Đề tài người lính sau chiến tranh trong truyện ngắn của các tác giả Nam Định

09:12, 24/12/2014

Trong suốt những năm tháng hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hình tượng người lính đã trở thành chủ thể và đối tượng sáng tạo chủ yếu của văn học Việt Nam. Đã có biết bao áng văn, thơ viết về Bộ đội Cụ Hồ - những con người quả cảm, dám hy sinh thân mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc, làm nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử nước nhà. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng đề tài người lính vẫn là mạch nguồn cảm hứng được nhiều nhà văn, nhà thơ tiếp nối, trong đó có các tác giả Nam Định, góp phần làm nổi bật hơn phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tác giả Nguyễn Đức Hòe có nhiều truyện ngắn về đề tài người lính sau chiến tranh như: “Người nuôi ong”, “Hai người đàn bà”, “Bóng mát’, “Thầy giáo Nguyên”, “Giám đốc lò”, trong đó “Giám đốc lò” đã được nhận giải thưởng tại cuộc thi viết về “Ký ức Trường Sơn” năm 2013 do Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn Việt Nam tổ chức. Truyện ngắn “Hai người đàn bà” kể về nhân vật Sao. Như bao thanh niên thuở ấy, trước khí thế cả nước phơi phới lên đường chống Mỹ, vừa học xong lớp y tá cấp tốc, Sao vào thẳng chiến trường. Trong lần đi hái rau tàu bay cho thương binh cải thiện, cô bị bom đánh rơi xuống suối và được Hải - người lính trinh sát cứu sống. Tình yêu nảy nở sau một đêm khi cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống, nước suối dâng cao, họ không thể trở về đơn vị. Sau chiến tranh, trở thành sinh viên sư phạm, dịp nghỉ hè nào, cô cũng đi khắp nơi tìm mộ người yêu. Và sau này khi cô lập gia đình, Hiếu chồng cô, cũng là một bác sĩ trưởng thành từ người lính Trường Sơn, khi biết chuyện của vợ đã cùng cô lặn lội khắp nơi đi tìm mộ Hải. Câu chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi sự đan xen giữa quá khứ hào hùng của chiến tranh và sự nhân ái, tình người, tình đồng đội trong cuộc sống hiện tại qua dòng hồi ức của Sao và mẹ Hải trên chuyến tàu đưa hài cốt của anh về đất mẹ. Truyện ngắn “Người nuôi ong” cũng là một câu chuyện cảm động về Đức - một người lính Trường Sơn từng chiến đấu trong khu rừng bị Mỹ rải chất độc da cam. Đức bị thương và bị nhiễm chất độc chết người này nên luôn mặc cảm, tự ti trong cuộc sống và tình yêu, không dám mơ đến một mái ấm gia đình. Anh đã bỏ quê hương đến với những cánh rừng có nhiều hoa để nuôi ong, lấy tiền ủng hộ các cháu bị nhiễm chất độc da cam, đồng thời để quên đi những thú vui đời thường. Câu chuyện nhẹ nhàng mà ám ảnh với cách dẫn chuyện chậm rãi, từng bước hé lộ những phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ: Dù bản thân đang mang trong mình những nỗi đau, nhưng họ luôn nhận phần hy sinh, thiệt thòi về mình, tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng những việc làm tốt đẹp. Tác giả Nguyễn Bổng với truyện ngắn “Tập kỷ yếu dang dở” đã khắc họa thành công những chân dung đầy cá tính của đồng đội trong Hội những người lính của huyện Hải Hậu và huyện Trực Ninh cùng nhập ngũ ngày 28-8-1969. Ngày lên đường đi B, họ có cả thảy 113 người. Sau chiến tranh, người hy sinh, người phân tán, người chuyển ngành, cho đến ngày trở về với cuộc sống đời thường và thành lập Hội chỉ còn 25 người. Tập kỷ yếu về họ còn dang dở bởi vết thương tái phát và bệnh tật khiến cho nhiều người trong số họ tiếp tục ra đi. Nhưng cái còn đọng lại mãi là tình cảm của những người lính đã cùng nhau sẻ chia bao khó khăn, thiếu thốn khi bị địch càn, xiết chặt vòng vây trong cảnh mưa rừng, bom đạn, sốt rét, cạn kiệt lương thực… Họ đã sát cánh bên nhau, kiên cường chiến đấu, hy sinh anh dũng trong chiến tranh và khi hòa bình tiếp tục gắn bó, động viên, sẻ chia với nhau những vui, buồn. Tác giả Nguyễn Văn Soạn cũng có nhiều tác phẩm viết về đề tài người lính trong những năm chống Mỹ như “Người lái đò”, “Phía sau”, “Hai mươi năm trước”, “Điệu xòe”. Truyện ngắn “Hai mươi năm trước” là câu chuyện về cuộc đời, số phận của Mai - một nữ thanh niên xung phong. Từ Trường Sơn trở về hậu phương với cái thai trong bụng, cô phải chịu biết bao tủi hờn, cay đắng và dị nghị của người đời. Hai mươi năm sau, người yêu của cô tìm về, nhưng cô đã mất, mang theo những bí mật về cha đứa trẻ. Anh vẫn lặng lẽ coi đó là giọt máu của mình, ở vậy tằn tiện nuôi con bằng đồng lương thương binh 4/4 và thu nhập từ mảnh vườn nhỏ. Tác giả Phạm Vũ Lạng trong truyện ngắn “Vân” kể về số phận thiệt thòi của nữ trung đội trưởng thanh niên xung phong quả cảm. Gia đình ở quê bị giết hại sau một trận ném bom của Mỹ, Vân trở về sau chiến tranh, bị sốt đến trọc đầu, không thể sinh con do bị nhiễm chất độc da cam. Người đọc trào dâng niềm thương cảm cho cô - người đã ngàn lần đối mặt với cái chết để giành lại sự sống cho mọi người, nhưng hạnh phúc riêng của mình thì cô lại không bao giờ có được. Ngoài ra, cùng mảng đề tài người lính sau chiến tranh còn phải kể đến các truyện ngắn “Đêm ấy có nguyệt thực” của Mai Tiến Nghị, “Bao giờ sông Châu có bờ” của Đặng Huy Hải Lâm, “Người trở về”, “Những ngày tháng bảy” của Phạm Vũ Lạng… Nhìn chung, các tác giả văn xuôi Nam Định khi khai thác đề tài người lính sau chiến tranh thường tập trung vào những thân phận, cảnh ngộ, những mất mát, hy sinh thầm lặng của người lính và người thân của họ. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn vững vàng, kiên cường vươn lên trong cuộc sống, giữ trọn phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Dù chưa có nhiều các tác phẩm, tác giả thực sự nổi trội ở mảng đề tài người lính sau chiến tranh, song qua các truyện ngắn của một số tác giả văn xuôi Nam Định cho thấy, đề tài này vẫn được nhiều nhà văn tâm huyết, ấp ủ với mong muốn có được những tác phẩm lay động được tâm hồn người đọc. Sau chiến tranh, vẫn còn rất nhiều người lính, gia đình người lính phải chịu những mất mát, đau thương. Và trong công cuộc xây dựng đất nước gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay, có biết bao người lính vẫn đang bám trụ nơi biên giới, hải đảo, kiên cường bảo vệ Tổ quốc, tham gia phòng, chống thiên tai, xuyên rừng đi tìm hài cốt đồng đội và nhiều người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ… Hiện thực đó là nguồn tư liệu phong phú và sống động để các nhà văn, nhà thơ tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm chân thực và xúc động về người lính, tạo thành một mạch nguồn tiếp nối những thành công của văn học thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ ở mảng đề tài này./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com