Thành phố Nam Định có 16 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, gồm Đền Trần - chùa Phổ Minh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các di tích này phân bổ trên địa bàn 11/25 xã, phường; được chia làm 2 loại hình di tích: 6 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, 10 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là đối với 16 di tích được Nhà nước xếp hạng, tháng 8 năm 2014, Thành phố Nam Định giao cho Ban Quản lý di tích Đền Trần, chùa Tháp phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát thực trạng di tích đã được xếp hạng. Về giá trị di tích, đối với 10 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật chủ yếu là đình, đền, chùa. Tiêu biểu như: đình làng Kênh, đình Tức Mặc, đình và chùa Vĩnh Trường (phường Lộc Vượng); chùa Đệ Tứ, đền Lan Hoa (phường Lộc Hạ); chùa Thanh Long (xã Lộc Hòa); đền Thượng Hữu (xã Nam Vân). Về giá trị lịch sử - văn hóa, các di tích được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn thành phố rất giàu trầm tích văn hóa, gắn liền với thời Trần. Nhân vật thờ là những vị Vua Trần, danh nhân, danh tướng, những anh hùng dân tộc có công với dân, với nước từ thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng đến thời Lý, Trần như: thờ 14 vị Vua Trần, Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Thục Nương công chúa (bộ tướng của Hai Bà Trưng), tướng Cao Mang (thời Hùng Vương), Đông Hải Đoàn Thượng (thời Lý). Chùa Đệ Tứ thuộc phường Lộc Hạ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Chùa Đệ Tứ có tên chữ là Đại Thánh Quán vốn được xây dựng trên nền móng cũ của cung Đệ Tứ, một trong những cung điện được các Vua Trần xây dựng vào thế kỷ XIII dành cho các vương phi công chúa, hoàng thân quốc thích nghỉ ngơi. Trong các đợt khai quật tại khu vực di tích, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng trăm di vật như mảnh gốm sứ, gạch ngói, đầu rồng đất nung, dụng cụ lò nung gốm, những họa tiết phong phú như hoa chanh, hoa cúc với đường nét thanh mảnh, mềm mại, tinh tế cho thấy giá trị, tầm vóc của sân rồng cũng như mức huy hoàng của cung điện. Chùa Đệ Tứ không chỉ là một nơi ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ học mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật được tu sửa vào năm Thành Thái thứ 8 (1898), mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Biểu diễn múa sư tử trong lễ hội Trần năm 2014. |
Trong 6 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến thì có 1 di tích gắn liền với thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đó là Nhà số 7 phố Bến Ngự thuộc phường Phan Đình Phùng, là nơi thành lập chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định. Ngôi nhà do ông nội của Tam nguyên Vỵ Xuyên Trần Bích San xây dựng năm 1849. Trải qua 3 thế kỷ, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ với kết cấu gỗ lim, tường thất, ngói nam. Còn lại 5 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm: Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (được công nhận tháng 4-1979 theo Quyết định 54-VHTT/QĐ). Di tích hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (còn gọi là A4) hiện nằm tại số nhà 57 phố Quang Trung, được xây dựng vào tháng 9-1966. Trong chiến tranh chống Mỹ, từ căn hầm này, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu ở địa phương. Khu di tích phố Hàng Thao là nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ. Vào sáng ngày 14-4-1966, giặc Mỹ ném bom xuống phố Hàng Thao, giết hại 77 người, làm 135 người bị thương, 240 nhà sập đổ, hư hại. Tội ác tày trời của giặc Mỹ đã khắc sâu trong lòng mọi người dân Thành phố Nam Định. Phần còn lại của khu di tích hiện nay là một mảnh tường đứng của ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập. Đây được coi như một tấm bia chung của những người đã bị bom Mỹ sát hại sáng ngày 14-4-1966, đồng thời cũng là biểu tượng của một tấm bia căm thù ghi sâu tội ác của đế quốc Mỹ. Khu chỉ huy của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước là một “chứng nhân” khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân Thành Nam, có giá trị lịch sử, giáo dục to lớn.
Trong những năm qua, đối với 10 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn thành phố được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Công tác quản lý di tích và lễ hội được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương có di tích quan tâm, thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Tiêu biểu như lễ Khai ấn và lễ hội Trần được tổ chức vào đầu xuân và tháng 8 âm lịch hằng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đối với 6 di tích cách mạng kháng chiến, hiện nay, hầu hết đã bị xuống cấp. Nguyên nhân công tác quản lý và bảo tồn gặp nhiều khó khăn do các di tích này nằm xen lẫn vào các khu dân cư và do nhiều đơn vị sở hữu, quản lý: Khu di tích chỉ huy sở Nhà máy Dệt nằm lẫn trong các hộ dân cư phường Cửa Bắc, Nhà số 7 phố Bến Ngự trước đây có diện tích 890m2, nay bị thu hẹp còn 113m2, do gia đình ông Trần Mô Bách (85 tuổi) quản lý. Cửa hàng ăn uống dưới hầm hiện chỉ còn một mô đất có diện tích khoảng 50m2 do Cty CP Kinh doanh hàng Công nghiệp Nam Định trực tiếp quản lý. Mặt khác, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, đối với các di tích cấp quốc gia, muốn tiến hành nâng cấp, tu sửa, tôn tạo phải được sự đồng ý của Bộ VH, TT và DL. Đồng chí Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Trần - Chùa Tháp cho biết: Thực hiện Quyết định số 4066/QĐ-UBND ngày 9-6-2014 của UBND Thành phố Nam Định về việc giao bổ sung nhiệm vụ quản lý các di tích trên địa bàn thành phố, sau khi tiến hành kiểm kê, đoàn khảo sát đã kiến nghị: Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến đạt hiệu quả, Thành phố Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích; trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong quá trình trùng tu phải giữ được nguyên trạng di tích, đảm bảo tính lịch sử, mỹ thuật. Tăng cường sự giám sát, quản lý của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư để giữ nguyên trạng di tích, làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật; xử lý các vi phạm chiếm dụng di tích. Xây dựng hệ thống biển báo, bia tóm tắt các giá trị tại các di tích. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng, xây dựng môi trường văn hóa cộng đồng lành mạnh. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích cho cộng đồng dân cư ở các phường, xã trên địa bàn thành phố nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích./.
Bài và ảnh: Việt Thắng