Sênh tiền là nhạc cụ chi gõ dùng để hòa tấu, giữ nhịp hoặc làm đạo cụ múa. Khi múa Sênh tiền, người sử dụng nhạc cụ vừa đánh, vừa phối hợp các động tác múa nhịp nhàng. Ở tỉnh ta, các đội múa Sênh tiền được phục dựng tại nhiều địa phương và duy trì biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống.
Múa Sênh tiền tại Lễ rước Mẫu thỉnh kinh phủ Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản). |
Thông thường các đội Sênh tiền thường có từ 8-10 thành viên. Một bộ múa Sênh tiền gồm một cặp phách hai lá bằng gỗ trắc. Lá phách thứ nhất gọi là “lá phách kép“, lá phách thứ hai gọi là “lá phách đơn“. Lá phách kép gồm hai thanh gỗ, một thanh dài 25cm, một thanh ngắn 11cm gắn úp vào nhau bằng một miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách đơn dài 25cm có các đường răng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách. Khi người biểu diễn đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa ung, vừa quẹt, tạo ra âm thanh rộn ràng. Ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), nghệ thuật múa Sênh tiền đã có từ lâu đời và gắn liền với các lễ hội: Chùa Ðại Bi, Ðền Am thôn Giáp Nhất, Ðền Giáp Ba, Ðền Giáp Tư, Ðình làng Vân Chàng. Ở thôn Giáp Tư, từ năm 1992, bà Cao Thị Năm (77 tuổi) và bà Cao Thị Thơm (78 tuổi) đã đứng ra khôi phục lại nghệ thuật múa Sênh tiền. Hiện nay, đội múa Sênh tiền thôn Giáp Tư gồm có 8 thành viên, trong đó có 4 nam và 4 nữ từ 8-10 tuổi. Ðội thường biểu diễn vào dịp lễ hội kỵ Thánh ngày mùng 8 tháng 2 ở Ðền Giáp Tư và lễ hội Chùa Bi. Trang phục của đội phân biệt rõ nam và theo màu sắc; nam mặc quần áo, xà cạp, vấn khăn vàng; nữ trang phục đồng bộ màu xanh. Khi biểu diễn, nữ đeo túi thơ, vòng cổ, còn nam đeo kiếm. Ðội múa Sênh tiền thôn Giáp Tư biểu diễn được nhiều bài múa, mỗi bài từ 15-20 phút gồm: múa diễu hành, múa đảo cánh, múa chào, đứng hàng thẳng múa xoay, múa hai hàng, quỳ múa... Theo bà Năm, mỗi động tác múa Sênh tiền phụ thuộc vào lời bài tế Thánh. Múa Sênh tiền không khó nhưng đòi hỏi các thành viên phải có sự tập trung cao độ bởi chỉ cần lỡ một nhịp phách thì bài biểu diễn sẽ rời rạc. Ở làng Vân Chàng có đội múa Sênh tiền với 10 thành viên là các thiếu nữ. Bà Ðoàn Thị Tấm (60 tuổi) phụ trách đội múa Sênh tiền làng Vân Chàng cho biết: Học múa Sênh tiền không khó nhưng đòi hỏi sự tập trung. Khi múa, tay trái cầm 2 thanh có dây nối, tay phải cầm thanh thứ 3. Khi dập và mở âm thanh phách đồng tiền sẽ phát ra, đồng thời tay phải múa uyển chuyển quẹt cạnh răng cưa vào bên cạnh của 2 thanh kia sẽ phát ra âm thanh liên hồi. Tay múa còn miệng hát những câu hát ca ngợi công đức của vị Thánh được thờ phụng tại đền.
Ở phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Ðịnh) nghệ thuật múa Sênh tiền đã có lịch sử lâu đời. Sau một thời gian mai một, năm 2013 hội tế nữ thôn Tức Mặc thành lập thêm đội Sênh tiền với 10 thành viên tham gia. Bà Trần Thị Hồng, phụ trách hội tế nữ thôn Tức Mặc cho biết: Khi múa, các thành viên của đội Sênh tiền Tức Mặc dàn thành hai hàng, đôi tay nhịp nhàng điều khiển phách Sênh tiền, đưa lên đưa xuống. Sự kết hợp khéo léo, dẻo dai giữa động tác nhảy múa và cây Sênh tiền tạo nên nét đẹp của điệu múa. Múa Sênh tiền của làng Tức Mặc để phục vụ nghi lễ tế trong lễ hội Ðền Trần nên các động tác chính mô phỏng kiểu dâng rượu Thánh, bê mâm cỗ lúc thì nhún nhảy uyển chuyển như động tác đánh chiêng... Ðội múa Sênh tiền khi tham gia đoàn rước ở lễ hội rước nước tế cá ở Ðền Trần hoặc từ Ðền Tức Mặc tới Ðình Thượng Lỗi đều nổi bật với âm thanh đặc trưng. Cùng với nhạc bát âm, những tiếng dập, gõ của Sênh tiền giúp bản nhạc thêm sinh động. Ngắm nhìn các thành viên trong đội Sênh tiền Tức Mặc biểu diễn, người xem cảm nhận được sự rộn ràng của lễ hội...
Trong các lễ hội, tiếng Sênh tiền rộn ràng cùng vũ đạo, trang phục của người biểu diễn đã tạo ấn tượng độc đáo, khó quên đối với đông đảo du khách./.
Bài và ảnh: Viết Dư