Nam Trực phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân văn hóa của quê hương

06:11, 15/11/2014

Là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, Nam Trực là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng và 86 Cử nhân và Tú tài. Các bậc đại khoa, chủ yếu xuất thân từ các gia đình nghèo, gắn bó với cuộc đời gian khổ chân lấm tay bùn của người lao động, nhưng ham học, thông minh và có ý chí vươn lên. Để tưởng nhớ và vinh danh công lao nhằm giáo dục truyền thống khuyến học, khuyến tài cho các thế hệ con cháu, nhân dân các địa phương đã dựng đền, đình thờ các bậc hiền tài, đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong số 51 di tích lịch sử - văn hóa của huyện đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, tôn tạo, có hơn 30 di tích thờ các danh nhân văn hóa của quê hương.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng đã được xếp hạng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng đã được xếp hạng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đến thăm đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, thôn Dương A, xã Nam Thắng, chúng tôi được chứng kiến buổi giáo dục truyền thống của thầy và trò lớp 5A, Trường Tiểu học Nam Thắng. Các em say sưa nghe thầy giáo Trần Mạnh Hải kể chuyện về trí thông minh, tài giỏi của Nguyễn Hiền - người đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, ông có nhiều kế sách phò vua, giúp nước, khi mất được Vua Trần cho lập đền thờ tại quê hương và phong là Thượng Đẳng Thần; được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Được biết, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã đều tổ chức dâng hương tại đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Những học sinh có thành tích học tập xuất sắc được vinh danh tại di tích, qua đó, phát động khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài. Đền Đá thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngoài việc thờ ba vị tướng thời kỳ Hùng Vương, thờ 12 vị tổ (thập nhị gia tiên tổ) của 12 họ sớm về đây lập làng, đền còn phối thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu. Đền Đá còn giữ được khá nhiều đồ thờ tự như: sập thờ, kiệu long đình, bát cống rất đẹp và có giá trị. Đền Cổ Da, làng Xuân Lôi, xã Nam Hùng là nơi thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Ông là một tấm gương hiếu học, năm 55 tuổi thi đỗ Trạng nguyên; làm quan tới chức Lại bộ tả thị lang, là người thanh liêm, cương trực. Để nêu cao truyền thống yêu nước và truyền thống hiếu học, UBND huyện Nam Trực quyết định đổi tên Trung tâm GDTX số 2 huyện Nam Trực mang tên vị Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Đền Giao Cù (còn gọi là đền Đăng Long hay là đền thờ ông nghè Giao Cù), xã Đồng Sơn thờ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Khoa thi năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý bộ Binh. Năm 1881, ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định. Ngày 27-3-1883, giặc Pháp đánh thành Nam Định lần thứ hai, Thượng biện Vũ Hữu Lợi lĩnh một đội quân đóng ở phía nam bến Đò Quan, trực tiếp cản giặc. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, tại quê nhà, Vũ Hữu Lợi chiêu mộ được gần 2.000 nghĩa binh, chủ động tổ chức đánh địch nhiều trận. Có những lần ông đưa quân lên tận núi Gôi đón đánh địch. Sau khi bị giặc giết hại, tưởng nhớ công lao Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, người dân quê hương đã lập đền thờ ông. Đền Thượng Lao, đền Xối Thượng, xã Nam Thanh thờ Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Theo tư liệu, Bảng nhãn Lê Hiến Giản (Lê Hiến Phủ) và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ là anh em sinh đôi (sinh ngày 10-2 năm Tân Tỵ - 1341) tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân nay thuộc xã Nam Thanh (Nam Trực). Năm 1374, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình, Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang Đại học sĩ Tri thẩm hình viện trông coi việc pháp luật của triều đình. Lê Hiến Tứ làm quan Hạ đại phu và được vua điều đi trấn thủ Cao Bằng, có công dẹp giặc tại vùng Quảng Nguyên (nay là tỉnh Quảng Ninh) được thăng chức Trung lang tướng quân và Trấn nam tướng quân. Trong thời gian trấn thủ ở phủ Thiên Trường, Lê Hiến Giản đã có công chuyển cư, lấn biển, khai phá đất hoang ở vùng Giao Thủy, Xuân Trường ngày nay. Sau khi 2 ông mất, cứ 3 hoặc 6 năm, triều đình lại tổ chức lễ hội gia ban quốc tế để tế lễ vào ngày mất của 2 ông. Lễ hội có rước bài vị của 2 ông đi quanh làng về đền Thượng Lao hợp tế. Những năm gần đây, địa phương tổ chức lễ hội vào ngày mùng 10-8 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của 2 ông đánh thắng quân Chiêm Thành.

Những năm qua, huyện Nam Trực đã thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích nói chung và các di tích thờ danh nhân văn hóa của quê hương nói riêng. Gắn liền với di tích là các lễ hội, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nam Trực tổ chức và quản lý lễ hội vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 17 của UBND tỉnh đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự. Trong các lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc như: làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và những trò vui: múa gậy, kéo dây, đấu roi trong lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh; chơi cờ bỏi, thi dệt vải, chọi gà, đánh đu trong lễ hội Đồng Phù, xã Nam Mỹ; múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều, diễn tích trò ở lễ hội đền An Lá, xã Nghĩa An; múa rối nước, đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu trong lễ hội đền Am, Thị trấn Nam Giang; thi đấu chọi gà, kéo co, leo cầu phao, bịt mắt đánh trống, cờ tướng, bóng chuyền trong lễ hội Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng. Trong lễ hội đền Din, xã Nam Dương diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Chạp hằng năm có các lễ như: Lễ rước nước, xin nước nhà thánh, lễ rước bát nhang nhà quan, lễ cáo...; đặc biệt là nghi lễ rước cá trắm và tục thi cỗ trong lễ hội. Lễ hội đền Đá được tổ chức vào ngày 3-3 âm lịch hằng năm với nhiều cuộc thi như: làm oản, làm bánh để tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ... và nhiều trò vui như múa gậy, múa rồng, trò kéo cõi (kéo dây), đấu vật, đấu roi... Đình  Xám, xã Hồng Quang thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công. Lễ hội đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19-8 âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ và phần hội độc đáo như rước kiệu, tế lễ, các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải… Trong những ngày hội, sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách là biểu diễn trống chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), các cuộc thi hát tại đình Xám còn diễn ra các tiết mục chầu văn, hát chèo, ca trù… nội dung ca ngợi công đức của Trần Minh Công. Hiện nay tại đình Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603-1678) chú thích. Truyền thống thi hát, múa tại đình Xám diễn ra từ lâu. Nơi biểu diễn lúc đầu mang đúng phong cách sân đình như bắc sàn gỗ, dựng cột tre. Triều Vua Khải Định năm thứ 8 (1916), nhân dân đã xây dựng một công trình phía trước theo kiểu bổ trụ bốn góc, các mặt thông phong để tiện cho các cuộc thi hát, múa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Từ khi xây dựng công trình mới, các cuộc thi hát múa được tổ chức long trọng với một quy mô rộng lớn hơn. Tên gọi đình Hát ra đời không chỉ gắn với công trình mới mà đã trở thành tên gọi quen thuộc cả khu di tích.

Việc quan tâm khai thác, phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân ở Nam Trực đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, hiếu học của quê hương. Hiện nay, huyện Nam Trực là một trong những địa phương tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của tỉnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com