Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

08:01, 02/01/2019

Trước đây, ở xã Bình Hòa (Giao Thủy) khi chuẩn bị cỗ, gia chủ vừa làm những món cho khách ăn tại chỗ, vừa phải làm thêm những món cho khách mang về. Với phong tục đó, Đảng ủy, UBND xã Bình Hòa đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, xóa bỏ tục ăn cỗ lấy phần. Thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể, các đám cưới được điều chỉnh bằng quy ước, hương ước xóm nên các thủ tục cưới hỏi được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng, không phô trương hình thức. Đặc biệt vai trò tiên phong của đảng viên được phát huy trong cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn” và “ăn cỗ không lấy phần”. Tiêu biểu như gia đình đảng viên Nguyễn Văn Bốn ở xóm 6 tổ chức cỗ cưới cho con gái đơn giản, tiết kiệm theo phương châm “làm cỗ vừa đủ ăn” và “ăn cỗ không lấy phần”. Từ sự gương mẫu của gia đình ông Bốn, nhiều người đã ý thức việc ăn cỗ lấy phần là không văn minh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới còn giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bớt vất vả trong việc lo các thủ tục cưới xin, làm cỗ và tiết kiệm chi phí. Cùng với xã Bình Hòa, đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Giao Thủy đều thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn” và “ăn cỗ không lấy phần”. 

Rước kiệu trong lễ hội phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) năm 2018.
Rước kiệu trong lễ hội phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) năm 2018.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ và đạt được kết quả tích cực trên các phương diện: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc; xây dựng nếp sống văn hóa công sở, ứng xử văn minh nơi công cộng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa… Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp, các ngành của tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các địa phương tổ chức tuyên truyền về giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhiều địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức tốt việc bình xét, công nhận và biểu dương danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Toàn tỉnh hiện có 82,5% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 83% làng, thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đưa vào quy ước, hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, nhiều đám cưới đã được tổ chức theo hình thức tiệc trà. Ở nhiều xã, thị trấn của huyện Vụ Bản, lễ cưới được tổ chức tại nhà văn hóa thôn do đại diện các đoàn thể làm chủ hôn. Ở một số xã của huyện Mỹ Lộc, Đoàn Thanh niên đứng ra hỗ trợ tổ chức đám cưới cho đoàn viên... Đến nay, hầu hết các đám tang trên địa bàn tỉnh, việc ăn uống chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, dòng họ. Với phương châm: “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 229/229 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 3.005/3.634 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố (đạt 82,7%); 24 sân thể thao cấp huyện, gần 200 sân thể thao xã, phường, khoảng 2.760 sân thể thao xóm, tổ dân phố. Nhà văn hóa xã, thôn được xây dựng và hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 870 đội văn nghệ quần chúng, gần 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thu hút gần 2.000 hội viên tham gia, tổ chức được hơn 600 buổi hoạt động/năm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhóm bảo vật quốc gia, 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và 365 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh. Từ nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo đúng quy định theo Luật Di sản văn hóa. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng kiểm kê di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Trong đó tập trung triển khai Dự án đầu tư “Xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại Nam Định” và lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). Xây dựng chương trình hành động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được Nhà nước ghi danh. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Xây dựng đề án bảo tồn một số loại hình văn hoá phi vật thể đặc trưng của Nam Định như: Ca trù, hát chèo, hát văn, múa rối cạn, múa rối nước... Tiếp tục lựa chọn các di sản văn hoá tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị Nhà nước vinh danh ở tầm quốc gia. Tăng cường công tác tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị các di sản văn hoá, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Nam Định.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gia đình. Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hoá có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hoá của tỉnh trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá; ưu tiên quỹ đất và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền vận động, xây dựng thực hiện thí điểm các mô hình văn minh, tiến bộ trong việc cưới, việc tang, tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hoá; ưu tiên đầu tư nghiên cứu bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh... Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, mục tiêu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh sẽ được thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com