Thương nhớ chợ Tết quê xưa

09:02, 05/02/2016

25 tháng Chạp trở đi, trời lạnh đến thấu buốt tim gan nhưng dù thế nào cũng không ngăn được dòng người đi chơi chợ, sắm Tết. Bởi khi đó, việc nhà nông hầu như cũng đã xong xuôi, đất cày ải đã lên màu mới chỉ chờ mưa xuân thấm dần để ẩm vỏ tơi đất chiu chắt cho những mùa vàng bội thu. Chợ Tết mang mùa Xuân về sớm, khởi đầu một năm mới làm ăn, buôn bán phát đạt thịnh vượng, nhà nhà vui vầy, đầm ấm và hạnh phúc.

Ngày cũ, khi những tấm lịch trên tường mỏng dần báo hiệu thời khắc “Tống cựu nghinh tân”, ký ức về những phiên chợ Tết trong lớp người hoài cổ càng dày lên. Họ thầm nhắc mình cái không khí tươi vui như bức tranh vẽ bằng thơ trong “ Chợ Tết” của thi sĩ họ Đoàn: “ Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi. Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”. Chợ Tết xưa rất dân dã, thường chỉ là những túp lều, cột tre, mái lợp lá tranh hoặc rạ, những quầy hàng được che phên, liếp, trống trải tứ bề… Chợ Tết quê xưa, do đó cũng thường gắn liền với không gian sinh hoạt làng xã rất đỗi bình dị bên mái đình, chợ bến, gốc đa thân thuộc như cuộc sống thường ngày.
f
Ảnh minh hoạ/ Internet
Thời xưa, không phải nhà nào cũng có điều kiện sắm đồng hồ, vì thế, các bà, các chị, các mẹ thường lắng nghe tiếng gà gáy báo canh để đi chợ sớm. Canh hai, canh ba, khi chú gà trống trong chuồng trở mình rướn cổ, vỗ cánh kêu phành phạch chuẩn bị cho tiếng gáy “ra oai” của mình thì đường làng, ngõ xóm đã nhộn nhịp người xe đi lại. Tiếng lẹp kẹp, kéo lê nặng nề guốc, dép của các bà, các chị, tiếng kẽo kẹt của đôi quang gánh, tiếng bước chân thình thịch của những người đàn ông, tiếng những chú gà kêu quang quác; tiếng eng éc của những chú lợn; tiếng chày giã giò khua vội vã vào cối đá… Những thanh âm ấy gợi nhớ hình ảnh của nhịp sống một thời xưa cũ. Và, nhớ những chợ Tết xưa trên đất Thành Nam không thể không nhắc nhớ bến Đò Chè với khu chợ sầm uất được mở ven sông Đào. Nơi đây lưu dấu ấn hoạt động thương mại của 2 con tàu Trưng Trắc, Trưng Nhị do nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi làm chủ. Cũng chính ông góp một phần giúp cho giao thương đường thủy Nam Định một thời “lên ngôi” với thuyền bè đêm ngày tấp nập. Chợ Đò Chè nổi tiếng với nhiều sản vật quý như: nước mắm Sa Châu ngon nức tiếng, ngoài ra còn có tơ lụa Cổ Chất, vải dệt Phương Định, nái Quần Anh, chiếu cói Liêu Hải, gạo nếp Bắc Hải Hậu, gạo tám Xuân Đài… Chợ Đò Chè còn là nơi bà con nhiều vùng trồng hoa các huyện ngoại thành thường gánh hoa tươi mang vào bán. Bởi Tết nhất định phải có hoa. Trong tiết trời bảng lảng sương giăng, trong cái lạnh se sẽ từ mặt nước sông bốc lên; lòng trẻ con, trai gái reo vui vì những sắc hoa đào, hoa mai rực rỡ. Lòng những nông phu bình dị cũng ấm lên khi ngắm nhìn những bông thược dược cánh to và dày đượm màu ngũ sắc, những bông cúc đại đóa vàng rực cả một chợ của các bà, các chị vùng Điền Xá, Mỹ Tân... Màu hoa, hương hoa ấy thắp sáng những ngôi nhà nhỏ còn sơ sài, mang không khí xuân ấm áp giúp xua tan đi bao mệt nhọc, lo toan đời thường. Và đã đi chợ Tết, dân Thành Nam không thể không đến chợ Rồng. Phiên chợ giáp Tết ở chợ Rồng thường không có chỗ len chân với những sản vật đa dạng, vải vóc tơ lụa, thực phẩm, lương thực và những hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân hằng ngày. Xuôi xuống phía nam, chợ Chùa Nam Giang với những hàng ngô, khoai, cây cảnh, rau màu và hàng cơ khí nông cụ truyền đời. Chợ Cổ Lễ nổi tiếng được mở ven sông Hồng ở huyện Trực Ninh. Dân các vùng ven sông Ninh, sông Hồng và sông Đào mang những nông sản, hoa, cây cảnh về xếp dãy ngồi bán. Đất Vụ Bản nổi tiếng với những chợ Gôi, chợ Trung Thành, chợ Kim Thái và đặc biệt nhất là phiên chợ Viềng “cầu may” đầu năm. Dù xa xôi, các bà, các mẹ, các chị cũng cố tìm đến chợ Hành Thiện, Xuân Trường chọn mua vải dệt Hành Thiện, rau màu ven sông Hồng, gạo Tám thơm Xuân Đài. Và còn các “đấng mày râu” thì thích mê thứ rượu Kiên Lao ở chợ Kiên Lao uống vào thơm, êm nhè nhẹ được chưng cất từ bàn tay đảm đang, lành nghề của người dân xứ này. Giao Thủy từ xa xưa vốn có chợ Sa Châu và chợ Bể hằng ngày chất đầy hải sản tươi ngon. Hải Hậu có chợ Đông Biên, Quần Anh,  Cồn, Yên Định, Thượng Trại, Thịnh Long..., khách đến tha hồ mua hải sản của dân vạn chài, vải vóc, tơ lụa và các loại thực phẩm khác. Đến chợ Liễu Đề, Hải Lạng, Quần Liêu (Nghĩa Hưng), khách muốn mua một đôi chiếu đẹp về dựng vợ gả chồng cho con có thể tìm mua chiếu Liêu Hải, hay mua nón Bài Thơ của làng Đào Khê tặng nhau… Chừng ấy chợ là chừng ấy những sản vật, những kỷ niệm, háo hức của bà ta, mẹ ta, của ta những ngày đi chơi chợ Tết. 
 
Nhớ chợ Tết xưa đẹp như thơ trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng: “chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem… chợ Tết”. Ngày nay, cùng với nhịp sống hối hả của xã hội, cái Tết hầu như không còn chộn rộn được nữa. Đó là những cái Tết của đồ ăn được chế biến sẵn có thể dễ dàng tìm mua tại các siêu thị, các khu chợ hiện đại. Thậm chí, thích gì ta có thể tìm hiểu trước trên mạng rồi đặt hàng, sẽ có người đưa đến tận nhà. Không cần cầu kỳ ngồi canh lửa nấu bánh chưng ta cũng có vài cặp bánh vuông thành sắc cạnh để trên bàn thờ. Cần mâm ngũ quả đã có người bày sẵn. Con gà luộc để cúng giao thừa, người bán mang đến tận nhà, bà nội trợ chỉ cần bật sẵn bếp gas đun nước nóng nhúng lại… Có lẽ vì thế ngày nay người ta ít háo hức với Tết, nhất là lớp trẻ ít có khái niệm về một phiên chợ Tết, không có cái tâm trạng háo hức chờ Tết đến. Chúng cũng không biết nhiều về tục lệ những ngày Tết. Thú chơi chợ Tết vì thế càng xa xỉ. Những hàng ông đồ cho chữ vốn nhộn nhịp người lớn, trẻ con trong Tết xưa giờ là “hình ảnh minh họa” trong thời buổi hiện đại. Những món đồ chơi thơ trẻ mê mẩn một thời như tò he, rối nước… giờ cũng chỉ còn là món đồ “trưng bày”. Khó để tìm thấy “một nơi tâm tình, hò hẹn” cho các đôi trai gái giữa buổi chợ phiên như trong ca dao: “Trai khôn kén vợ chợ đông. Gái ngoan tìm chồng trong buổi chợ phiên” (Ca dao Nam Định). Và vì thế, cảm giác hân hoan ngắm nghía những trò, những hội còn đẫm chất dân gian xen giữa gánh gồng nơi góc chợ quê hương cũng không còn. Thói quen mất đi, niềm vui vơi dần nên những lễ nghi thiêng liêng cũng phai nhạt. Các tục lệ đón Giao thừa, làm mâm cỗ cúng, hàng xóm láng giềng qua lại chúc tụng, thăm hỏi cũng nhạt dần… 
 
Sống chậm lại, bớt ồn ã, cùng với mẹ với bà đi một chợ phiên ngày Tết; phải chăng cũng là cách để tìm về nguồn cội. Bởi trong linh thiêng tâm thức người Việt, những phiên chợ Tết vẫn là một phần của phong tục, tập quán ăn rễ lâu bền./.
 
Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com