Chung tay xây dựng nếp sống văn minh lễ hội

05:03, 09/03/2013

Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội mùa xuân được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hằng năm. Điều ghi nhận là, công tác tổ chức và quản lý các lễ hội mùa xuân năm nay đã thực hiện nghiêm túc theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, tiết kiệm, văn minh, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế.

Những chuyển biến tích cực

Các lễ hội mùa xuân tập trung nhiều nhất ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và Hải Hậu. Có nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức với quy mô lớn như lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội Hoa làng Vị Khê (Nam Trực), lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… Tiêu biểu như, lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Tỵ năm 2013 là năm thứ hai thực hiện theo Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội Đền Trần do Viện Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam, Sở VH, TT và DL xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh đã đảm bảo tốt các điều kiện, đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, lễ hội Khai ấn đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là thời Trần; thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với du khách trong nước và quốc tế; được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội theo Luật Di sản văn hoá. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tổ chức lễ hội đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ tục truyền thống. Phần lễ được tổ chức theo nghi lễ trang trọng, góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; khẳng định giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của nhà Trần và công lao của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đối với lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương Nam Định - nơi phát tích vương triều Trần. Phần hội tổ chức phong phú, lành mạnh, với các trò chơi dân gian (chọi gà, múa rồng, múa lân, cờ tướng) góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

Rước kiệu trong Lễ Khai ấn Đền Trần 2013. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Rước kiệu trong Lễ Khai ấn Đền Trần 2013. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Đồng chí Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nam Định, Trưởng BTC lễ hội Khai ấn Đền Trần cho biết: Để công tác tổ chức đảm bảo an ninh, trật tự và văn minh lễ hội trước, trong và sau đêm khai ấn, BTC lễ hội Đền Trần năm nay phân công cụ thể, rõ trách nhiệm của các tiểu ban, liên tục bám sát mọi hoạt động, diễn biến của lễ hội để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề, bất cập nảy sinh. Huy động trên 2.100 người thuộc lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, dân phòng làm nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho lễ Khai ấn. BTC cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân và du khách thập phương về thời điểm phát ấn cũng như các điểm cần lưu ý khi thực hiện các nghi lễ tâm linh, xin lộc ấn đầu năm. Nhờ vậy nên dù người về dự lễ rất đông nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy trong đêm khai ấn đã được hạn chế đáng kể. Sáng 24-2-2013 (tức ngày 15 tháng Giêng), đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL đã biểu dương BTC lễ hội Khai ấn Đền Trần đã thực hiện có hiệu quả đề án và đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, môi trường, trọng tâm là các hoạt động khai ấn và phát ấn diễn ra trong đêm 14 và từ sáng ngày 15 tháng Giêng.

Chợ Viềng Xuân năm 2013 diễn ra vào ngày 7, 8 tháng Giêng Quý Tỵ (ngày 17 và 18-2-2013) tại huyện Vụ Bản và Nam Trực ước tính thu hút hơn 200 nghìn lượt người du xuân, chơi chợ. Để chuẩn bị cho chợ Viềng Xuân Quý Tỵ năm 2013, BTC chợ Viềng Xuân các huyện Nam Trực và Vụ Bản đã thành lập các tiểu ban phân công thực hiện các yêu cầu: Tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách về dự lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn giá trị và nét độc đáo của chợ Viềng Xuân. So với các năm trước, BTC chợ Viềng Xuân của hai huyện Nam Trực và Vụ Bản đã triển khai và thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông, tạo ấn tượng tốt đối với du khách và nhân dân về dự hội. BTC chợ Viềng Xuân huyện Vụ Bản đã huy động lực lượng công an, quân đội với gần 300 chiến sỹ làm nhiệm vụ tại các chốt. Các xã Kim Thái, Trung Thành, Thị trấn Gôi đều thành lập BTC, quản lý tốt các hoạt động diễn ra tại chợ Viềng Xuân. BTC lắp đặt thêm 50 biển báo giao thông và biển chỉ dẫn, quy hoạch 30 bãi gửi xe, phân luồng nhiều tuyến đường một chiều tại các tuyến giao thông thuộc khu vực chợ Viềng và các điểm di tích thuộc quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy. BTC chợ Viềng Xuân huyện Nam Trực triển khai đồng bộ các phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ trong toàn bộ khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội. Đặc biệt do làm tốt công tác phân luồng, kiểm soát giao thông; các tuyến đường chính đều đã được nâng cấp mở rộng đáp ứng yêu cầu đi lại nên trong hai ngày 7 và 8 tháng Giêng đã không xảy ra tai nạn giao thông ở cả hai khu vực chợ Viềng Xuân. Thực hiện quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị và nét độc đáo của chợ Viềng Xuân. Sở VH, TT và DL phối hợp với BTC chợ Viềng Xuân huyện Vụ Bản và Nam Trực thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy chế lễ hội; tập trung đẩy lùi các hiện tượng mê tín, các tệ nạn xã hội, khắc phục nạn hành khất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phản cảm, văn hoá phẩm ngoài luồng, hành vi trộm cắp, móc túi, cờ bạc.

Chung tay xây dựng nếp sống văn minh lễ hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức chợ Viềng Xuân 2013, lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Tỵ cũng như lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề tồn tại. Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa ngành và cấp trong công tác tổ chức lễ  còn “chồng chéo”, ảnh hưởng tới công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và lễ hội. Lễ hội còn nặng về phần lễ; chưa khai thác và phát huy các trò chơi dân gian độc đáo của địa phương. Mặt khác, nạn hành khất theo khách xin tiền làm mất mỹ quan, gây sự phản cảm cho du khách vẫn diễn ra ở chợ Viềng Xuân Nam Trực và Vụ Bản, đền Bảo Lộc. Thậm chí, nhiều người “ăn mày” tỏ ra rất “lành nghề” với nhiều mánh khoé “diễn kịch”, không ít người trẻ tuổi, có sức khoẻ lại “vào vai” những người tàn tật, mất khả năng lao động, lạm dụng tình thương, sự nhân ái của du khách để kiếm tiền bất chính. Bên cạnh đó đội quân “đổi tiền lẻ” luôn tập trung đông đảo tại các di tích “đổi 10 lấy 9” chèo kéo, bao vây du khách làm mất đi sự tôn nghiêm, linh thiêng nơi đây. Các hình thức kinh doanh dịch vụ như hàng quán, bày bán trước khuôn viên di tích gây mất cảnh quan lễ hội, vi phạm quy định của BTC, tìm mọi cách đối phó với các lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, khiến cho việc phát hiện và sử phạt các hành vi vi phạm quy chế lễ hội chưa đạt hiệu quả. Vẫn xuất hiện một số đối tượng trộm cắp lợi dụng lễ hội đông người lấy tiền, móc ví, điện thoại của khách. Việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống đã có nhiều chuyển biến, nhưng không ít các quán ăn ven đường khu vực di tích rất nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Múa lân - sư - rồng trong lễ hội truyền thống thôn Trai, xã Nam Cường (Nam Trực).
Múa lân - sư - rồng trong lễ hội truyền thống thôn Trai, xã Nam Cường (Nam Trực).

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia lễ hội cũng còn nhiều bất cập. Thực tế hiện nay, không ít người đi lễ hội mà không hiểu biết về nơi mình đến, về lễ hội mình tham gia, về danh nhân, về nhân vật lịch sử được thờ tại di tích. Do đó, không ít người “sắm” những mâm lễ mặn với xôi gà, lợn, thắp hương, khấn vái cầu lộc, cầu tài, làm mất đi lòng thành tâm, sự tôn kính đối với các bậc tiền nhân đi ngược lại truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc. Sau khi lễ xong, nhiều người thản nhiên trải ni lông, bìa cát tông, giấy báo trong khuôn viên di tích rồi “thụ lộc”, vứt rác bừa bãi. Việc thắp hương, đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan di tích. Một bộ phận không nhỏ người tham gia lễ hội thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, trẩy hội, hành lễ bằng những hành vi gây phản cảm như ném tiền lên kiệu, chen lấn, xô đẩy…

Để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội, nhất là lễ hội mùa xuân, ngày 5-1-2013, UBND tỉnh có Công văn số 02 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. Theo đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận số 51/KL-TW ngày 22-7-2009 của Bộ Chính trị (khóa X), Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL về việc quy định thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Rà soát lại chương trình lễ hội, bảo đảm gìn giữ các giá trị truyền thống, hài hòa giữa lễ và hội, không để các hoạt động dịch vụ thương mại lấn át không gian thiêng của lễ hội. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và các giá trị lịch sử của lễ hội; tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản. Thực hiện tốt các Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tổ chức lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí. Thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở các lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa lễ hội như xóc thẻ, bói toán, cờ bạc trá hình, cúng thuê, mê tín dị đoan, đốt vàng mã, đặt hòm công đức quá nhiều, đặt tiền, đặt lễ tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, chèo kéo ép khách, kéo dài thời gian và tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Hướng dẫn nhân dân thực hành việc hành lễ đúng nơi, đúng chỗ quy định./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com