Vinh danh những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

09:12, 26/12/2014

Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân Ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực từ ngày 7-8-2014 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Ngày 5-12-2014, tỉnh ta đã thành lập Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh; đến nay, có 7 cá nhân gửi hồ sơ xét duyệt danh hiệu NNƯT.

Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến - nơi phát tích và bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính chất “đặc sản”, độc đáo, trong nhiều năm qua, các nghệ nhân dân gian trong tỉnh đã âm thầm truyền dạy, giữ lửa để gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là những nghệ nhân trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc và sân khấu truyền thống như chèo, chầu văn, ca trù, xẩm đã dồn tâm huyết bảo tồn môn nghệ thuật của cha ông để lại, đưa di sản văn hoá phi vật thể ngày càng đi sâu, lan rộng, bám rễ trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân, tạo môi trường lưu truyền, gìn giữ di sản. Nghị định 62 của Chính phủ được triển khai là niềm vui cho những nghệ nhân có cống hiến cho sự phát triển trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân Đỗ Đình Thọ (Hội VHNT tỉnh) là 1 trong 7 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú".
Nghệ nhân Đỗ Đình Thọ (Hội VHNT tỉnh) là 1 trong 7 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú".

Trong 7 cá nhân gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT, có nhiều cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, trao truyền, phát triển và phát huy các loại hình âm nhạc dân tộc và là nhân tố trong phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương. Tiêu biểu là các cá nhân: Đỗ Đình Thọ (Hội VHNT tỉnh); Hồng Nhung, Xuân Thịnh (Giao Thủy); Đinh Thạch Biên (Hải Hậu); Trần Viết Trường (Vụ Bản), Quang Lộc (Ý Yên). Trong phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta, đội chèo xã Hải Châu (Hải Hậu) không chỉ nổi danh với các nghệ sĩ đồng quê “hát hay, đàn giỏi” cùng nhiều vở chèo “tự biên, tự diễn” có nội dung sâu sắc, được đông đảo nhân dân trong vùng yêu thích, mà còn là một trong những điểm sáng về hoạt động văn nghệ quần chúng của huyện và của tỉnh. Người “giữ lửa” cho nhịp chèo Hải Châu là ông Đinh Thạch Biên với hơn 30 năm làm đội trưởng. Những năm tháng tuổi thơ theo cha là cụ Đinh Văn Tỉnh cùng đội chèo địa phương tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội làng đã hun đúc trong ông những điệu chèo cổ, chơi thành thạo các nhạc cụ như sáo, nhị, đàn bầu, đàn nguyệt. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, 9 năm chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Tây Nguyên, ông Biên được coi là “cây văn nghệ” của đơn vị C3, Trung đoàn 49. Sau mỗi trận đánh ác liệt, những phút giải lao, mỗi lần tiếng sáo của ông cất lên, các chiến sĩ trong đơn vị được đắm mình trong những giai điệu gợi nhớ quê hương, tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan, vượt qua mọi khó khăn nơi “túi bom, vựa đạn”, cùng động viên nhau vững tâm, bền trí đánh giặc giải phóng quê hương. Năm 1976, xuất ngũ trở về địa phương, ông Biên được giao phụ trách đài truyền thanh của xã, kiêm đội trưởng đội văn nghệ. Niềm say mê với nghệ thuật chèo là động lực khiến ông tận tuỵ tập hợp anh em nhạc công, tìm kiếm và truyền nghề cho diễn viên trẻ. Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền, vừa chỉ huy dàn nhạc, ông Biên còn sáng tác gần 30 vở chèo ngắn, hoạt cảnh với nhiều đề tài. Những vở diễn do ông sáng tác phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, trong đó xây dựng thành công những gương sáng, nhân tố mới trên các mảng đề tài, lĩnh vực: thương binh, liệt sĩ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới, công tác dân số - KHHGĐ… Tiêu biểu là các vở: “Hạt giống quê hương”, “Tìm lại mộ cha”, “Câu chuyện nhỏ làng tôi”, “Mái ấm tình thương”, “Giỏi chèo khéo chống”, “Chỉ giới con đường”. Hơn 30 năm trên cương vị đội trưởng, ông Đinh Thạch Biên cùng với các anh chị em trong đội chèo Phú Vân Nam không ngừng phát huy và gìn giữ nghệ thuật chèo quê hương, góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, văn nghệ của bà con địa phương.

Anh Trần Quang Lộc, chủ nhiệm CLB nghệ thuật chèo truyền thống huyện Ý Yên là 1 trong 7 cá nhân gửi hồ sơ xét tặng danh hiệu NNƯT. Trong suốt 30 năm gắn bó với chiếu chèo, anh đã giành nhiều giải thưởng trên cả 3 tư cách, tác giả kịch bản, diễn viên xuất sắc, đạo diễn ở các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực. Năm 2000, anh được Bộ VH, TT và DL tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”. Sinh năm 1954 tại xã Giao Hà (Giao Thủy), anh Xuân Thịnh trưởng thành từ một gia đình có truyền thống về hát chèo, hát văn, ông cụ thân sinh một thời là trưởng gánh hát làng Hoành Nhị. Anh có chất giọng trầm, ấm và vang, từng đạt danh hiệu Giọng nam hay nhất Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nam Định năm 2002. Anh cũng đã tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh và đã giành được 11 Huy chương các loại (7 HCV, 4 HCB), được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa”. Xuân Thịnh không chỉ thành công bởi các vai diễn mà còn chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc như trống chèo, trống ban, trống đế, thanh la. Sinh ra từ mảnh đất Giao Hà (Giao Thủy), từ năm 1986 chị Hồng Nhung đã là hạt nhân văn nghệ xuất sắc của đội văn nghệ xã Giao Hà. Chị Hồng Nhung hội tụ đầy đủ các tố chất của người nghệ sĩ hát dân ca với chất giọng đầy, ấm, vang rền, nền nẩy cùng nét duyên thôn nữ mặn mà đã giúp chị thành công trong nhiều vai diễn. Những năm 1985-2000, chị cùng với chồng là nghệ sĩ Thanh Bẩy đảm nhận hầu hết các vai nam, nữ chính trong các vở chèo mà đội văn nghệ xã Giao Hà dàn dựng và đi biểu diễn khắp các địa phương trong huyện như: Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Trương Viên, Nàng Xi-ta... Những năm qua, chị Hồng Nhung cũng đã tham gia nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp, đạt nhiều giải thưởng. Tính đến nay, chị đã được tặng 8 HCV, 4 HCB, 2 Bằng khen của Bộ VH, TT và DL, nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ VH, TT và DL. Năm 2007, Hồng Nhung tham gia Liên hoan dân ca toàn quốc, được tặng thưởng HCB và được phong danh hiệu Nghệ nhân hát dân ca. Hiện nay, chị là hạt nhân văn nghệ nòng cốt của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Giao Thủy.

Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015 sẽ tổ chức xét và hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ VH, TT và DL. Đây là dịp nhằm tôn vinh những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com