Chiều cuối năm rét ngọt, chúng tôi về làng Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh), ngồi ngay vệ đá dưới chân cổng phía nam gắn liền với cây Cầu Cuốn nổi tiếng của làng, nghe ồn ã tiếng người đi chợ mua bán trả giá, nghe dịu dàng tiếng bà lão thủ thỉ nhủ cháu ăn cơm, nghe từ mặt sông Dịch Diệp chảy vắt ngang qua cầu tiếng rì rào sóng nước thầm thì kể chuyện muôn đời… Từ cổng làng, cây cầu này, bao đôi trai gái đã thành vợ thành chồng. Cũng trên cây cầu ấy, mẹ già run run tiễn con ra trận. Đi một quãng xa, chàng trai quay lại nhìn cô gái e lệ cầm chiếc khăn tay tần ngần đứng trên cầu vẫy vẫy… Để rồi trong tôi như chợt gợi nhớ những câu thơ rất hay của thi sĩ Bàng Bá Lân miêu tả về những cái cổng làng trên khắp xứ Việt: “Chiều hôm đón mát cổng làng. Gió hiu hiu đẩy mây vàng ôm trôi. Đồng quê vờn lợn chân trời. Đường quê quanh quất bao người về thôn”…
Cổng làng là nơi ta từng hò hẹn
Cổng làng phía nam, thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh). |
Ông Trần Duy Hội có thời gian làm trưởng thôn Dịch Diệp ngót 15 năm. Ngồi ngay tại ghế đá kê sát sông Dịch, chúng tôi hỏi ông Hội về lịch sử của cổng làng. “Trước Dịch Diệp vốn có 3 cổng: Đông, Nam và Bắc. Do đời sống nâng lên, nhu cầu thông thương nhiều, đường phải mở rộng nên 2 cổng làng phía Đông và Bắc đã bị bỏ (hiện vẫn còn móng). Riêng cổng làng phía Nam gắn với Cầu Cuốn, được xây dựng từ năm 1864 vẫn còn. Trước đây từ cổng phía Nam có con đường đi xuống xã Trực Phương. Hiện nay, con đường vẫn còn nhưng ít người sử dụng do không thuận lợi”, ông Hội nói. Theo sử sách của làng ghi lại, cổng làng phía Nam nằm ở đầu Cầu Cuốn, cổng xây bằng gạch, cao khoảng 5m, rộng 2,5m. Trên mái đổ sang gạch (xếp cốt pha, đặt gạch, chèn mạch). Năm 2001, cầu bị xuống cấp, nhiều phiến đá to, theo thời gian bị dòng nước làm thay đổi vị trí. Vì vậy, nhân dân trong làng quyết tâm sửa chữa lại cầu. Trước cổng làng là đình làng lợp mái bổi. Năm 1857, giặc Pháp đốt đình. Năm 1957, đình làng được khôi phục trở lại, hiện nay là nhà văn hóa thôn Dịch Diệp. Trước đình có một sân rộng 800m2, xưa làng dùng để hội họp, bàn công việc lớn. Sân đình còn là nơi tập kết quân, là nơi để ngày mười rằm tháng Giêng, làng xã tổ chức hội yến lão cho các bậc cao niên. Trong đình hiện còn 1 bức hoành phi do Vua Tự Đức ban tặng có đề 4 chữ “Thiện, tục, khả, phong”. Giờ sân đình được dùng để họp chợ. Trước chợ họp cả ngày, giờ chỉ còn họp buổi sáng. Mặc dù nơi họp chợ của thôn theo thời gian có thay đổi vài lần, song hiện tại vẫn quay về đình. Bà Lê Thị Kim Chung, xóm Đông, thôn Dịch Diệp năm nay đã 72 tuổi. Cả đời bà giáo Chung sống ở làng, vì thế những ký ức về làng, cổng làng, về những biến thiên, đổi thay ở làng bà nhớ rất rõ. Bà đặc biệt nhớ những kỷ niệm, sự kiện lớn trong cuộc đời đã diễn ra sau cổng làng. Nhà bà giáo Chung ở xóm Đông, cách cổng làng không bao xa. Ngày thơ bé, mỗi lần đi học qua cổng làng, bà thường cùng chúng bạn ngồi lại ở gốc cây to cạnh cổng. Trưa hè nắng nôi, từ trên Cầu Cuốn cao vút, bà cùng bao đứa trẻ khác nhảy cầu xuống sông tắm. Đến tuổi “cập kê”, thanh niên trai gái trong làng đêm trăng sáng dẫn nhau ra chân cầu hò hẹn. Cũng chính ở cổng làng, trên cầu, bà gặp ông, người trở thành bạn đời sau này. 20 tuổi, bà thêu chiếc khăn tay đầu tiên trong đời, bịn rịn tặng ông trong ngày đưa tiễn ông ra trận. Bao nhiêu cuộc tiễn đưa bạn bè đi bộ đội của bà Chung cũng ở ngay cổng làng, trên dòng sông này. Gắn liền với cổng làng, với cây Cầu Cuốn, nhiều ông già, bà cả vẫn còn giữ thêm trong ký ức của mình về một dòng sông Dịch trong xanh. Xưa kia, mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa của làng đều gắn với dòng sông này. Trước khi đường thôn chưa được mở rộng, lòng sông còn rộng lớn lắm. Dân các vùng lân cận như An Lãng, Trực Phương, làng Kênh… đi lại bằng thuyền đều ghé bến Cầu Cuốn. Họ mang theo cơ man nào cá, thịt, các sản vật ở nhiều vùng miền khác nhau đến giao thương. Các bà, các chị ghé chợ Dịch Diệp mua thêm bông, sợi chuẩn bị dệt thêm áo cho chồng khi mùa đông… Cũng từ những lần đi ngược về xuôi bán buôn, nhiều gia đình, con người xa lạ đã thành tình thân, lập thêm những gia đình mới.
Từ cổng làng đi vào Dịch Diệp ngày nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều kiến trúc, văn hóa xưa. Theo ước tính của ông Hội, làng vẫn còn giữ được nguyên vẹn khoảng 5 cổng cổ, 1 ngôi nhà cổ, cây Bồ Đề có tuổi đời 700-800 năm tuổi… Phía trước nhà bà Chung vẫn ghi rõ niên tích từ năm 1943. “Theo sự phát triển, làng không thể nằm ngoài vòng xoáy đổi mới. Tuy nhiên những ký ức về một làng quê với những phiên chợ, về những lần làng có hội, về ông bà, bố mẹ, gia đình vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi yêu mến cảnh cũ, người xưa nhưng cũng vui mừng trước sự phát triển của đời sống thôn quê hôm nay” bà Chung nói.
Sau cổng làng, mỗi gia đình… lớn lên
Cổng làng. Tranh sơn dầu của Vũ Hoàng |
Trong trí nhớ của bà Phạm Thị Uyển, 77 tuổi, xóm 12, xã Hợp Hưng (Vụ Bản), xưa kia làng Vụ Nữ quê bà… không có cổng làng. Ký ức của bà về những năm chiến tranh, giặc giã chỉ có đói nghèo, lo lắng. Bà Uyển hơn chồng 2 tuổi, hai ông bà lấy nhau do cha mẹ hai bên “ưng gả”. Năm 1964, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng bà Uyển lên đường nhập ngũ. Ông chiến đấu ở một trong những chiến trường khốc liệt nhất lúc bấy giờ, Quảng Trị. Ngày ông đi, con trai đầu lòng của 2 người mới được 4 tháng tuổi. Ông đi bẵng 10 năm mới về, trong khoảng 10 năm chiến tranh dài dặc ấy, bà rất ít nhận được thư ông. Phần do điều kiện chiến tranh, phần nữa vì ông không muốn bà “sốt ruột” mỗi lần nhận thư. Năm 1974, chồng bà Uyển giải ngũ với một phần cơ thể không còn lành lặn. Hai người có thêm 2 người con nữa, một sinh năm 1974, một sinh năm 1985. Năm 1979, khi Trung Quốc gây hấn ở biên giới phía Bắc, một lần nữa, bà Uyển gạt nước mắt tiễn chồng đi mở đường. Lần thứ 2 tái ngũ, ông đi một mạch 5 năm. Cứ như vậy, bà Uyển ở nhà một mình chèo chống nuôi con, chăm lo việc đồng áng, việc nhà chồng. Để ông yên tâm công tác, chưa một lần trong những bức thư gửi cho chồng, bà Uyển buông lời phàn nàn. Bà luôn viết trong thư, ở nhà mọi việc đều tốt, tôi được thầy, mẹ, hợp tác xã hỗ trợ rất nhiều… Bà Uyển nói với chúng tôi: “Đấy là tình cảnh chung của mọi phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, cho nên tôi thấy việc đó (sự chịu đựng, nhẫn nại, đảm đang)… cũng hết sức bình thường. Tôi còn may mắn hơn nhiều người khi chồng đã trở về. Nhiều người phụ nữ trong làng không may mắn như vậy”... Ký ức về những năm tháng khó khăn, vất vả còn được bà Uyển “miêu tả” tỉ mỉ thông qua con đường, cổng làng nơi anh con trai cả đi học. Hồi đó, đường làng chỉ bằng 1/3 so với giờ. Anh con trai muốn đi học thì phải cởi quần dài quấn lên tận cổ lội qua ruộng, qua con đường nhòe nhoẹt đất. Anh phải đi rất xa, lên tận Hiển Khánh mới có lớp học. Trục đường chính từ cổng làng Vụ Nữ dẫn vào làng được nâng cấp hơn 1 năm trở lại đây nhờ chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đường rộng 3m thuận tiện cho việc đi lại. Xe ô tô cỡ lớn có thể chạy thẳng vào làng. 1 bên đường trồng cau, 1 bên trồng hoa, số lượng cau có hơn 400 cây. Bây giờ bà Uyển bảo, cuộc sống như… trong mơ. Từ năm 2007, làng Vụ Nữ đã xây được cổng làng to đẹp. Khắp thôn ngoài làng, đường bê tông hóa vào tận ngõ. Không còn hộ đói, hộ nghèo giảm hẳn. Bên cạnh cổng làng, trường mầm non còn mới lúc nào cũng ê a tiếng trẻ nói cười. “Cuộc sống quả thật thay da đổi thịt quá nhiều”, bà Uyển chia sẻ. Đây không chỉ là cảm nhận của những người cao tuổi như bà Uyển, những người đã từng sống qua những giai đoạn rất khó khăn của đất nước mà còn là cảm nhận chung của khá nhiều người làng.
Chiều cuối năm, đi giữa cái rét ngọt, chúng tôi cứ miên man nghĩ, cổng làng, ấy là một phần thế giới tâm linh của người làng, là hiện diện của một nếp làng. Cổng làng còn là một biểu tượng về quyền uy. Chẳng thế mà xưa kia, kể cả khi khanh tướng vinh quy bái tổ trở về bước tới cổng làng, nhìn 2 chữ “hạ mã” tức thì xuống ngựa. Đi qua cổng làng, tức đi vào một thế giới của những người sống phía sau cổng làng ấy… Nghĩ như thế, để thấy trách nhiệm của mỗi người với làng xã nơi mình sinh sống, gìn giữ lấy những gì thanh thuần, chất phác nhất./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân