Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2013, trong các ngày 23, 24-3-2013, tại Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT và DL) phối hợp với Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2013. Liên hoan có sự tham gia của gần 300 diễn viên, nhạc công đến từ 10 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Ninh. Đoàn của tỉnh ta tham dự 5 tiết mục và giành thành tích cao.
Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2013 nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy nghệ thuật văn hóa dân gian, mang đậm màu sắc tín ngưỡng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam; góp phần làm phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, học hỏi góp phần cùng các nhà quản lý văn hóa thúc đẩy tiến trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Văn, hát Chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đại diện cho tỉnh ta, Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh tham dự với 5 tiết mục, trong đó, có 3 tiết mục đoạt Huy chương Vàng: Hát Văn lời cổ “Hội làng” (Thu Hiền); Giá Chầu “Quan đệ tam” (Thanh An, Văn La) và Hòa tấu dàn nhạc; 2 Huy chương Bạc: Giá Chầu “Cô bé thượng ngàn” (Tập thể diễn viên, nhạc công); hát Văn lời mới “Bài ca đất nước dâng Người” (Văn La). Quê hương Nam Định là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ; có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo. Trước hết, ở loại hình diễn xướng dân gian, theo các nhà nghiên cứu, Nam Định là cái nôi của nghệ thuật Chầu văn. Về mặt văn học (tức là ngôn ngữ và thể loại), hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật Chầu văn lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát.
CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn tập luyện chuẩn bị cho lễ hội Phủ Dầy 2013. |
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Folklore châu Á cho biết: Cơ sở khoa học để Bộ VH, TT và DL công nhận và đưa “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trước hết, căn cứ vào lịch sử của tín ngưỡng tứ phủ, thì hát Văn là thể loại hình thành sớm hơn so với các thể loại dân ca khác; đồng thời Nam Định là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật Chầu văn. Nghệ thuật Chầu văn (còn gọi là hát Văn hay hát bóng) được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển trong môi trường tín ngưỡng dân gian, mang đậm phong cách âm nhạc độc đáo, tích hợp được những giá trị của các hình thức âm nhạc dân gian khác. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Qua kiểm kê của ngành VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn”. Trong đó quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn. Tại huyện Ý Yên có 26 di tích liên quan đến Thánh Mẫu, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Yên Đồng như: Phủ Nấp, phủ và chùa Đồi, Từ đường họ Phạm… Đối với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần thì trung tâm của tín ngưỡng tập trung ở Thành phố Nam Định (đền Cố Trạch nằm trong Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần, tại phường Lộc Vượng) và huyện Mỹ Lộc (đền Bảo Lộc, tại thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc). Trong không gian di tích, nhân dân thường phối thờ theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, có ban thờ Đức Thánh Trần và Tam tòa Thánh Mẫu. Về hình thức nghệ thuật, nét độc đáo của nghệ thuật Chầu văn Nam Định đa dạng hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Trong các hình thức trên thì hát hầu đồng là phổ biến nhất của nghệ thuật Chầu văn Nam Định, bởi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần... Trong nghệ thuật Chầu văn Nam Định, có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Các điệu Chầu văn như hát cờn, hát phú, hát dọc, hát xá…, mỗi điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, trong đó hát phú là khó nhất, vừa lấy hơi sâu vừa phải giữ hơi dài, hát liên tục, nối nhanh các điệu với nhau để tránh rời rạc và phải kết hợp trống, phách, nhị.
Từ trong các đền, phủ, với vai trò là một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, nghệ thuật Chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu hiện đại có sức sống lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Các giai điệu hát Văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1962, tại Hội diễn ca múa nhạc dân tộc khu vực phía Bắc, tiết mục “Nam Định quê tôi” do Đoàn văn công Nam Định biểu diễn đã tạo nên sức sống mới của nghệ thuật hát Văn. Từ đó, các tiết mục hát Văn do diễn viên độc tấu, song tấu, tam ca, tốp ca, tốp múa xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu, được công chúng đón nhận, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Qua giọng hát của các NSƯT Kim Liên, Thế Tuyền, Kim Ngân, nghệ thuật Chầu văn và các tiết mục hát Văn Nam Định ngày càng có sức lan tỏa như các tiết mục: “Gái đảm Nam Hà”, “Mùa sen dâng Bác”, “Trẩy hội quê hương”, “Hoa dũng sỹ”, “Mừng Việt Nam đại thắng”. Các đơn vị nghệ thuật của tỉnh và các tổ, đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát Văn và nghệ thuật Chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 CLB Chầu văn hoạt động hiệu quả như: CLB hát Văn Hành Thiện (Xuân Trường), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, Thị trấn Mỹ Lộc, CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB Chầu văn huyện Ý Yên, CLB Thơ ca - nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá, tháng 1-2013, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hằng năm, tại lễ hội cấp quốc gia Phủ Dầy đều có tổ chức thi hát Văn. Thành công của đội tuyển Nam Định tại Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng 2013 tiếp tục khẳng định những giá trị đích thực của nghệ thuật Chầu văn Nam Định, cũng như kết quả công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể này của các cấp, các ngành chức năng và nhân dân yêu nghệ thuật Nam Định./.
Bài và ảnh: Việt Thắng