"Đầu năm mua muối…"

09:02, 05/02/2016

Theo quan niệm của người xưa thì vị đậm đà của muối đem lại may mắn cho gia đình. Bởi vậy dân gian từ lâu đã có tục mua muối đầu năm với mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc. Có cầu ắt có cung, cứ vào dịp chuẩn bị bước sang năm mới, những người bán muối cầu may lại tất bật với công việc của mình.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Về Hải Lý (Hải Hậu) trong những ngày giáp Tết, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp của diêm dân chuẩn bị cho việc bán muối đầu năm. Để đáp ứng nhu cầu mua muối của nhân dân trong những ngày này, sau ngày mùng 1 Tết, dân Hải Lý lại nô nức tỏa đi khắp nơi bán muối. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lựu, xã Hải Lý cho biết: “Chẳng biết nghề bán muối trong dịp Tết của người dân trong xã có từ bao giờ. Chỉ biết từ khi tôi sinh ra cho đến giờ, năm nào những diêm dân lam lũ quê tôi cũng đi bán muối vào dịp Tết”. Để chuẩn bị cho công việc bán muối Tết, trong năm, bà Lựu đã “lên kế hoạch”, lựa chọn những đợt muối “ngon”, tinh, được nắng để dành lại. Sáng mùng 2 Tết, bà dậy từ lúc 4 giờ, mang theo nào cân, các loại túi bóng có kích cỡ khác nhau để đựng muối. Dịp này, mỗi ngày bà có thể bán được hàng tạ muối. Chợ xa, chợ gần, trong ngoài tỉnh, bà Lựu đều đã từng có mặt. Cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ, cà tàng, bà Lựu từng đi khắp các chợ Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), chợ Cồn, chợ Thịnh Long (Hải Hậu)…, thậm chí, bà còn sang tận Ninh Bình để bán. “Chỗ nào mở chợ Xuân tôi cũng đi, không cứ là xa hay gần, miễn có thể bán được muối. Bởi, với diêm dân chúng tôi, không có gì để bán ngoài muối. Làm muối vất vả mà thu nhập không cao nên chúng tôi phải tranh thủ dịp  Tết để đi bán bởi những ngày này, giá muối thường được hơn ngày thường”. Bình thường, 1kg muối bà Lựu bán với giá 4.000-5.000 đồng nhưng những ngày Tết cũng với 1kg muối, bà Lựu có thể bán được từ 10 đến 15 nghìn đồng. Bà Lựu cho biết thêm: “2 năm trước đây, công việc bán muối ngày Tết của tôi rất thuận lợi, chỉ đến non trưa là tôi đã bán hết tạ muối nhưng năm ngoái, phải sang chiều tôi mới bán hết hàng. Năm nay, tôi hy vọng công việc của mình sẽ thuận lợi hơn, muối bán được giá để bù đắp lại cho 1 năm diêm dân làm lụng vất vả”. Khi chợ Xuân dần thưa khách, bà Lựu “vớt vát” lại bằng cách đạp xe rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán cho đến cân cuối cùng. “Giờ làm ăn khó khăn nên chúng tôi phải tranh thủ mọi thời điểm để bán”, bà Lựu tâm sự. Cũng như bà Lựu, chị Nguyễn Thị Dung, xã Hải Chính (Hải Hậu) cũng là người có thâm niên trong việc bán muối. Nhiều năm đi bán muối Tết, chị biết được địa điểm nào có thể “hút” khách. Theo đó, những ngày Tết, chị thường đến những khu vui chơi, giải trí ở trung tâm huyện để bán. “Tết đến, người người đều đổ về các trung tâm vui chơi giải trí. Họ đi đông, thường mua túi gạo, túi muối, bao diêm hay cành lộc để lấy may đầu năm. Vì thế, các mặt hàng này thường bán khá chạy”, chị Dung cho biết. Cũng theo chị Dung, mỗi người bán muối lại có cách “tiếp thị” riêng cho sản phẩm của mình. Người thì cho vào túi bóng, người thì cho vào túi vải đỏ xinh xắn. Riêng với chị Dung, 2 năm trở lại đây, chị không cho muối bán vào túi bóng nữa mà chuyển sang cho vào phong bao lì xì. Với mỗi phong bao lì xì, chị có thể bán 5.000-10.000 đồng. Bà Phan Thị Hồng, xã Hải Chính (Hải Hậu) lại có cách bán muối khác cũng “độc đáo” không kém. Bà thường chọn các địa điểm bán muối như chợ, cổng chùa hay nơi tổ chức lễ hội đầu Xuân. Không cần túi bóng, bao lì xì, bà gói muối vào các loại lá như lá dong, lá chuối, lá khoai… để bán. Bà cho biết: Bán hàng cũng là cái duyên, cái “may” của từng người. Tôi giờ già rồi không đi chợ xa được nữa nên cũng phải có cách bán hàng riêng. Người già đến mua muối, tôi đọc vài câu thơ chúc họ may mắn, có thêm nhiều sức khỏe, niềm vui, gia đình hòa thuận; người trẻ thì chúc công thành danh toại; người làm ăn buôn bán thì chúc mua may bán đắt, mọi sự tốt lành… Nhiều người trong chợ thấy hay lại ghé vào mua muối cho tôi. Có những khách quen còn “nhắc” tôi, năm nay bà có thơ mới tặng con không để con còn mua muối, bà Hồng cười vang kể chuyện. Vất vả vì phải đi chợ trong những ngày Tết nhưng muối cũng “bù đắp” lại cho người tảo tần. Chị Dung bảo, bán muối ngày Tết “sướng” hơn bán ngày thường rất nhiều. Không có ai mặc cả, không có ai trả lên, bớt xuống. Bởi, mua để lấy may, lấy lộc nên ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Năm ngoái, chỉ trong ngày mùng 2 Tết, chị Dung đã thu được hơn nửa triệu đồng từ việc bán muối. “Chỉ một dúm muối nhỏ mà bán 5.000 đồng nhưng không ai phàn nàn cò kè bớt một thêm hai, thậm chí nhiều người tiền thừa họ cũng không lấy mà mừng tuổi tôi luôn”, bà Hồng nói. Vui vẻ, phấn khởi với số tiền kiếm được, bao mệt mỏi, lo toan của các chị, các bà, các mẹ đều tan biến. “Do muối là gia vị quen thuộc của mỗi gia đình lại tích trữ được khá lâu nên chúng tôi không lo ế muối. Bán không hết thì lại cất đi trữ bán vào ngày thường. Nếu bán được nhiều thì càng vui còn không thì cũng không sao. Mình đi chợ nhiều khi cũng là do nhớ chợ, nhớ nghề và để “bán” cái may mắn cho mọi người”, những người bán muối đầu năm tâm sự với chúng tôi.
 
Ẩn chứa trong mình những khát vọng, mong ước về một năm mới an lành, tình thân mặn mà, xua đuổi điều xấu…, tục “đầu năm mua muối” tồn tại như một tín ngưỡng văn hóa đẹp đẽ của người Việt được truyền đời qua nhiều thế hệ. Qua đó góp phần giữ gìn những phong tục, tập quán hết sức độc đáo, riêng có của dân tộc Việt Nam./.
 
Văn Huỳnh
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com