Đến tham quan Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực), nhiều du khách ấn tượng với những hiện vật bằng đồng được lưu giữ tại đền như tượng thờ Triệu Việt Vương, chiếc vạc đồng khắc bầu rượu, túi thơ, quả vả, cuốn thư… Các đồ thờ ở Đền Đồng Quỹ được chế tác từ đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân trong thôn, là minh chứng sống động cho lịch sử và sức sống bền bỉ của nghề đúc đồng truyền thống ở địa phương.
Sản phẩm hạc thờ ở cơ sở sản xuất đồ đồng của ông Nguyễn Văn Kha, thôn Đồng Quỹ. |
Các sản phẩm ở làng nghề Đồng Quỹ chủ yếu là các đồ thờ như: tượng, chuông, lư hương, đỉnh đồng, hạc, khánh, hoành phi, câu đối... Sau nhiều thăng trầm, nghề đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ vẫn được gìn giữ. Đến nay thôn có 10 cơ sở chế tác đồ thờ bằng đồng. Ông Đỗ Văn Phương là chủ cơ sở chế tác hạc thờ Đỗ Phương; gia đình đã có 3 đời làm nghề đúc đồng. Ông Phương cho biết: Để làm ra sản phẩm đồ thờ từ đồng phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe và còn có bí quyết gia truyền. Đầu tiên nghệ nhân phải tạo mẫu “cốt” bằng đất sét hoặc gỗ; sau đó chọn đất để làm khuôn. Đất được chọn làm khuôn là loại đất sét được lấy ở cánh đồng thôn Đồng Quỹ với đặc tính dẻo, mịn, chịu nhiệt tốt. Sau khi chọn được đất sét, nghệ nhân phơi khô, tán nhỏ, ngâm nước trộn với bột giấy bao xi măng theo tỷ lệ phù hợp sau đó giã nhuyễn bằng cối. Nghệ nhân đắp hỗn hợp đất sét vào “cốt” mẫu tạo thành khuôn 2 nửa, sau đó rút “cốt” mẫu ra và dùng đất cùng bột chịu nhiệt làm cốt bên trong. Tiếp đó khuôn được nung chín, để nguội rồi chỉnh sửa lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt nung lại 1 lượt ở nhiệt độ 500 độ C, ghép khuôn thành 1 khối. Công đoạn chọn đồng để đúc cũng đòi hỏi sự cẩn thận bởi tùy từng sản phẩm lại chọn một loại đồng khác nhau như đồng vàng, đồng tam thất… Đồng sau khi đã chọn được nấu chảy ở nhiệt độ trên 1.000 độ C và được rót vào khuôn. Sau khi khuôn nguội, nghệ nhân dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục theo mẫu. Do đặc thù đúc các loại hạc thờ có nhiều chi tiết nhỏ, khó nên công đoạn chế tác được làm rất cẩn trọng. Ông Phương chia sẻ: Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao nên khi chế tác phải hiểu được ý nghĩa của biểu tượng. Hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm - dương. Trên đầu hạc thường đội đèn nến thể hiện sự tôn thờ ánh sáng chân lý, ánh sáng giác ngộ, xua đi bóng đen đêm tối… Hiện nay, các sản phẩm hạc thờ của ông Đỗ Văn Phương có chiều cao đa dạng từ 40cm đến 1m, được xuất bán ở nhiều địa phương trên cả nước. Cùng với thu nhập ổn định cho gia đình, cơ sở chế tác hạc thờ của ông Phương còn tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay 2 con trai của ông Phương đều theo nghề chế tác hạc thờ gia truyền.
Ở thôn Đồng Quỹ, anh Đỗ Văn Nam là một trong những người tiên phong trong việc phục hồi và phát triển nghề đúc đồng truyền thống. Anh Nam cho biết: Kỹ thuật đúc đồng truyền thống của Đồng Quỹ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút từng công đoạn. Với các pho tượng, từ cách chọn đất xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn, nấu chảy các mẻ đồng…, đều phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác. Sản phẩm tượng đúc sau khi được hoàn thiện phải thể hiện được thần thái của nhân vật. Người thợ làm nghề vừa phải nắm chắc kỹ thuật, vừa không ngừng tìm hiểu, bổ sung kiến thức tích lũy kinh nghiệm tạo thành bí quyết làm nghề. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ sở chế tác đồ đồng của anh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua máy làm khuôn, lò đúc sử dụng điện và các loại máy móc khác để gia công, hoàn thiện sản phẩm. Nhờ đầu tư thiết bị hiện đại nên chất lượng sản phẩm đúc của cơ sở được nâng lên, tạo thuận lợi cho khâu chạm trổ hoàn thiện với các loại sản phẩm từ hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối… đến các sản phẩm có độ nặng từ 5-7 tấn như tượng, khánh, chuông đòi hỏi độ tinh xảo và chính xác cao.
Ông Nguyễn Văn Kha (53 tuổi) ở thôn Đồng Quỹ là một trong những người nắm giữ nhiều bí quyết về đúc đồng, gò đồng và mài giũa, “tỉa” sản phẩm đồ thờ bằng đồng. Ông cho biết: Việc chế tác đồ thờ và tượng thờ phải am hiểu các nguyên tắc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan, để khi tạc bức tượng có hồn, thể hiện được sắc thái riêng của người được thờ phụng. Vì thế, ngoài đôi bàn tay tài hoa, người thợ làm đồ thờ tự phải gửi gắm tâm đức, tâm hồn và tâm linh của mình trong khi chế tác. Để tạo ra những bức tượng Phật, tượng Thánh..., người thợ làng nghề phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất tâm hồn của vị Phật, vị Thánh được dân tôn thờ. Với những bức tượng đồng là danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các vị Thành hoàng làng, người thợ phải tìm đọc nhiều tài liệu về cuộc đời của các nhân vật được tạc tượng để có thêm cảm xúc thể hiện tác phẩm. Bởi vậy các sản phẩm đồ thờ bằng đồng của ông Kha luôn có chỗ đứng trên thị trường.
Hiện nay nghề đúc đồng truyền thống đã mở rộng ra các thôn khác trong xã Nam Tiến, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Cùng với giá trị kinh tế, điều đáng mừng nghề chế tác đồ thờ ở Đồng Quỹ vẫn được gìn giữ bởi những người thợ trẻ./.
Bài và ảnh: Viết Dư