Đầu tháng Chạp, trong cái se lạnh của mưa phùn đã thấy sắc màu rực rỡ của hoa đào, hoa cúc và những cây quất trĩu quả từ ngoại thành theo dòng người, xe hối hả nối đuôi nhau qua cầu sang phố. Khắp phố phường, không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết khiến lòng người càng thêm náo nức. Đã mấy chục mùa xuân đi qua trong cuộc đời, mái tóc đã điểm màu sương gió, vậy mà mỗi lần Tết đến, Xuân về, cảm giác hân hoan, mong chờ vẫn vẹn nguyên như ngày thơ bé.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Đi trong bộn bề, gấp gáp của phố xá đông vui, lòng lại bâng khuâng nhớ về ngày cũ, nhớ Tết xưa nơi quê nghèo vùng đồng chiêm. Ngày ấy, cuộc sống người dân quê tôi còn thiếu thốn đủ bề nhưng Tết đến, ai cũng cố gắng sắm sửa, lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, chu tất. Mấy thùng thóc nếp dành dụm, tích trữ trong cót từ vụ lúa tháng mười, nay được mang ra sàng sảy, hong khô lại cẩn thận rồi xay giã, giần, sàng, làm ra mẻ gạo trắng ngần, hạt nào hạt nấy mẩy căng như nhộng ong. Đám lá dong sau vườn nhà cũng đã xanh mướt, tốt um, đủ để gói vài chục bánh chưng, bánh nếp. Mấy bơ đỗ xanh thu hoạch từ cuối hè, chờ ngày các con nghỉ học, mẹ phân công mấy đứa tãi ra nia, nhặt sạch những hạt đen, hạt xấu. Gà trong chuồng mỗi sáng đã rộn vang tiếng gáy dõng dạc của những chú trống choai, tiếng mấy chị mái mơ quang quác. Mẹ chọn hôm nắng ráo, cắt mấy cây cải bẹ về hong nơi thoáng gió, rửa sạch từng tàu lá rồi đem muối cùng mấy cân hành củ đã được ngâm vài ngày trước trong nước tro bếp cho bớt vị hăng. Cứ một lớp mía chẻ mỏng, một lớp hành, một lớp dưa, đổ ngập nước muối âm ấm, trên cùng gài một chiếc vỉ tre. Chỉ sau khoảng một tuần, những tàu cải bẹ đã chuyển màu vàng rộm, thoảng vị chua dịu hấp dẫn, có thể mang ra chấm mắm tép hoặc nấu với cá trê. Món dưa hành muối chua được mẹ chăm chút lắm, vì nó luôn được mọi người yêu thích trong những ngày Tết vốn dư thừa đồ béo, mỡ, lại có thể để dành ăn dần lúc khan hiếm rau xanh. Sau ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết đã đến thật gần. Nhiều gia đình rủ nhau tát ao, bắt cá, chọn những con to nhất, ngon nhất thả vào chum, chuẩn bị sẵn sàng để làm món cá nướng úp chậu hoặc cá kho riềng trong dịp Tết. Buổi chợ phiên cuối năm, bọn trẻ con sung sướng được theo bà, theo mẹ đi sắm Tết. Cái chợ Đê nhỏ bé quê tôi bình thường vốn nghèo nàn với mấy túp lều lợp mái tranh xơ xác, giờ đông vui, nhộn nhịp, đầy ắp những sản vật từ các vùng lân cận tụ hội về. Mẹ tôi tranh thủ đi một vòng quanh chợ, mua đôi câu đối, bánh hương vòng, vài bức tranh dân gian, ít măng khô, mộc nhĩ, miến dong, mấy ống giang về chẻ lạt gói bánh chưng, khăn ấm cho ông bà và vài bộ quần áo mới cho các con. Thúng trên đầu, tay xách đủ thứ lỉnh kỉnh, mẹ luôn miệng giục tôi rảo chân, về nhà còn bao nhiêu việc nhưng tôi vẫn cố nấn ná bên ông lão nặn tò he, mải mê ngắm nghía những hoa lá, cỏ cây, con vật đủ sắc màu đang hình thành dưới bàn tay tài hoa của ông. Cuối cùng, mẹ phải mua cho một con rồng có cái bờm sư tử oai phong và thân hình uốn lượn như sóng biển, tôi mới chịu đi về. Công việc chuẩn bị nguồn thực phẩm để ăn Tết đã tạm ổn, giờ đến khâu trang hoàng nhà cửa. Ông và bố cặm cụi cả buổi quét vôi ve, thay áo mới cho ngôi nhà; chặt một cây tre cao vút làm cây nêu, treo lên đó những chiếc chuông, khánh bằng đất nung; tiếp đó xén tỉa lại hàng rào chè tàu để ra giêng có mưa xuân, những búp nõn chồi non thi nhau đâm tua tủa. Mẹ và các chị nhổ cỏ vườn, quét ngõ, quét sân sạch sẽ. Tôi bé nhất được ưu tiên công việc nhẹ nhàng là mang mấy bức tranh gà, tranh chuột ra dán lên tường cho thật phẳng phiu, ngay ngắn. Xong xuôi, chúng tôi theo bà ra vườn, chọn những thứ hoa trái tươi ngon nhất về bày mâm ngũ quả. Mấy nải chuối xanh cong đều, một quả bưởi vàng tươi như còn đọng đầy những giọt nắng thu, chùm trứng gà vàng óng ả, những quả hồng xiêm màu nâu đất khiêm nhường, mấy quả hồng mòng đỏ mọng. Tất cả được bà rửa sạch, bài trí xen kẽ đẹp mắt trên chiếc mâm gỗ, đặt ở vị trí trang trọng trên ban thờ. Sáng 30 Tết, trong làng vang lên tiếng eng éc của những chú lợn bị chọc tiết. Nhà ai không nuôi lợn thì đi “đụng” với hàng xóm, được chia phần đủ cả: thịt để gói bánh chưng, nấu đông, bó giò; mỡ để rán; xương để hầm nấu canh măng, nấu miến. Bọn trẻ con sung sướng được chia mỗi đứa một đoạn đuôi lợn luộc ăn giòn sần sật. Ngoài ao làng, giếng làng, các bà, các mẹ tíu tít vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong. Các anh, chị thanh niên kĩu kịt những thùng nước sóng sánh, gánh về đổ đầy chum, bể, cầu mong cho một năm mới đủ đầy, dư dả. Chiều tối, sau khi công việc dọn dẹp, chuẩn bị đã hoàn tất, nhà nào cũng đun một nồi nước lá mùi già to thơm ngát để tẩy trần. Chúng tôi ăn cơm tối xong, nhảy tót vào ổ rơm chơi tam cúc. Mẹ tranh thủ dặn dò các con những điều cần kiêng khem trong năm mới rồi tất bật lo làm mâm cỗ cúng giao thừa. Nhiều năm, mấy chị em tôi còn hăng hái tham gia canh nồi bánh chưng với bố, nhưng thường chỉ đến 10 giờ là đã buồn ngủ díp cả mắt, không chờ được đến lúc vớt bánh để tranh nhau chiếc bánh cóc nóng hổi, thơm lựng. Rồi giao thừa - thời khắc thiêng liêng đánh dấu phút chuyển giao giữa năm cũ, năm mới cũng đến. Tiếng pháo râm ran trong làng, ngoài xóm, mùi hương trầm ngào ngạt thấm đẫm không gian. Mẹ đánh thức chúng tôi dậy, rửa mặt sạch sẽ cho tỉnh ngủ. Mấy chị em xúng xính diện bộ quần áo mới còn nguyên nếp gấp, ra phòng khách chúc Tết ông bà rồi cả nhà ngồi quây quần bên nhau, nhấm nháp chút mứt gừng, vài thanh kẹo lạc, uống chén nước chè để lấy may. Thường thì mẹ mừng tuổi luôn cho chúng tôi, vì sợ sớm mai mùng một, các con đã vòi vĩnh là “dông” cả năm. Tôi được đi cùng ông ra đình làng hái lộc. Ngày ấy chưa có điện nên đêm 30 tối đen như mực, ai ra đường cũng phải xách theo cái đèn chai. Dưới làn mưa xuân giăng mắc như tơ mành nối bầu trời và mặt đất, tiếng chào hỏi, chúc mừng năm mới xôn xao đường quê. Những ngày sau Tết mới thật là vui. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, công việc đồng áng đang lúc nông nhàn, chưa phải cày bừa cấy hái. Chúng tôi được theo ông bà, bố mẹ đi chúc Tết anh em họ hàng, bà con làng xóm, đi lễ chùa và tham gia vào các hoạt động tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội. Nay làng này, mai làng khác, tiếng trống hội làng cứ thì thùng không dứt, giục giã bước chân…
Cuộc sống ngày càng phát triển và hiện đại, Tết ở làng quê giờ đã đổi thay nhiều. Nhưng những gì là đẹp đẽ, thiêng liêng, là bản sắc văn hóa của Tết xưa vẫn được người dân nhiều miền quê trân trọng, gìn giữ. Để mỗi lúc Tết đến, Xuân về lại bâng khuâng trước hương lá mùi già tỏa bay khắp xóm, được sống dậy cảm giác háo hức ngồi trông nồi bánh chưng và bồi hồi, xao xuyến trong khoảnh khắc giao thừa./.
Lam Hồng