Ở nông thôn, hầu như nhà nào cũng có một giàn gấc. Cây gấc phủ xanh bờ rào, tường nhà, mái rạ và cứ mỗi mùa đông, cả giàn gấc lại thắp lên màu đỏ ấm áp như những chiếc đèn lồng rực rỡ.
Ảnh: Internet |
Cây gấc dễ trồng, ít sâu bệnh, không phải chăm sóc nhiều, lại cho quả màu sắc tươi đỏ như son, làm đẹp thêm các món xôi, món bánh ngày lễ, tết. Mùa xuân, mưa bụi lây rây, chỉ cần chọn những cây gấc quả to, sai quả, dầy cơm, cắt lấy vài đoạn cành bánh tẻ giâm xuống đất cho ra rễ là có thể mang trồng. Còn nếu trồng bằng hạt thì hạt phải được mài mỏng đi mới dễ nảy mầm. Nhà tôi có giàn gấc nếp trồng ngay lối ngõ ra vào. Cứ đến mùa hè, chỉ sau mấy trận mưa rào, những ngọn gấc mập mạp, khỏe khoắn đã vươn kín mặt giàn. Những bông hoa vàng nhạt như màu nắng mới nổi bật trên nền lá xanh thẫm. Rồi từng quả non thi nhau nhú ra và dần phổng phao qua mưa nắng thời gian. Chẳng biết có phải do ngày 5-5 âm lịch hằng năm, mẹ hay sai chúng tôi cầm roi ra “tra khảo” cây gấc hay không mà năm nào, giàn gấc cũng sai trĩu trịt. Bố tôi phải đan những chiếc giỏ tre, lồng vào những quả to, nặng, buộc lên giàn cho khỏi gẫy. Trong nắng hanh vàng tươi rót mật, những quả gấc chuyển dần từ xanh đậm sang vàng cam rồi đỏ tươi. Chúng tôi thích nhất là lúc được giúp mẹ thu hoạch quả. Mẹ bắc ghế, cắt từng quả gấc đỏ au, các con đứng dưới đỡ lấy, nhẹ nhàng xếp vào thúng đã lót rơm. Mẹ chọn những quả to, đẹp nhất treo lên gác bếp, để dành đến Tết đồ xôi, gói bánh chưng, bánh nếp và dùng dần trong năm mỗi dịp giỗ chạp, còn lại sai chúng tôi mang đi biếu hàng xóm mỗi nhà một quả. Bữa tối hôm ấy, mẹ thế nào cũng đồ một chõ xôi gấc thơm lừng và béo ngậy đãi cả nhà. Những chiếc hạt đen nhánh, viền răng cưa khi ăn xôi xong cũng chẳng bỏ đi mà dành làm đồ chơi cho trẻ con hoặc làm thuốc. Ngày chúng tôi còn bé, cứ đứa nào bị mụn nhọt, sưng quai bị là bà tôi lại chặt đôi hạt gấc, mài với rượu hoặc giấm để bôi lên chỗ sưng tấy, chỉ mấy ngày là khỏi. Cuối mùa đông, khi đã thu hoạch xong quả, lá cây rụng hết, ông tôi cắt các dây gấc bò trên mặt giàn, chỉ để lại đoạn gốc dài chừng nửa mét để sang xuân gốc nảy chồi mới. Ông còn cẩn thận chặt những cây tre già, chống lại giàn cho vững chãi.
Bao năm rồi, gốc gấc bên lối ngõ nhà tôi ngày càng phình to, già cỗi. Chỉ những chồi non bụ bẫm vẫn bật lên mạnh mẽ mỗi lúc xuân về, hứa hẹn một mùa quả bội thu./.
Lam Hồng