Từ lâu, các lễ hội Xuân truyền thống ở tỉnh ta đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Hằng năm, cứ mỗi độ “Tết đến - Xuân về”, tiết trời ấm áp, cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc; mọi người cảm thấy phấn khởi, vui tươi khi hoà mình vào không gian của các lễ hội truyền thống gắn với những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian.
Tỉnh ta có khoảng 100 lễ hội Xuân được tổ chức với mật độ dày đặc từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, tập trung nhiều ở các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới dự như: Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dầy, lễ hội làng Quả Linh (Vụ Bản), lễ hội Chùa Lương, lễ hội Đền - Chùa Xã Hạ (Hải Hậu), lễ hội làng hoa Vị Khê (Nam Trực), lễ hội chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Nam Trực, lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường), lễ hội làng Hoành Nha, lễ hội Đền - Chùa Kiên Hành (Giao Thuỷ)… Thời gian diễn ra các lễ hội Xuân thường từ 2 đến 3 ngày, có nơi kéo dài 5 ngày. Các lễ hội thường tổ chức vào ngày sinh, ngày kỵ của các thành hoàng, tổ nghề, các vị thánh, vị vua, danh tướng, danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại Đền Trần (TP Nam Định) và Đền Bảo Lộc (Mỹ Lộc) là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa cầu mong “Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị”, mọi người bước vào một năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập và công tác tốt. Lễ hội Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định) là một trong những lễ hội lớn của toàn quốc, ước tính hàng vạn người từ khắp nơi trên cả nước tham dự. Vào giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng, các cụ cao niên phường Lộc Vượng tổ chức đoàn rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần sang Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và long trọng làm lễ Khai ấn. Những năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội Khai ấn Đền Trần đã phục dựng một số nghi lễ cổ truyền trong lễ hội như: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước, tế cá… Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hiện nay lễ Khai ấn Đền Trần đã tổ chức đầy đủ các nghi lễ truyền thống, xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa lân, rồng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân. |
Về huyện Vụ Bản những ngày đầu năm mới, trước hết phải kể đến lễ hội chợ Viềng Xuân được tổ chức vào đêm mùng 7 sáng mùng 8 tháng Giêng trở thành một lễ hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, mang đậm dấu ấn văn hoá tín ngưỡng cộng đồng. Mỗi năm, chợ Viềng thu hút hàng vạn lượt khách thập phương về du Xuân, mua sắm, chơi hội. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch. Những ngày này, đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương được dự các nghi lễ trang trọng như: rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, xem múa lân - sư - rồng, đánh cờ người… Trong đó, hoa trượng hội là một hoạt động văn hóa đặc trưng tại lễ hội Phủ Dầy với sự tham gia của hàng trăm thanh niên. Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương”, “Quang phục thánh thiện”… để ngợi ca công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp: mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Lễ hội Phủ Dầy còn diễn ra nhiều hoạt động, đặc biệt là nghi lễ rước đuốc vào tối 5-3 âm lịch, thi hát chầu văn tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát ngày 4-3 âm lịch, các giá hầu đồng... Tại các đền, phủ ở quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, nghi lễ chầu văn - hầu đồng đã thu hút nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến “mục sở thị” các thanh đồng chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trong những ngày đầu xuân ở huyện Nam Trực diễn ra nhiều lễ hội tập trung nhiều ở các làng nghề truyền thống; tiêu biểu như: lễ hội chợ Viềng (mùng 7, mùng 8 tháng Giêng), lễ hội Chùa Bi (20, 21 tháng Giêng), lễ hội Đền Giáp Tư (8-2 âm lịch), lễ hội Đền Đá Tân Thịnh (3-3 âm lịch), lễ hội Đền An Lá (từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch)… Lễ hội hoa cây cảnh làng Vị Khê (xã Điền Xá) hằng năm thu hút rất đông khách đến tham quan. Đây là lễ hội mang sắc thái văn hóa làng nghề có bề dày lịch sử trên 800 năm, được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng. Ngoài việc tổ chức tế lễ, rước và các trò chơi dân gian, phần đặc sắc nhất của lễ hội là trưng bày và thi cây hoa, cây cảnh với hàng nghìn tác phẩm tham gia mỗi năm, tạo cơ hội để các nghệ nhân trong cả nước được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh. Lễ hội truyền thống làng Bàn Thạch (xã Hồng Quang) tổ chức 5 năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là thần hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Tổ chức “hội làng” để tôn vinh “hội nghề” - đó là nét đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc trong lễ hội rối nước truyền thống làng Bàn Thạch.
Ở huyện Xuân Trường, trong lễ hội Xuân tại các di tích đều diễn ra lễ cúng khánh tiết Tân Xuân. Đây là dịp để con cháu trong các gia đình, dòng tộc sum họp sau những ngày lao động vất vả, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống; từ đó, nhân dân trong làng đều tham gia đóng góp kinh phí, vật chất và ngày công theo phương thức xã hội hoá trong việc tổ chức lễ hội. Tại di tích lịch sử - văn hoá Đền An Cư (xã Xuân Vinh), hằng năm vào các ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng nhân dân trong thôn lại tưng bừng tổ chức lễ hội. Hội làng An Cư ngoài các nghi thức: tế lễ, rước kiệu, còn có nhiều trò chơi như: đấu vật, bơi chải, cờ tướng, tổ tôm điếm... Lễ hội Xuân làng Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng) diễn ra tại chùa Ngọc Tiên nhằm tri ân tưởng nhớ công đức thành hoàng làng Hoàng Văn Quảng. Trong lễ hội, ngoài phần lễ trang trọng, phần hội có các trò chơi dân gian như: leo cầu ngô, bắt vịt, bốc bồi, thi lấy nước, kéo lửa thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên… Tham dự lễ hội Xuân truyền thống làng Ngọc Tiên du khách được hoà mình vào không khí của một lễ hội thuần Việt độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội Xuân ở huyện Hải Hậu có nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được các địa phương khôi phục, duy trì. Tại di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Chùa Cồn (Thị trấn Cồn), dịp lễ hội tháng 2 âm lịch năm nào cũng diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian như: đấu vật, chọi gà, leo cầu ngô, bắt vịt, tổ tôm điếm, múa sư tử, bơi chải, hát văn trên thuyền, hát chèo cửa chùa… Lễ hội Đền - Chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc) được tổ chức 1 năm hai kỳ. Ngày 6 tháng Giêng là ngày nhân dân địa phương kỷ niệm các thuỷ tổ đã đặt chân tới mảnh đất này. Ngoài việc tế lễ, rước kiệu bát cống, rước chân nhang, bài vị, ngày hội còn tổ chức các trò vui như: thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm, thi hát chèo, thi hát ả đào. Sau kỳ lễ hội đầu tháng Giêng, trong các ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch, địa phương lại tổ chức kỳ lễ hội thứ hai và đây được coi là kỳ lễ hội chính trong năm. Trong những ngày này không khí ở xã Hải Bắc vô cùng náo nhiệt. Các gia đình lo chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm để đón tiếp bà con đi làm ăn ở phương xa về thăm chốn tổ, lễ Phật và lễ Mẫu. Ngoài việc tế thánh, tụng kinh, địa phương còn tổ chức rước kiệu phụng nghinh và các trò chơi, giải trí như: tam cúc, múa rồng, sư tử, chọi gà, bắt vịt, bịt mắt đập chum... mang đậm màu sắc văn hóa địa phương. Lễ hội Chùa Lương (xã Hải Anh) tổ chức từ ngày 13 đến ngày 16-3 âm lịch hằng năm nhằm suy tôn 4 tổ khai hoang, lập ấp năm 1486 là: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập. Phần lễ gồm: lễ kỳ yên, cầu phúc, lễ phật, rước kiệu. Phần rước có sự tham gia của các đoàn rước đến từ hơn 30 xóm trong và ngoài xã và các hội Tập phúc (nơi có thờ các bà Chúa, Thánh). Đoàn rước rất đông, kéo dài đến vài cây số và tiến hành rước quanh xã. Mỗi đoàn tham gia đều có đầy đủ các loại kiệu: Nhang án, kiều võng, đội cờ, đội kèn, đội trống, đội lân - sư - rồng... Phần hội diễn ra nhiều nét sinh hoạt văn hóa như: kéo co, chơi cờ, lên đồng, hát văn, hát đối....
Lễ hội xuân ở huyện Giao Thuỷ được các địa phương tổ chức với nhiều nghi thức tế, lễ, rước và các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống mang đậm sắc thái tín ngưỡng của cư dân miền biển. Lễ hội Đình - Đền Kiên Hành (xã Giao Hải) tổ chức trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, với các hoạt động: rước 7 sắc phong thời Nguyễn; tổ chức các môn thể thao truyền thống như: vật võ, cờ tướng, tổ tôm, bóng chuyền, bơi lội và một số trò chơi dân gian khác. Lễ hội Đền - Chùa Thanh Khiết (xã Giao Yến) diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch tưởng nhớ công lao của Triệu Việt Vương cùng các bậc tiền nhân đã có công mở đất. Từ nhiều năm nay, lễ hội luôn tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm điếm…; đặc biệt là trò chơi đi cà kheo tái hiện cuộc sống lao động sản xuất của những ngư dân sông nước. Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Hòe Nha (xã Giao Tiến) gồm: Đình thôn Trung, Đình - Chùa thôn Thượng, Đình - Chùa thôn Chính đều thờ chung một vị thành hoàng làng và những vị tổ sáng lập ra đất Hoành Nha. Lễ hội làng Hoành Nha (xã Giao Tiến) diễn ra vào ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch với nhiều trò chơi dân gian truyền thống; trong đó ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra cuộc thi bơi chải. Vào tháng 2 âm lịch, dân làng Hoành Nha tổ chức lễ rước từ Đình thôn Chính, Đình thôn Trung về Đình thôn Thượng để mở hội. Các lão ông, lão bà được mời dự lễ Yến lão để tỏ lòng kính trọng, biết ơn của con cháu đối với các bậc cao niên.
Những nét đẹp văn hoá truyền thống trong các lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện cầu phúc, cầu lộc, cầu may trong dịp đầu năm mới đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của nhân dân, gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, động viên người dân hăng say lao động sản xuất, học tập và công tác, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng