Chính; làng Cổ Chất, làng Cự Trữ, Nhị Nương, Phú Ninh, Trung Khê, xã Phương Định… Làng dệt Cự Trữ, xã Phương Định được hình thành từ hai dải đất chạy song song với một con sông nhỏ ở giữa, tên gọi Cự Trữ nghĩa là “tích trữ nhiều” thể hiện mong ước của nhân dân nơi đây về một cuộc sống phát đạt, sung túc. Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, một số địa phương ở huyện Hải Hậu đã lấy tên các liệt sĩ đặt tên cho các xóm, tổ dân phố. Toàn huyện hiện có 41 xóm, tổ dân phố ở các xã Hải Thanh, Hải Phú, Hải Xuân và Thị trấn Cồn mang tên các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương. Để tri ân và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, từ năm 1956, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Thanh đã lấy tên các liệt sĩ của địa phương đặt cho tất cả các xóm như: Hoan Huỳnh (tên ghép của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Vũ Giao Hoan và liệt sĩ Đỗ Ngọc Huỳnh), Nguyễn Chẩm (liệt sĩ Nguyễn Xuân Chẩm), Nguyễn My (liệt sĩ Nguyễn Viết My)… Để nhắc nhở các thế hệ con em phát huy truyền thống quê hương, cuối năm 1956, xã Hải Phú đã lấy tên 12 liệt sĩ đặt cho 12 làng, xóm. Đến năm 1994, thực hiện Hướng dẫn số 8 của UBND huyện Hải Hậu về củng cố thành lập lại các làng, xóm cho phù hợp địa bàn dân cư, xã Hải Phú đã tiến hành tách 12 làng, xóm trước đây thành 17 xóm như ngày nay; tất cả các xóm đặt theo tên các liệt sĩ như: Vũ Đĩnh (liệt sĩ Phạm Vũ Đĩnh), Mai Quyền (liệt sĩ Mai Văn Quyền)… Ở xã Hải Xuân, 2 liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là: Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Thị Mát (bí danh Kim Liên) được đặt tên cho xóm Đức Thuận và xóm Kim Liên. Ở Thị trấn Cồn, 9/16 tổ dân phố mang tên các anh hùng liệt sĩ như: Nguyễn Chẩm (liệt sĩ Nguyễn Thái Chẩm), Cao An (liệt sĩ Cao Văn An), Thị Lý (liệt sĩ Nguyễn Thị Lý)… Việc đặt tên xóm gắn với tên các anh hùng liệt sĩ ở Hải Hậu đã khơi dậy niềm tự hào truyền thống cách mạng của quê hương, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các xóm, tổ dân phố hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Qua việc đặt tên làng, xóm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy các bậc tiền nhân không chỉ chú ý tránh trùng lặp, phạm huý mà còn thường chọn nét riêng của làng để đặt tên làng vừa có ý nghĩa thực tiễn cuộc sống, vừa có giá trị lịch sử, văn hoá. Ở đó, làng không chỉ mang tính hành chính, mà còn ẩn chứa những lớp trầm tích văn hóa được bồi đắp qua các thế hệ người dân các địa phương. Mỗi tên làng, xóm khi được nhắc đến đều gợi trong tâm trí mỗi người lòng yêu mến, niềm tự hào về quê hương. Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, những tên làng cổ cần được bảo tồn, giữ nguyên để những giá trị văn hoá mãi trường tồn./.
Bài và ảnh: Viết Dư