Từ xưa lễ rước nước là một nghi thức tâm linh thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị Thần, Phật, Thánh Mẫu và ước muốn cầu mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Đến nay, lễ rước nước vẫn được một số địa phương trong tỉnh duy trì trong các lễ hội.
Ở nhiều lễ hội xuân, nghi thức rước nước trở thành nét đặc trưng vùng miền thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham gia với quan niệm nhất tâm thành kính, Thần, Phật, Thánh Mẫu sẽ độ trì. Điểm đặc trưng của nghi lễ rước nước trong các lễ hội ở tỉnh ta là đều được tiến hành trang trọng tại điểm di tích lịch sử - văn hóa. Nguồn nước để rước đều ở những con sông lớn hoặc giếng nước gắn với lịch sử, câu chuyện về nhân vật phụng thờ ở di tích. Đoàn rước nước thường có quy mô lớn với đầy đủ đội cờ, đội múa lân, sư, rồng, phường bát âm, đội tế nam quan, nữ quan… Một số lễ hội mùa xuân trong tỉnh đã phục dựng và duy trì nghi lễ rước nước như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định), lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên), lễ hội Chùa Nhuệ, thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực), lễ hội Đình Đông Cao Thượng, xã Yên Lộc (Ý Yên), lễ hội Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên)…
Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp vào tháng Giêng là một trong những lễ hội tiêu biểu thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái. Nét đặc sắc của Lễ hội Khai ấn Đền Trần là phục dựng nghi thức rước nước, tế cá, rước kiệu Ngọc Lộ. Ông Trần Huy Chiến, tổ trưởng tổ từ Đền Trần cho biết: Việc phục dựng nghi lễ rước nước, tế cá tại Lễ Khai ấn được dựa trên việc nghiên cứu các thư tịch cổ và tìm hiểu trong dân gian. Nghi lễ rước nước, tế cá có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, ước mong hào khí Đông A mãi toả sáng, đồng thời thể hiện tinh thần khuyến ngư, nghề đánh bắt cá của triều Trần mãi phát triển, bờ cõi nước Việt mãi trường tồn. Địa điểm rước nước được lấy từ giếng Rồng phía đông Đền Cố Trạch. Mọi hoạt động trong nghi lễ rước nước, tế cá được Ban tổ chức chuẩn bị từ trước đó hàng tháng. Đến ngày chính lễ 12 tháng Giêng, đoàn rước xuất phát từ Đền Cố Trạch ra giếng Rồng để lấy nước. Đi đầu đoàn rước là đội cờ 40 người gồm có cờ hội, cờ thần, cờ Trần triều. Tiếp theo là đội múa lân, sư, rồng, phường bát âm, kiếm ngựa. Theo sau kiệu rước nước, kiệu rước cá là đội đánh bắt cá với trang phục truyền thống và vật dụng mang theo như vó, lưới, dậm, nơm… Tiếp đến là đoàn chấp kích, bát bửu đi cùng kiệu Thánh và đội tế nam quan, đội tế nữ quan, quan viên, nhân dân. Đoàn rước đi một vòng qua giếng Rồng. Khi kiệu dừng trước giếng, một cụ đại diện già làng phủ một tấm vải đỏ lên miệng chóe nước, bốn trai đinh giữ chóe và khăn. Sau đó, cụ già làng múc 5 gáo nước theo tiếng trống giục; việc lấy nước kết thúc sau ba hồi trống. Với sự giúp đỡ của 4 trai đinh, cụ già làng buộc miệng chóe và rước chóe nước lên kiệu. Điểm đặc biệt ở lễ rước Đền Trần là kiệu rước nước được thiết kế theo hình hoa sen ôm chóe nước thể hiện sự tinh khiết, hài hòa. Sau lễ rước nước là lễ đánh cá. Cá sau khi đánh bắt được đem lên bờ lựa chọn và thả vào thuyền rồng. Sau đó đoàn rước nước và cá về Đền Thiên Trường thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Nước trong chóe được chia đều sang ba chiếc bình, ông thủ từ đại diện Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch và Đền Trùng Hoa làm lễ rước nước về đền để thờ. Tiếp theo, đoàn rước thực hiện nghi lễ rước cá phóng sinh ra sông Hồng tại đoạn đê Hữu Bị, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).
Nước từ giếng Rồng được rót vào chóe để rước về Đền Thiên Trường tại lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) năm 2017. |
Chùa Nhuệ, thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) ngoài thờ Phật còn thờ Thánh Mẫu Đệ Tam Xích Lân Long nữ Động Đình Thoải phủ. Theo truyền thuyết dân gian và các bậc cao niên địa phương kể lại thì tục thờ Mẫu có từ thời sư tổ Thích Tâm Nhã - trụ trì Chùa Nhuệ. Trong một ngày đầu tháng 3 âm lịch, sư tổ cùng các tiểu tăng ra bến “hàm rồng” bờ sông Đào lấy nước. Khi múc nước đổ vào chóe thì bỗng nhiên có 3 pho tượng Thánh Mẫu Đệ Tam Xích Lân Long nữ Động Đình Thoải phủ nổi lên. Nhà sư, các vị tiểu tăng và nhân dân tổ chức rước 3 pho tượng cổ về chùa, lập phủ thờ Thánh Mẫu và từ ngày mùng một đến mùng ba tháng 3 âm lịch hằng năm thôn An Lá tổ chức lễ hội. Lễ thỉnh kinh rước nước diễn ra vào buổi sáng ngày mùng một tháng 3 âm lịch. Để chuẩn bị lễ rước nước, Ban quản lý lễ hội đã phân công cụ thể công việc cho từng bộ phận: Người phát quang đường thôn ngõ xóm, người cắm cờ hội, các xóm chọn người khiêng chóe, khiêng kiệu, múa rồng, đánh trống... Ngoài sư trụ trì, các vị chức sắc trong làng lấy nước còn có một cụ ông và một cụ bà là những người đức độ, có uy tín trong thôn, được nhân dân tín nhiệm. Sáng sớm mùng một tháng 3 âm lịch, nhân dân trong thôn và khách thập phương tề tựu đông đủ để tham gia nghi thức rước nước. Đoàn rước phụng nghinh bát nhang thờ Thánh Mẫu Đệ Tam xuất phát từ Chùa Nhuệ theo trục đường S2 lên đê sông Đào, đi ngược về phía thượng nguồn, tới bãi sông “Đầu rồng” thuộc xóm Đầu rồng rồi đi xuống bến “Hàm rồng”. Đi đầu đoàn rước là đội cờ theo sau là đội múa lân, múa rồng, cầu kiều, sau đó là các kiệu: Phật, Thánh, các Quan, Sứ giả, Mẫu, Long đình. Khi đoàn rước tới bến “Hàm rồng”, đoàn người do nhà sư trụ trì Chùa Nhuệ xuống thuyền đi ra giữa sông lấy nước. Ra giữa sông, thuyền được neo cố định; nhà sư trụ trì đặt một chiếc vòng làm bằng lá vạn tuế kết hoa, đường kính rộng khoảng 50cm xuống nước. Tay trái nhà sư giữ lấy vòng tròn hoa, tay phải dùng cây Thiền trượng viết vào trong vòng câu “thần chú” để thỉnh kinh rồi dùng Thiền trượng giữ không cho vòng tròn trôi đi. Sau đó, nhà sư múc 3 gáo nước đổ vào chóe (gáo múc nước được làm bằng gáo dừa, cán làm bằng gỗ được chạm trổ đôi rồng công phu). Sau khi vị sư trụ trì thực hiện nghi lễ thỉnh kinh, lấy nước, các vị lãnh đạo huyện, xã, các già làng lần lượt múc nước đổ vào chóe. Khi chóe nước được đổ đầy, sư trụ trì rút cây Thiền trượng lên khỏi mặt nước để vòng hoa trôi đi theo dòng xuôi về biển cả. Sau một hồi trống thúc giục, chóe nước được đưa lên bờ. Khi đoàn rước nước về đến chùa, chóe nước được đặt ở vị trí trang trọng nơi thờ Thánh Mẫu Đệ Tam. Ban tổ chức lễ hội làm lễ dâng hương và tổ chức tế lễ trong 3 ngày từ ngày mùng một đến ngày mùng ba tháng 3 âm lịch. Chiều ngày mùng ba tháng 3 âm lịch, sau khi lễ tạ, một phần nước trong chóe được đổ xuống ruộng trước cửa chùa với cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi..., một phần được chia cho người dân trong thôn và du khách thập phương để ước vọng được may mắn cho cả năm.
Lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) diễn ra vào ngày mồng ba tháng 3 âm lịch hằng năm. Mở đầu là lễ rước Mẫu từ Phủ Quảng Cung lên Phủ Đồi. Đoàn người rước kiệu Mẫu xong là đến phần rước nước. Lễ rước nước tổ chức tại sông Đáy, nơi mới xây dựng phủ thủy. Để lễ rước nước diễn ra thuận lợi và trang nghiêm, công tác chuẩn bị được tiến hành từ nhiều ngày trước. Địa điểm lễ rước nước diễn ra ở bến đò Vọng của sông Đáy được trang trí cờ hội, cảnh quan sạch đẹp. Đoàn người tham gia lễ rước nước xuất phát từ Phủ Đồi, đi đầu là đội múa tứ linh. Tiếp đó là đoàn rước cờ, phường bát âm, đội múa sênh tiền, bát bửu, tàn lọng… rồi đến đội cấm vệ cùng các vị chức sắc trong làng. Đoàn rước nổi bật với âm thanh trầm vang của trống cái sơn màu đỏ, hai người khiêng trống đầu đội mũ đai rồng. Tại bến đò Vọng có 5 thuyền và 1 chiếc kiệu hoa dùng để trang trí, trên đầu kiệu có gắn quả bầu khô tượng trưng cho việc lấy nước của Mẫu. Dụng cụ lấy nước gồm 2 muôi đồng và 1 chóe để đựng nước. Thuyền lớn chở kiệu Mẫu gồm 8 thiếu nữ khiêng, trang phục trang nghiêm đầu quấn khăn, chân quấn xà cạp, có dây thắt lưng. Sau khi các bô lão trong làng và Ban tổ chức làm lễ xin Mẫu, 4 thuyền còn lại hộ tống thuyền tế ra lấy nước. Do đặc điểm của hai dòng chảy, sông Đáy từ thượng nguồn đổ về nên nước trong, sông Đào là nhánh của sông Hồng đổ ra nên nước đục, thuyền tế phải chọn vị trí neo ở giữa dòng. Thủ nhang thận trọng múc nước vào chóe bằng sành và thả tiền vàng. Thuyền quay nhiều vòng giữa sông rồi mới vào bờ. Chóe nước thiêng được đặt trên kiệu Mẫu về Phủ Quảng Cung. Tại Phủ, chóe nước được đặt tại nơi trang trọng.
Ở các lễ hội khác như lễ hội Đình Đông Cao Thượng xã Yên Lộc, Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên); làng Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng)… nghi thức rước nước đều tiến hành trọng thể và là “xương sống” của lễ hội. Lễ hội Đình Đông Cao Thượng xã Yên Lộc tổ chức 3 năm một lần từ ngày 11 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch kỷ niệm ngày sinh của thuỷ tộc Long Vương. Trong lễ hội diễn ra các nghi thức: tế nhập tịch, tế thánh, rước kiệu, tế tạ, tục yến lão. Trong ngày kỵ Thánh 13 tháng Giêng âm lịch, diễn ra nghi thức rước nước truyền thống từ ngã ba sông Đào và sông Chanh. Đi đầu đoàn rước là đội cờ, đội chấp kích, đội múa sư tử, phụ kiệu cùng các tín đồ, phật tử, các chức sắc tôn giáo và đông đảo nhân dân hoà cùng âm thanh của tiếng trống, tiếng nhạc, não bạt, thanh la rộn rã… Lễ hội Đình Cát Đằng, tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng hằng năm nhằm tưởng nhớ ngày giỗ tổ nghề đã có công truyền dạy nghề sơn mài cho dân làng. Trong lễ hội có các nghi lễ như rước nước và rước thỉnh kinh để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc được thuận buồm xuôi gió. Qua lễ rước nước trong lễ hội, đã quảng bá các sản phẩm của làng nghề như: kiệu rước nước, kiệu bát cống, kiệu võng, bát bửu... Ở làng Hải Lạng, hằng năm mở hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Phần lễ vẫn duy trì tục “Rước nước tế thần” và 3 lễ tế: tế nam quan, tế nữ quan và tế thanh đồng; phần hội với các trò chơi: cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, đập nồi đất, kéo co, múa lân… thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Lễ rước nước được bảo lưu, gìn giữ trong các lễ hội đã thể hiện ý chí cộng đồng hướng về nguồn cội, nhắc nhở các thế hệ nhân dân giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn, tôn thờ những vị Thần, Thánh Mẫu có công với dân, với nước. Cùng với nghi lễ rước nước trong lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian như múa tứ linh, nhạc dân tộc bổ trợ trong lễ rước đã đem lại không khí vui nhộn, lành mạnh cho cộng đồng trong những ngày đầu Xuân./.
Bài và ảnh: Viết Dư