Các nhà nghiên cứu, với những góc nhìn khác nhau, đã chỉ ra nhiều nguyên nhân lý giải cho thực trạng văn hóa đọc hiện nay. Rằng, chính vì ít đọc mà phần lớn bạn đọc thiếu đi khả năng lựa chọn sách hay, sách phù hợp với sở thích hoặc đơn giản là đáp ứng nhu cầu công việc hằng ngày..., dẫn đến chán nản, ngán đọc và cuối cùng là bỏ đọc. Do được tiếp xúc với nhiều tầng lớp bạn đọc, tôi muốn nhìn thực trạng này ở một khía cạnh khác. Ấy là dường như khát khao hiểu biết đã không còn thường trực như ngày nào, mà căn nguyên của nó là con người ta bây giờ phải chi phối bởi quá nhiều mối bận tâm. Muốn nhiều quá thì tâm luôn xáo trộn, tâm không an thì trí không sáng, như vậy thì đến chơi cũng không xong, nói gì đến đọc sách và hơn thế nữa.
Các độc giả nhỏ tuổi trong phòng đọc của Thư viện tỉnh. Ảnh: Hồng Minh |
Hẳn chúng ta cùng hiểu rằng, văn hóa đọc thể hiện chủ yếu ở năng lực đọc văn bản, vì thế cần phải huấn luyện từ nhỏ. Nói cách khác, văn hóa đọc cần được xây dựng một cách tự nhiên mà bền bỉ ngay từ các cấp học cơ sở và phổ thông. Đó là quá trình rèn thói quen "thích đọc", cũng đồng thời luyện khả năng biết lược bớt những gì "cố phải đọc", từng bước tạo nên nhu cầu tự nguyện và hứng thú trước những cuốn sách thiết thực và bổ ích.
Lại nghĩ, nhiều khi hoài niệm thành vật nâng đỡ. Cái ngày những người lính luôn cận kề gian khổ, thiếu thốn, cái chết luôn rình rập, vậy mà mỗi khi hiếm hoi có chuyến xe về hậu phương, lại chất đầy ba-lô sách cũ, để rồi trông ngóng có chuyến xe trở lại mặt trận với căng đầy ba-lô sách mới; cái ngày những du học sinh mỗi khi về nước hòm to hòm nhỏ, nhưng chứa... toàn sách, chừng đã xa rồi. Dĩ nhiên thôi, vì ngày nay không thiếu sách và không thiếu các phương tiện tiện ích khác cho bất kỳ ai có khát khao đọc sách. Điều đáng nói là cái tinh thần ham hiểu biết, khát khao hiểu biết đang mai một nghiêm trọng vì như trên đã đề cập, nó đang bị quá nhiều ham muốn khác lấn chỗ.
Hình ảnh những đám người "buôn chuyện" tràn lan các cơ quan công sở... thật sẵn, vậy mà nói chuyện đọc sách ư, không có thời gian. Và ngay cả với công việc chuyên môn buộc ai đó phải đọc cuốn sách nào đấy, thì cũng chẳng mấy người bình tâm đọc cho đến nơi đến chốn. Cũng bởi thế mới sinh ra chuyện có người viết giới thiệu sách mà đọc chớt chát, thậm chí không đọc, họ chỉ cần nghe nói (căn bệnh hóng hớt) là phóng bút rồi. Chả trách, nhan nhản những bài giới thiệu sách na ná nhau, nhiều khi chỉ khác mỗi tên sách, tên nhà xuất bản và tên tác giả, còn lại họ chỉ việc điền những cảm nhận "sâu sắc đầy khám phá" của họ vào. Than ôi! Hóng hớt sinh ra những sản phẩm hóng hớt là vậy.
Xưa nay, sách luôn được coi là người bạn tâm giao chia sẻ mọi vui buồn sâu kín của mỗi con người. Cũng bởi vậy mà từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người. Tất nhiên, ta không cần những con mọt sách. Ta cần một thái độ đúng đắn với sách và với sự đọc sách. Nếu không, tự nó đã chẳng mang lại ích lợi gì mà còn gieo họa cho xã hội. Nói điều này để thấy rằng, yếu tố xã hội và thị trường hiện nay đã và đang tác động không nhỏ tới văn hóa đọc. Vì doanh thu, người ta có thể tập trung làm các loại sách có giá trị thấp, tư duy đơn giản, dễ dãi, thậm chí xuất hiện cả những loại sách có xu hướng dung tục, miễn là bán chạy. Ở khía cạnh xã hội, dường như phần đông người đọc hiện nay tìm đến sách đều vì mục đích giải trí, giết thời gian là chính. Và cùng đó là sự đọc theo phong trào. Khi được hỏi lí do tại sao lại tìm đến những cuốn sách đang "nóng" trên thị trường, hầu hết câu trả lời là vì thấy nhiều người cũng đang tìm đọc những cuốn sách đó. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn tự huyễn hoặc mình rằng cứ đọc những cuốn sách theo phong trào mới là sành điệu, là đúng thời đại. Trong bối cảnh ấy, văn hóa đọc thật khó được xem là có môi trường phát triển tốt đẹp.
Song, văn hóa đọc luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tri thức nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Qua sự phát triển của văn hóa đọc có thể thấy sự phát triển của đất nước. Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc cũng đồng nghĩa với xây dựng ý thức, thói quen và khả năng chọn lọc tác phẩm. Qua mỗi cuốn sách, người đọc học hỏi được những gì về ngôn ngữ, cách viết và đặc biệt là giá trị nội dung, tư tưởng cũng như tri thức mà cuốn sách mang lại. Làm sao để mỗi khi đọc sách, người đọc như được bước vào một thế giới riêng và khi đọc xong, tự thấy mình giàu có thêm bởi những gì vừa cảm nhận. Chưa kể, vốn sống và khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng tỷ lệ thuận với những cuốn sách có giá trị ấy. Dĩ nhiên, đọc sách theo đúng nghĩa thì bao giờ người đọc cũng phải động não, suy ngẫm và lắng đọng trước những con chữ. Điều này khác hẳn với sự đọc sa đà vào những thú giải trí, hời hợt; những ấn phẩm với ngôn từ đơn giản, sáo rỗng, dễ hiểu.
Văn hóa là kết tinh của những giá trị tinh thần. Văn hóa đọc, hiểu một cách giản dị là sự rèn cách đọc sao cho biết cảm thụ cái đẹp, biết thu lượm những tri thức, lối sống từ những điều chuyển tải sau con chữ, để con người ngày càng hoàn thiện hơn, biết sống tốt đẹp hơn, và cuối cùng là góp phần xây dựng một xã hội văn hóa với những con người văn hóa. Bởi vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để có thể sớm lấp đầy khoảng trống ấy, mà điều cốt yếu lại phụ thuộc vào chính lòng khát khao hiểu biết của mỗi con người./.
Theo: nhandan.com.vn