Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội xuân ở Vụ Bản

09:02, 15/02/2016
Huyện Vụ Bản có hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Vào mỗi dịp xuân về, tại các di tích lịch sử - văn hóa, hàng chục lễ hội được tổ chức, trong đó có nhiều lễ hội quy mô lớn như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ hội Phủ Dầy… Các lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt với nhiều nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo.
Thi đấu cờ người trong Lễ hội Phủ Dầy.
Thi đấu cờ người trong Lễ hội Phủ Dầy.
Du khách đến với các lễ hội ở Vụ Bản được chứng kiến các trò chơi, sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống với sự tham gia sôi nổi của người dân địa phương. Nói đến lễ hội xuân ở Vụ Bản, trước hết phải kể đến lễ hội Chợ Viềng xuân “Năm có một phiên” gắn với di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy - trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Người dân đến hội trước khi vào chợ mua sắm lấy may, mong cho một năm làm ăn phát đạt, thường đến thắp hương tại các đền, phủ. Chợ Viềng xuân được tổ chức vào đêm mùng 7 sáng mùng 8 tháng Giêng trở thành một lễ hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng châu thổ sông Hồng. Mỗi năm, chợ Viềng thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương về du xuân, mua sắm chơi hội. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch. Đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương được dự các nghi lễ trang trọng như: rước thỉnh kinh, Hoa trượng hội, được thưởng thức nghệ thuật hát chầu văn đặc sắc, xem múa lân, sư, rồng, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Hoa trượng hội là một hoạt động văn hóa đặc trưng tại lễ hội Phủ Dầy với sự tham gia của hàng trăm thanh niên, trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng cũng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Chữ được xếp thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào kết quả của việc xin lễ âm dương tại Phủ Thông (xã Trung Thành). Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… đều thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa hoặc ngợi ca công đức của Thánh Mẫu. Trong lễ hội Phủ Dầy còn diễn ra một nghi thức đặc biệt khác là nghi lễ rước đuốc vào tối 5-3 âm lịch. Theo người dân nơi đây, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan đi điềm xấu, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Ngoài ra ở các địa phương trong huyện, nhiều lễ hội làng được mở ra, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian ở một vùng đất cổ. Ở xã Thành Lợi, tín ngưỡng dân gian lâu đời ở các làng đã hòa nhập với tín ngưỡng tôn giáo tạo nên những nét thuần phác trong phong tục, tập quán ở các lễ hội nơi đây. Làng Đồng Mỹ vào hội bao giờ cũng tổ chức thi đấu vật. Làng Bách Cốc vào đám tổ chức rước thần từ “đám hát” về Đền. Lễ hội làng An Nhân tổ chức thi mâm cá lễ thần giữa các giáp; cá được chọn phải to nhất, khi nướng chín phải đều và không bị vỡ. Khi lễ thần xong, làng tổ chức chấm thi và trao giải. Làng Quả Linh, (còn gọi là làng Gạo) có hội Thái Bình Xướng Ca, tổ chức 3 năm 1 lần, kỷ niệm sự kiện Vua Trần thắng trận. Trước ngày chính hội, làng chuẩn bị đóng rạp, kéo cờ, tập tế, kén trai gái rước thần, rước tổ, sau đó diễn ra các hoạt động tế lễ, đàn hát, vui chơi, thu hút đông đảo dân làng tham gia. Qua các lễ hội làng, nét văn hoá đặc sắc của xã Thành Lợi được bảo lưu. Lễ hội làng Xứng, xã Liên Bảo diễn ra từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Nét nổi bật của lễ hội làng Xứng là mọi đồ thờ tế tự đều được làm bằng rơm. Trước khi vào hội, mỗi dòng họ chuẩn bị đan, tết những linh vật như long, ly, quy, phượng, hình nhân xay lúa, giã gạo, cây cảnh, cổng chào... bằng rơm. Làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào hiện còn giữ nhiều tín ngưỡng nguyên sơ như tục thờ bản thổ thành hoàng. Vào ngày Tết, ngày hội làng, mọi nhà trong làng đều dùng rơm bện lại quấn quanh cây tre, cây bương để dựng cây nêu, hay cắm cột treo đèn treo cờ dọc đường lễ hội rước qua và làm cổng chào bện bằng rơm trong ngày lễ hội. Làng còn giữ được tục rước đuốc đêm giao thừa nhằm tưởng nhớ vị tướng Phạm Phúc Quảng và quân sĩ đánh thắng giặc Chiêm Thành. Vào ngày lễ khánh hạ mùng 2 Tết Nguyên đán, làng có lễ vật độc đáo là chiếc bánh chưng lồng. Nhiều lễ hội có các trò chơi dân gian tiêu biểu như: thi nấu cơm ở lễ hội các làng Thượng Linh, Bối La, Thái La, xã Cộng Hòa; thi chọi gà, múa cờ ở lễ hội đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng; thi làm cỗ, hát chèo, hát ca trù, đánh cờ người, chơi đu, múa rồng ở lễ hội đền Giáp Nhất, xã Quang Trung. 
 
Để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân gian trong các lễ hội mùa xuân, hằng năm, huyện Vụ Bản đã bám sát quy chế mở hội; xây dựng chương trình lễ hội sát thực, cụ thể; gắn lễ hội với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của di tích cho nhân dân và khách thập phương về dự hội; đảm bảo an ninh trật tự và cảnh quan môi trường văn hóa trong lễ hội. Những năm gần đây, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội… Nhiều địa phương đã thành lập các CLB văn nghệ, CLB thể thao dân gian duy trì sinh hoạt thường xuyên, trở thành nòng cốt biểu diễn, thi đấu trong các lễ hội; tiêu biểu như các CLB: múa rồng xã Vĩnh Hào, chèo xã Hợp Hưng, hát văn Kim Thái; CLB cờ tướng ở các xã Quang Trung, Thành Lợi, Liên Bảo; các CLB võ thuật kết hợp với vật cổ truyền ở xã Trung Thành, Kim Thái, Thị trấn Gôi… Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân Vụ Bản trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương thông qua công tác bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương./.
 
 Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com