Giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình văn nghệ dân gian

06:02, 09/02/2018

Hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát văn, hát xẩm, ca trù, hát giao duyên đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một. Trước thực trạng đó, các cấp uỷ Ðảng chính quyền, ngành VH, TT và DL tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật trong các tầng lớp nhân dân, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn nghệ dân gian.

Tiết mục hát văn “Bài ca quê hương” của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Giao Thuỷ tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh năm 2017.
Tiết mục hát văn “Bài ca quê hương” của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Giao Thuỷ tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh năm 2017.

Huyện Ý Yên là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật chầu văn và hát chèo. Toàn huyện có 4 CLB văn nghệ được thành lập dưới sự quản lý của Trung tâm VH-TT huyện gồm: CLB dân ca Thị trấn Lâm, CLB chèo xã Yên Phong, CLB chèo xã Yên Xá, CLB chèo xã Yên Ninh và trên 30 tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở 32 xã, thị trấn hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Hằng năm, huyện đều tổ chức hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng các cấp, thu hút hàng nghìn lượt diễn viên, nhạc công không chuyên tham gia. Trong các kỳ hội diễn văn nghệ, huyện đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng của mỗi địa phương. Các đội văn nghệ làng xã, đặc biệt là các làng chèo truyền thống từng bước được khôi phục. Ở xã Yên Nghĩa, hằng năm, Ðảng uỷ, UBND xã giao Ban văn hoá xã chủ trì tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ nhân dịp lễ hội Ðình Ruối. Hội thi thu hút sự tham gia của 14 đội văn nghệ quần chúng với nhiều đội chèo gia đình như: gia đình các ông, bà Hoàng Văn Hoằng - Nguyễn Thị Tuyến, Hoàng Trung Tuýnh - Nguyễn Thị Nguyệt… Ở xã Yên Phong, nhiều đội chèo gia đình có các thế hệ từng là các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Chèo Nam Ðịnh và có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Tiêu biểu như: gia đình cụ Nguyễn Thị Huề, 94 tuổi (xóm Nội Thôn) cùng các con: Hoàng Thuý Dân, Hoàng Văn Thành, Hoàng Thị Nền, Hoàng Văn Quynh; gia đình cụ Nguyễn Thị Tính, 89 tuổi (thôn Bồng Quỹ) cùng các con: Trần Xuân Ðề, Trần Quang Lộc, Trần Ðăng Khoa. Ông Trần Quang Lộc (64 tuổi) là người có niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật chèo, hát văn, ca trù. Ông có công phục dựng các làng chèo: Giao Hải (Giao Thủy), Hải Châu (Hải Hậu); Ninh An (Hoa Lư), Liên Huy (Gia Viễn) tỉnh Ninh Bình. Ông Chính là người đã thành lập CLB chèo Yên Phong năm 2013 và phối hợp với các cán bộ của Trung tâm VHTT huyện mở các lớp dạy hát, múa, diễn chèo… Năm 2012, ông viết và dàn dựng vở chèo “Chợ quê” biểu diễn trong lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa). Ông Lộc còn là người duy nhất trong huyện có khả năng soạn lời mới cho các bài hát ca trù. Với vai trò chủ nhiệm CLB ca trù huyện Ý Yên, ông cùng các thành viên trong CLB là các ca nương, kép đàn, trống chầu như: Nguyễn Thị Lý, Bùi Thị Lan, Bùi Ngọc Tình, Ngô Minh Hinh đã đem tâm huyết và lòng nhiệt tình để chăm lo, tạo điều kiện để CLB ca trù Ý Yên -  CLB ca trù duy nhất trong toàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, ông Lộc đã dành được rất nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn tỉnh, khu vực và toàn quốc; trong đó có “Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng” do Bộ VH, TT và DL trao tặng và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” loại hình trí thức dân gian. Không riêng ở huyện Ý Yên, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều làng chèo truyền thống “nức tiếng” xa gần mà ở đó nhiều nghệ nhân dân gian là các đào, kép đào tài hoa, những tay đàn, tay trống cự phách. Tiêu biểu như: làng Phú Vân Nam, xã Hải Châu (Hải Hậu); thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản); làng Hoành Nhị, xã Giao Hà (Giao Thủy); làng Nam Phú, xã Xuân Tân, làng Hưng Nhân, xã Xuân Ninh (Xuân Trường); làng Ðặng, xã Mỹ Hưng, làng Quang Sán, xã Mỹ Hà, làng Nhân Nhuế, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc)… Tại các đất chèo cổ, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy đàn, hát dân tộc cho con em trong làng và các vùng lân cận. Ở huyện Vụ Bản, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ đã góp phần khôi phục, phát huy tiềm năng văn nghệ dân gian. Toàn huyện hiện có 18 CLB văn nghệ và hàng chục đội văn nghệ ở các xã, thị trấn, mỗi CLB, đội văn nghệ có từ 15-30 thành viên. Nhiều đội văn nghệ chuyên hát chèo với các mô hình đội chèo, chiếu chèo, gánh chèo đã vượt qua “cổng làng” để biểu diễn mưu sinh, phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ. Ðể khuyến khích phát triển các loại hình văn nghệ dân gian, Phòng VH-TT-TT huyện đã mời diễn viên Nhà hát Chèo Nam Ðịnh về trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các CLB văn nghệ quần chúng của huyện nhằm nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn hát chèo, chầu văn. Tham gia lớp học, các học viên được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Ðịnh truyền dạy các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, giá đồng, ca cảnh với nội dung ca ngợi Ðảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương, đất nước, phong trào xây dựng NTM. Bên cạnh đó, hằng năm, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm chiến thắng 30-4, Ngày Quốc tế Lao động (1-5) với các chủ đề như: “Mừng Ðảng, mừng Xuân, mừng quê hương đổi mới”, “Vui hội làng”… Ðặc trưng của văn nghệ dân gian ở huyện Vụ Bản gắn liền với văn hóa tâm linh và lễ hội. Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái) là nơi diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn mang đậm tính cộng đồng. Vào ngày mùng 4-3 âm lịch hằng năm, hội thi hát văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát có sự tham gia của hàng chục cung văn, nhạc công; trong đó có 60% thí sinh có tuổi đời còn rất trẻ đến từ các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hà Nội. Tính bền vững của nghệ thuật hát văn ở xã Kim Thái và một số xã lân cận như: Hợp Hưng, Vĩnh Hào, Quang Trung, Cộng Hoà, Trung Thành đã và đang được tiếp nối từ đời này qua đời khác bởi tính chất “dòng họ hát văn”; tiêu biểu như các phả hệ gồm các cung văn: Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái… Nhiều nghệ nhân hát văn tiếp nối các bậc tiền nhân đã tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, tiêu biểu như nghệ nhân Trần Viết Trường tham gia dạy các lớp hát văn tại Phủ Tiên Hương và đã đào tạo được hơn 20 người hát văn trẻ. Ngày nay, tại các đình, đền, phủ, nghệ thuật hát văn hoà cùng không gian linh thiêng của nghi lễ hầu đồng không chỉ trong mùa lễ hội mà diễn ra vào bất cứ ngày nào trong năm. Không chỉ ở Vụ Bản, nghệ thuật hát văn đã và đang phát triển mạnh trong phong trào văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 10 CLB chầu văn hoạt động có hiệu quả như: CLB hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), Ðoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, CLB thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB chầu văn huyện Ý Yên, CLB nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu... Mỗi CLB có từ 10-20 thành viên và là lực lượng nòng cốt góp phần bảo lưu, phát triển nghệ thuật hát chầu văn ở các địa phương. Sự phát triển của nghệ thuật hát chầu văn trong phong trào văn nghệ ở các làng quê là những tín hiệu đáng mừng bởi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, Nhà hát Chèo Nam Ðịnh, Trung tâm Văn hoá 3-2 và các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao. 

Ðể phát huy giá trị văn nghệ dân gian, các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống thông qua các loại hình nghệ thuật dân tộc; đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ; thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật nhân các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị của địa phương. Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thôn, xóm, tổ dân phố. Trên cơ sở đó tuyển chọn lực lượng nòng cốt để thành lập các đoàn nghệ thuật ca - múa - nhạc tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng huyện và liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh. Ở huyện Hải Hậu, hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm có sự tham gia của cả 35 xã, thị trấn trong huyện. Các tiết mục tham dự đều do các nghệ sĩ đồng quê “tự biên, tự diễn” có giá trị nghệ thuật cao, sâu sắc về nội dung, độc đáo về ý tưởng. Có được điều đó là do phong trào văn nghệ ở Hải Hậu những năm qua luôn phát triển đa dạng giữa nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật dân gian. Nhiều xã có thế mạnh về nghệ thuật chèo như: Hải Châu, Hải Anh, Hải Tây, Hải Toàn, Hải Phúc, Hải Quang với nhiều “hạt nhân” văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, sáng tác và biểu diễn. Ở huyện Xuân Trường, hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm có sự tham gia của 26 đội văn nghệ ở các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể và trường học. Nhiều đơn vị mạnh về văn nghệ dân gian ở các xã Xuân Ninh, Xuân Tân, Xuân Hồng, Xuân Kiên, các trường mầm non, tiểu học, THCS… đã mang đến hội diễn nhiều tiết mục chèo, hát văn, múa dân gian đặc sắc có nội dung ca ngợi Ðảng, Bác Hồ: “Hoa sen dâng Bác”, “Nam Ðịnh quê tôi”; các làn điệu dân ca mang âm hưởng quê hương: “Trầu cau quan họ”, “Non nước hữu tình”… Nhiều “giọng hát hay, tay đàn giỏi” ở khắp các thôn, xóm từng nhiều lần đạt giải tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực đã góp phần làm nên chất lượng ngày hội. Vừa qua, Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh năm 2017 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa 3-2 (TP Nam Ðịnh) có sự tham gia của 7 đoàn nghệ thuật quần chúng của Thành phố Nam Ðịnh và các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả đến xem, cổ vũ. Ðặc biệt, tại liên hoan, một số đoàn nghệ thuật đã tập trung đầu tư xây dựng các tiết mục văn nghệ dân gian: hát, múa, trình diễn chầu văn; tiêu biểu như các tiết mục: “Cô đôi Thượng Ngàn” (Ðoàn nghệ thuật quần chúng huyện Ý Yên), “Mẫu cửu trùng thiên” (Ðoàn Vụ Bản), “Bài ca quê hương” (Ðoàn nghệ thuật quần chúng huyện Giao Thủy)…

Các loại hình văn nghệ dân gian ở tỉnh ta đã thể hiện sức sống mãnh liệt và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Những làn điệu chèo mang đậm chất trữ tình, sâu lắng, những bài hát văn sôi nổi, nhộn nhịp hay những bài hát xẩm, ca trù mộc mạc, bình dị vẫn đang được gìn giữ trong đời sống hôm nay với cách nghe, cách nhìn mới nhưng vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ. Ðiều đó làm cho giá trị các loại hình văn nghệ dân gian luôn được kế thừa và phát huy trong đời sống cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com