Ngày giỗ đầu của mẹ đúng vào thời điểm cận Tết, mọi người đều bận nên mấy anh em thống nhất bàn với bố tổ chức gọn nhẹ, tùng tiệm để khỏi làm phiền đến họ hàng, làng xóm.
Nghe các con nói vậy, ông Tân bực lắm (!). Xóm Bến này thuộc diện “đất chật, người đông”. Ngày trước vấn đề kế hoạch hóa gia đình mới chỉ là phong trào chứ chưa gay gắt, “luật hóa” như bây giờ nên gia đình nào trong xóm cũng đều đông con, đều nghèo. Thời điểm thực hiện “khoán 10”, trong khi phần lớn các hộ dân trong xóm đều cho con học hết trung học cơ sở rồi tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình thì vợ chồng ông vẫn bền bỉ xoay xở nuôi con học hết trung học phổ thông. Rồi các con ông lần lượt đứa học đại học, đứa học cao đẳng. Ngày ấy, nhìn những gia đình xung quanh kinh tế ổn định rồi dư dật, xây nhà mái bằng, mua xe máy…, trong khi cuộc sống của gia đình vẫn chật vật, ông không khỏi chạnh lòng… Thói đời ở quê, việc ganh đua xây nhà mái bằng, mua xe máy theo kiểu “Con gà tức nhau tiếng gáy” vẫn nặng nề lắm. Thấy gia đình ông Tân bao năm vẫn sống trong căn nhà mái ngói tuềnh toàng, nhiều người coi thường ra mặt. Vì con, ông đành nuốt giận(!).
Giờ thì ông Tân đã “ngẩng mặt” được với xóm làng rồi. Các con ông đều có công ăn việc làm, đứa giáo viên, đứa bác sĩ, không giàu nhưng cuộc sống ổn định. Đã đến lúc ông phải gây “thanh thế” với xóm làng. Nghĩ vậy, ông nén giận, nhẹ nhàng:
- Các anh có học, ra ngoài xã hội biết một mà không biết hai. Mẹ các anh vất vả cả đời để nuôi dạy con nên người, ngày giỗ cũng là dịp báo hiếu nên không thể xúi xó (!). Phải tổ chức chu đáo để hàng xóm họ nhìn vào. Tôi tính rồi, chí ít cũng phải có con lợn tạ, họ hàng nội ngoại cấm lửa hai ngày; bữa giỗ chính phải dăm chục mâm. Các anh không lo được, tôi lo!
Nghe bố nói vậy, các con ông sững người nhưng vẫn phải làm theo. Đáng buồn là mọi việc trong đám giỗ không diễn ra như dự liệu của ông Tân. Cũng bắc rạp, mổ lợn từ hôm trước nhưng họ hàng nội ngoại chẳng thấy sầm uất. Bữa giỗ chính chuẩn bị năm mươi mâm nhưng họ hàng, con cháu, xóm làng chỉ ngồi hết non nửa.
Bây giờ thì ông Tân đã hiểu, cuộc sống hôm nay đã khác xưa. Anh em họ hàng, con cháu đều đi làm ăn xa, gia đình có công việc, bất đắc dĩ mới phải về. Còn bà con hàng xóm phải thân họ mới đến vì đi ăn giỗ không chỉ có thẻ hương, nải quả mà phải có phong bì. Chuyện không vui xảy ra trong đám giỗ vừa qua suy cho cùng cũng bởi tính sĩ diện hão của ông gây ra./.
Đức Linh