Thú chơi câu đối Tết - Nét đẹp văn hoá của người Việt

10:02, 12/02/2016

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Từ lâu, thú chơi câu đối trong ngày Tết đã trở thành một trong những mỹ tục của các gia đình người Việt Nam. Ai cũng muốn gia đình mình phải có những câu đối hay để treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Chơi câu đối là thú chơi tao nhã mang đậm nét nhân văn.

Tết đến, cùng với mâm ngũ quả, trong các gia đình người Việt, ai cũng muốn gia trang được bài trí phải thật trang nghiêm và ngập tràn hương sắc ngày đầu xuân mới. Nói về phong tục ngày Tết của người Việt thì nhiều điều thú vị nhưng xét về nho nhã, thanh tao nhất vẫn là chơi câu đối. Câu đối vốn là một thể loại văn học với hai vế đối tương xứng với nhau về âm thanh, từ ngữ, vần điệu và ý tứ. Câu đối được sử dụng trong nhiều dịp, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng thông dụng hơn cả vẫn là câu đối đỏ ngày Tết. Câu đối Tết thường có chỗ đứng riêng biệt hoặc bên bàn thờ gia tiên, mang một hình ảnh ấn tượng khó thay thế trong các gia đình Việt Nam. Ông bà ta ngày xưa có tục treo câu đối vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, trước khi làm lễ tạ ơn gia tiên, cầu cho năm mới an khang, thịnh vượng. Câu đối thường viết trên những dải giấy màu đỏ hay hồng đào - màu tượng trưng cho sự đầm ấm, hạnh phúc; được viết bằng chữ Nôm, chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ. Thể cổ văn của câu đối được chia làm ba loại: “Tiểu đối” (mỗi vế có từ 4 chữ trở xuống); “Thi đối” (mỗi vế là một câu đối ngũ ngôn hoặc một câu thất ngôn, cũng có khi gồm cả hai câu ngũ ngôn và thất ngôn); “Phú đối” (là một thể cổ văn, câu đối viết theo niêm luật của thể phú). Câu đối Tết có 7 loại: Câu đối Tết dùng cho mọi nhà; câu đối Tết treo ở các đình làng, công sở; câu đối Tết treo ở đền, chùa, miếu mạo; câu đối Tết dùng trong các nhà quyền quý; câu đối Tết dùng trong các gia đình nghèo khó; câu đối Tết viết theo thể tự trào, gắn vào tâm tưởng của mỗi người, kích động suy nghĩ của mọi người và câu đối Tết dùng trong các gia đình Việt Kiều.
 
Cụ Lưu Trọng Quỳnh, 80 tuổi - “ông đồ già” ở Thành phố Nam Định chia sẻ: Chơi câu đối Tết không đại trà như chơi hoa, chơi cây mà chỉ lưu truyền trong giới học giả có gia thế, địa vị xưa. Trong xã hội phong kiến, thú chơi câu đối được xét vào bậc chính tổng bởi có nhiều thang bậc tạo nên một tác phẩm hoàn mỹ như: Câu phú trong vế đối, nét chữ, loại mực, chất liệu làm nên tranh đối… Tuy nhiên, trong ngày Tết, nhà nghèo khó cũng xin ít nhất được một chữ, nhà khá giả trở lên thì xin đôi câu đối đỏ. Nhà có học thức càng cao thì nét chữ càng phải thanh tao, bay bổng, ý nghĩa sâu xa, chất liệu làm nên câu đối lại càng trân quý. Câu đối Tết cũng lựa theo thứ bậc tình cảm mà thể hiện nội dung, ý tứ. Chọn câu đối Tết là cả một nghệ thuật tỏ rõ khả năng thẩm mỹ, trí tuệ của người xin và người cho chữ.
“Ông đồ” đã trở thành một nét riêng của Tết xưa với nét chữ thư pháp (Trong ảnh: “Ông đồ” Lưu Trọng Quỳnh ở 533 Trần Nhân Tông, Thành phố Nam Định).
“Ông đồ” đã trở thành một nét riêng của Tết xưa với nét chữ thư pháp (Trong ảnh: “Ông đồ” Lưu Trọng Quỳnh ở 533 Trần Nhân Tông, Thành phố Nam Định).
Ngày nay, cùng với nếp sống văn minh đô thị, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao và xu hướng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa thế giới ngày càng phát triển thì nghệ thuật chơi câu đối Tết ở các địa phương trong tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng nhưng vẫn không mất đi giá trị văn hoá vốn có. Trong các gia đình lễ giáo ở vùng nông thôn, thú chơi câu đối Tết vẫn được gìn giữ, tôn vinh nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc thông qua cách trang trí nhà cửa theo phong tục truyền thống. Ở gian thờ cúng gia tiên, những câu đối Tết thường được các gia chủ treo với nội dung hướng về nguồn cội, đạo lý, gia phong, tạo sự tôn nghiêm trong gia đình. Một số gia chủ còn treo câu đối Tết ngoài cửa ra vào với nội dung cầu mong tài lành, phúc ấm tràn vào nhà trong năm mới. Không chỉ thể hiện trên giấy đỏ truyền thống, đa số các gia đình còn thể hiện câu đối trên các chất liệu như: gỗ, vóc, lụa… Nhiều năm trở lại đây, tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh như làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Yên Tiến (Ý Yên) các sản phẩm câu đối Tết được thể hiện trên chất liệu gỗ, đồng được bày bán ngày một nhiều. Một số mẫu câu đối được chuyển thành sản phẩm làng nghề xuất phát từ nhu cầu chơi câu đối Tết trong nhân dân. Với xu hướng tích cực phát triển được tinh hoa giữa các sản phẩm làng nghề, các mẫu câu đối sau khi chuyển sang các chất liệu khác vẫn giữ được tinh thần, đồng thời thêm vào đó là sự độc đáo của từng chất liệu và nét tài hoa từ đôi bàn tay người thợ thủ công. 
 
Là vùng đất cổ với nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc được gắn với hệ thống di sản phong phú, ở một số lễ hội có quy mô lớn trong tỉnh như: Lễ hội Đền Trần (TP Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), Lễ hội Hoa làng Vị Khê, Lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), Lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… và một số chợ quê truyền thống như chợ Viềng (Nam Trực, Vụ Bản), chợ hoa xuân (TP Nam Định)… xuất hiện những “phố ông đồ” mặc áo dài, khăn đóng ngồi cho chữ, viết câu đối Tết. Ngoài viết chữ quốc ngữ, các ông đồ già, trẻ, còn viết cả câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm. Không phải “ông đồ” nào cũng lắm “khách” xin chữ, mà chỉ những “ông đồ” có tiếng là “hay chữ” (hay về nội dung theo yêu cầu của người xin và đẹp về các kiểu chữ “thảo”, “lệ”, “thiện”) thì mới đông “khách”... Các chữ như: Tâm, Tín, Đức, Phúc, Nhẫn... được các “ông đồ” cách điệu thành những hình rồng bay, hình tre trúc uốn lượn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, hàm chứa quan niệm sống, có mục đích giáo dục mọi người ngay từ đầu năm mới rèn đức, luyện tài, để đức, tích phúc cho con cháu đời sau. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện của bản thân, của gia đình, tất cả đều có một mục đích chung là cầu mong những điều tốt lành trong năm mới. Vì vậy, trong ngày Tết nếu thiếu đôi câu đối đỏ treo trong nhà thì phong vị Tết Việt dường như thiếu đi một điều gì đó thật khó tả. 
 
Là người Việt Nam, được nhìn những câu đối với nét bút thư pháp, mỗi chúng ta ai cũng tự hào về đất nước có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong nhịp hối hả hôm nay, thú chơi câu đối có thể không còn được thuần túy như người xưa, nhưng được treo đôi câu đối đỏ trong nhà ngày Tết cùng với những ước vọng trong năm mới thì nét nhân văn của câu đối Tết sẽ vẫn theo mãi trong tâm thức mỗi người Việt Nam, và mang nhiều ý nghĩa văn hoá trong ngày Xuân./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com