Bộ VH, TT và DL vừa ban hành Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Đền Trần là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, cùng với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần, Chùa Phổ Minh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Đền Trần (gồm Lễ Khai ấn đầu xuân và Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận và vinh danh di sản văn hóa Trần và triều đại nhà Trần trên quê hương Nam Định.
Hằng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - chùa Phổ Minh có hai kỳ lễ hội là Lễ Khai ấn đầu xuân mang ý nghĩa tôn vinh triều đại nhà Trần và lễ hội tháng Tám tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cả hai kỳ lễ, lễ hội đều mang tính chất vùng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trong đó, Lễ Khai ấn đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời và đang ngày càng trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Đây là lễ hội thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba thời Trần có công với dân với nước bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính. Tại Lễ hội Trần tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch, nghi thức tế lễ tại Đền Trần mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã thu hút đông đảo nhân dân từ khắp các vùng, miền về dự. Lễ hội khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt thế kỷ 13 đã ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược. Thông qua các hoạt động của lễ hội đã khích lệ tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó các thành viên trong cộng đồng. Về dự Lễ hội Đền Trần, các du khách còn được tìm hiểu về lịch sử truyền thống vương triều Trần, đặc biệt là Hành cung Thiên Trường với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, các điền trang thái ấp của các vương tôn quý tộc, được coi như kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt sau kinh thành Thăng Long vào thế kỷ XIII-XIV, đồng thời, tìm hiểu về cách trị quốc an dân, những định hướng tư tưởng chính trị, quân sự, các chính sách quan trọng về đào tạo, trọng dụng nhân tài, chính sách trọng nông, khai hoang lấn biển… Đó cũng là những bài học, kinh nghiệm hữu ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nghi thức rước nước, tế cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2014. |
Thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, dưới sự chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh đã nghiên cứu, phục dựng nhiều nghi thức trong lễ hội xưa. Tại Lễ Khai ấn Đền Trần 2014, lễ rước nước và tế cá đã được phục dựng và đưa vào như là một thành phần quan trọng trong lễ hội tháng Giêng. Việc phục dựng nghi lễ rước nước, tế cá tại Lễ Khai ấn cũng được dựa trên việc tìm hiểu nghiên cứu các thư tịch cổ, tìm hiểu trong dân gian. Ông Trần Văn Chiến, Thủ từ Đền Trần cho biết: Trước kia, lễ rước nước diễn ra tại sông Hồng thuộc khu vực Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc. Do quá trình đổi dòng sông và đô thị hóa, nhánh sông này bị lấp. Hiện nay, địa điểm rước nước được lấy ngay từ giếng Rồng phía đông đền Cố Trạch. Mọi hoạt động trong nghi lễ rước nước, tế cá được ban tổ chức chuẩn bị từ trước đó hằng tháng. Đến ngày chính lễ 12 tháng Giêng, đoàn rước xuất phát từ đền Cố Trạch ra giếng Rồng để lấy nước. Đi đầu đoàn rước là đội cờ (40 người) gồm có cờ hội, cờ thần, cờ Trần triều. Tiếp theo là đội múa lân, sư, rồng, phường bát âm, kiếm ngựa. Theo sau kiệu rước nước, kiệu rước cá là đội đánh bắt cá với trang phục truyền thống và vật dụng mang theo như vó, lưới, dậm, nơm… Tiếp đến là đoàn chấp kích, bát bửu đi cùng kiệu Thánh và đội tế nam quan, đội tế nữ quan, quan viên, dân chúng. Cuối cùng đoàn rước là 40 cờ hội. Đoàn rước đi một vòng qua giếng Rồng. Khi kiệu dừng trước giếng, ông chủ tế cẩn thận phủ một tấm vải đỏ lên miệng choé nước. Bốn trai đinh giữ choé và khăn. Ông chủ tế thả một chiếc vòng tròn rộng khoảng 60cm xuống giếng rồi cẩn thận múc nước từ trong vòng tròn theo tiếng trống giục. Sau ba hồi trống giục thì kết thúc việc lấy nước. Với sự giúp đỡ của 4 trai đinh, ông chủ tế buộc miệng chóe và rước chóe nước lên kiệu.
Sau lễ rước nước là lễ đánh cá. Cá dùng để tế gồm cá “Triều đẩu” (cá quả) và “Long ngư” (cá chép). Cá được nuôi và chăm sóc theo cách thức truyền thống đối với các vật thờ. Cá được tuyển chọn kỹ, là các con khoảng 0,4 đến 0,5kg, khỏe, da trơn, mình chắc, nuôi đến trên dưới 1kg là có thể cung tiến được. Cá được nuôi trong ao đầm sạch, được cho ăn bằng các thức ăn giàu dinh dưỡng. Cá thờ được gọi bằng tên mang tính tôn nghiêm là Ông Cá. Gia đình nuôi Ông Cá phải là gia đình vẹn toàn hai bên, có đức, không có tang chở, được cộng đồng quý trọng.
Tại sân đền Thiên Trường, đội tế nam quan thực hiện nghi lễ dâng nước tế cá. Nước trong choé được chia đều sang ba chiếc bình, ông thủ từ đại diện ba đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa làm lễ rước nước về đền để thờ. Tiếp theo, ông chủ tế cùng đội tế chuyển cá từ thuyền rồng sang 2 thúng (thúng sơn đỏ), một thúng đựng cá chép, một thúng đựng cá quả. Đoàn rước tiếp tục thực hiện nghi lễ rước cá phóng sinh ra sông Hồng tại đoạn đê Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc. Nghi lễ rước nước, tế cá có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, ước mong hào khí Đông A mãi toả sáng, đồng thời thể hiện tinh thần khuyến ngư, nghề đánh bắt cá của triều Trần mãi phát triển, bờ cõi nước Việt mãi trường tồn.
Đối với Lễ hội Trần tổ chức vào tháng 8 âm lịch, phần lễ và phần hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thiên Trường thờ 14 vị Vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa. Ngày 20-8 âm lịch tiến hành nghi lễ dâng hương nhân kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong không khí linh thiêng hương trầm lan tỏa, du khách thập phương thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng ôn lại những áng thiên cổ hùng văn bất hủ của Người như: “Vạn Kiếp Bí Tông Truyền thư”, “Binh Gia Diệu Lý yếu lược” và “Hịch Tướng sĩ”. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như những hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian: múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, đấu vật, tổ tôm điếm…
Những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo đã tạo cho Lễ hội Đền Trần trở thành “ngày lịch” của mọi người, mọi nhà cùng tìm về quê hương của vương triều Trần để tỏ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam tự bao đời nay./.
Bài và ảnh: Việt Thắng