Cây dong riềng trước đây được trồng ở khắp nơi, bởi đó là thứ cây “cứu đói” người dân ở các vùng quê mỗi đận mất mùa, đói kém. Cây cho nhiều củ, lại chẳng kén đất trồng. Dọc các bãi đất trống ven đường, quanh vườn nhà và cả những gồ đất giữa cánh đồng đâu đâu cũng một màu lá dong riềng xanh mướt bao phủ.
Ảnh: Internet |
Cứ vào khoảng giữa mùa xuân trở đi, những củ mầm làm giống được vùi xuống đất ẩm. Chẳng cần tưới tắm, chăm sóc nhiều, cây dong riềng vẫn vươn lên mạnh mẽ, cả ở những nơi đất đai cằn cỗi. Những búp lá ban đầu cuộn lại như những chiếc kèn, sau mở xòe ra, to bằng chiếc quạt mo. Những lúc thiếu lá dong gói bánh chưng ngày Tết, lá dong riềng cũng được cắt về, làm lá độn; còn thường ngày ở chợ, các bà, các mẹ dùng để gói xôi, gói cốm, đùm bún… bởi lá có mùi thơm ngai ngái dễ chịu, lại giữ cho thực phẩm tươi lâu. Thân cây dong riềng rất giòn, mềm, dễ gẫy nên cứ vào tháng bảy, tháng tám âm lịch, người dân quê tôi thường phải vun đất quanh gốc hoặc buộc túm mấy khóm lại với nhau để cây có sức chống chọi với gió bão. Tùy giống cây củ đỏ hay củ trắng mà lá có màu xanh đậm, mép viền đỏ tía hoặc xanh non nõn nà và hoa thì đỏ tươi hoặc vàng cam rực rỡ. Từ cuối hè, những mầm hoa nhọn hoắt như những ngón tay búp măng nhú ra nơi ngọn cây, rồi những bông hoa nhỏ xinh nở cong từng cánh mềm mại, khoe sắc tươi thắm khắp vườn, ruộng. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn ngày trước, có đứa nào lại chưa từng một lần ngắt cành hoa dong riềng và hút chút mật ngọt ngào, thoảng thơm đọng nơi cuống hoa rồi xuýt xoa với nhau. Cuối đông, khi những bông hoa như đốm lửa ấm áp cháy rực lên lần cuối rồi rũ xuống, đám lá cũng bắt đầu úa vàng trong giá lạnh, đó là lúc đến mùa thu hoạch củ. Người dân quê tôi cắt từng cây tới gần sát gốc, rồi nhẹ nhàng bới đất xung quanh thành khoảng rộng, tránh không để củ bị mấp. Củ dong riềng mọc ngang nên không cần đào sâu là đã nhấc lên cả một chùm củ to như chiếc nón. Nhà nào cũng chọn lấy vài khóm củ to đều, để nguyên đất làm giống cho mùa sau, còn lại rửa sạch, cắt hết rễ bám xung quanh trước khi chế biến. Những năm đói kém, củ dong riềng luộc ăn thay cơm. Tuy có vị ngọt và bở do nhiều tinh bột nhưng chỉ có lũ trẻ chúng tôi mới thích thứ củ ăn nhiều chỉ tổ nóng ruột đó. Còn phần nhiều, củ dong riềng được dùng làm bột. Ban đầu, cả nhà tôi phải đứng mài củ bằng tấm nhôm đục lỗ, gắn trên cái bàn gỗ. Về sau, ông bà nội tôi sắm được cái máy xay bột dong riềng đạp chân nên công việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần cho củ vào máy, ngồi đạp chân như dệt cửi, củ tự rơi vào guồng, xoay tròn quanh trục và được xay nhuyễn. Từng xô bột trắng ngà được đổ đầy nước vào quấy đều, để bột lắng xuống, bã nổi lên trên thì gạn hết bã đi. Cứ làm nhiều lần như vậy, bột trắng tinh thì mang ra bỏ vào nia, phơi nắng cho đến khi tảng bột khô rạn chân chim, vỡ thành từng miếng nhỏ. Bột dong riềng được bán cho làng nghề làm miến, làm nên thứ miến dong trong, sánh, dai và thơm mà chúng tôi ngày trước thường chỉ được ăn những dịp giỗ, Tết.
Bây giờ về quê vào mùa đông vẫn bắt gặp những đám hoa dong riềng rực rỡ. Nhưng củ dong riềng thì chẳng còn mấy đứa trẻ con thích thú như chúng tôi thuở quê nghèo còn lam lũ, nhọc nhằn./.
Lam Hồng