Xã Yên Minh (Ý Yên) là vùng quê thuần nông nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong những năm triển khai xây dựng nông thôn mới, cùng với việc tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế, xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó các thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống tinh thần của người dân được cải thiện.
Người dân đến đọc sách, báo tại tủ sách nhà văn hoá thôn Xưa, xã Yên Minh. |
Bằng việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, năm 2016, nhà văn hoá xã được hoàn thành, quy mô 250 chỗ ngồi, trên tổng diện tích 4.150m2. Từ năm 2011-2016, cả 8 thôn trong xã đều xây dựng được nhà văn hoá (6 nhà văn hoá được xây mới, 2 nhà văn hoá được cải tạo, nâng cấp). Các nhà văn hoá được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước; trong đó huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, xã hỗ trợ từ 20-40 triệu đồng/nhà văn hoá, kinh phí còn lại được nhân dân đóng góp từ 500-1 triệu đồng/hộ. Hầu hết các nhà văn hoá được cải tạo, xây dựng trên diện tích trên 500m2, hội trường từ 100-180 ghế ngồi, có đầy đủ bàn, ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng, tủ sách… Nhiều cá nhân, tập thể đã tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hoá; tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Sáng, thôn Nội Hoàng ủng hộ 1,3 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá, đổ bê tông trục đường thôn dài hơn 60m, rộng 3m; ông Nguyễn Ngọc Lương, thôn Giáp Nhì đóng góp 50 triệu đồng xây dựng và mua sắm trang thiết bị nhà văn hoá; bà Đỗ Thị Yến, thôn Xưa ủng hộ 5 triệu đồng xây dựng tủ sách nhà văn hoá… Các nhà văn hoá thôn đều thành lập Câu lạc bộ thơ ca, Câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi, Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba, Câu lạc bộ gia đình văn hoá phát triển kinh tế, Câu lạc bộ văn nghệ… Nhiều tủ sách ở các nhà văn hoá thường xuyên được trang bị thêm các đầu sách, báo, tạp chí để nhân dân có cơ hội tìm hiểu kiến thức khoa học, pháp luật và những thông tin mới. Thông qua các buổi bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp kết hợp nghiên cứu sách, báo ở tủ sách nhà văn hoá, xã Yên Minh xuất hiện điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi như các ông bà: Bùi Văn Hoán, thôn Giáp Nhất; Nguyễn Thị Thơm, thôn Ba Thượng; Phạm Văn Biên, thôn Nội Hoàng; Nguyễn Văn Minh, thôn Quan Thiều; Lương Quang Thắng, thôn Xưa… Cùng với việc tập trung xây dựng, khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, phong trào thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” được đẩy mạnh, tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn xã có 86,6% số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”. Người dân trong các xóm đều thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá, thuần phong mỹ tục của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Việc bình xét, tổ chức trao giấy chứng nhận cho các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá diễn ra công khai, dân chủ vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hằng năm. Nhiều thôn có tỷ lệ gia đình văn hoá cao, tiêu biểu như thôn Giáp Nhì (97,27%), thôn Xưa (đạt 96%), thôn Giáp Nhất (97%)… Năm 2018, xã Yên Minh có 6/8 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hoá”; cả 3 trường học, 1 trạm y tế đạt “Đơn vị có nếp sống văn hoá”. Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” ở Yên Minh đã tạo sự chuyển biến, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Tình hình an ninh trong xã được bảo đảm. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy. Các lĩnh vực y tế, giáo dục phát triển toàn diện. Tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Thành công trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở xã Yên Minh, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng