Tạo bước đột phá trong phát triển du lịch

09:03, 22/03/2013

Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng” nhằm quảng bá, kết nối, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trong vùng và cả nước. Đây là cơ hội để mỗi địa phương trong khu vực định hướng phát triển du lịch, tăng cường liên kết vùng, tạo ra sự đa dạng và khác biệt về du lịch giữa khu vực đồng bằng sông Hồng với các vùng miền khác trong cả nước.

Đảm bảo các điều kiện cho lễ hội Phủ Dầy 2013

Một trong những sự kiện văn hóa mở đầu Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng năm 2013 ở tỉnh ta là lễ hội Phủ Dầy diễn ra từ ngày 12 đến 17-4-2013 (tức 3 đến 8-3 âm lịch). Sau gần 20 năm mở hội chính thức (từ năm 1994), lễ hội Phủ Dầy đã thu hút đông đảo du khách về tham quan, lễ Mẫu với số lượng khoảng gần 1,5 triệu lượt khách/năm. Lễ hội Phủ Dầy theo tục thờ Mẫu đã được phục hồi, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, theo đúng quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Đặc biệt, ngày 27-12-2012, Bộ VH, TT và DL đã ra Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL công nhận nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ liên quan đến “Nghi lễ chầu văn”. Trong đó, quần thể di tích văn hoá Phủ Dầy vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, vừa là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ chầu văn. CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam chi hội tỉnh Nam Định đã được thành lập, gồm 120 hội viên là các nghệ nhân, nghệ sỹ hát văn, chơi đàn chuyên nghiệp; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hoá; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn. Việc ra đời của CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam được coi là "bước đệm” thúc đẩy công tác lập hồ sơ khoa học đưa “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để chuẩn bị cho lễ hội Phủ Dầy năm 2013 với ý nghĩa là hoạt động mở đầu của chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng, Ban tổ chức đã thành lập các tiểu ban bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra sự cố bất ngờ cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội trên toàn bộ khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ và các nguồn thu nhằm tăng thu ngân sách cho địa phương; tập trung đẩy lùi các hiện tượng mê tín, tệ nạn xã hội, khắc phục nạn hành khất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phản cảm, văn hoá phẩm thẩm lậu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách về dự lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn giá trị quần thể di tích và nét độc đáo của lễ hội Phủ Dầy. Lễ hội năm nay, phần lễ có các hoạt động tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc; phần hội có hoa trượng hội, thả rồng bay, múa sư tử, thi đấu các môn thể thao cổ truyền như vật, cờ người. Ban tổ chức sẽ tổ chức hội thi hát văn tại phủ Vân Cát, phủ Tiên Hương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của quê hương Nam Định với du khách trong và ngoài nước.

Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2012.
Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2012.

Tạo bước đột phá trong phát triển du lịch

Theo chương trình đã được Bộ VH, TT và DL phê duyệt, Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 bao gồm một chuỗi 66 sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao được tổ chức trong suốt năm, thu hút sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Quảng Ninh, do Thành phố Hải Phòng đăng cai. Tại tỉnh ta, để tổ chức thành công Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng, ngày 13-12-2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND về tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch của tỉnh Nam Định. Theo đó, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sẽ được tổ chức, bao gồm: Lễ hội Phủ Dầy diễn ra từ ngày 12 đến ngày 17-4-2013; Trưng bày cổ vật, sinh vật cảnh và sản phẩm làng nghề truyền thống Nam Định và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra trong 3 ngày từ ngày 15 đến 18-2; Hội thi thả diều sáo các tỉnh đồng bằng sông Hồng và khai trương mùa du lịch biển Nam Định 2013 diễn ra trong 2 ngày từ ngày 30-4 đến 1-5-2013; Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo diễn ra từ ngày 20 đến 24-9-2013 (tức 16 đến 20-8 âm lịch). Bên cạnh đó, tỉnh ta còn tham gia các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Thành phố Hải Phòng, gồm: Hội chợ Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng; Liên hoan văn hóa ẩm thực các tỉnh đồng bằng sông Hồng do Tổng cục Du lịch tổ chức. Các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch của tỉnh tổ chức trong Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng đều là hoạt động đặc sắc của Nam Định gắn với văn minh sông Hồng. Đồng thời, đây cũng là dịp để ngành du lịch tỉnh ta cùng các địa phương trong khu vực định hướng, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường liên kết vùng, tạo ra sự đa dạng và khác biệt về sản phẩm du lịch giữa khu vực đồng bằng sông Hồng với các khu vực khác trong nước cũng như các quốc gia khác.

Khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ là một trong 7 vùng du lịch trọng tâm theo Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó nổi bật là du lịch văn hoá gắn với giá trị của nền văn minh lúa nước sông Hồng, du lịch biển đảo gắn với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của du lịch cả nước, du lịch vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, tỉnh ta nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển mang lại những kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển du lịch cả nước và kinh tế - xã hội của khu vực. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, vai trò động lực của du lịch cả nước và thiếu bền vững. Việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh ta nói riêng và các vùng, khu vực, địa phương trong cả nước nói chung cần xác định rõ vị trí, vai trò của du lịch đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tuyến du lịch nội vùng cần cập nhật những thông tin mới nhất gắn liền với các trục quốc lộ sắp hình thành như: Quốc lộ ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh; Quốc lộ 38 Ninh Bình - Nam Định - Hà Nam - Hưng Yên,… Đặc biệt, cần đưa những sản phẩm du lịch đặc trưng tạo thành những điểm nhấn của các địa phương, hạn chế tối đa sự trùng lặp về tính chất đặc điểm của các điểm du lịch trên cùng tuyến tham quan qua các tỉnh, thành phố trong vùng. Để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 và bảo đảm phát huy bền vững những kết quả đạt được, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về du lịch; tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng môi trường du lịch an toàn văn minh; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết phát triển; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho từng địa phương và cả vùng. Thời gian qua, để chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công các hoạt động văn hóa trong Năm du lịch Quốc gia, ngành VH, TT và DL phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành nghiên cứu xây dựng quy hoạch cụ thể một số khu du lịch. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch; chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và chấp hành các quy định của nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và các hoạt động xúc tiến về du lịch tỉnh Nam Định trong Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013, cung cấp thông tin về du lịch Nam Định tới các doanh nghiệp và khách du lịch trong nước và quốc tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch như: làm tờ rơi, tập gấp, giới thiệu doanh nghiệp trên trang web của ngành... qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com