Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH tại cuộc giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy (PCMT) trên địa bàn tỉnh, tính đến 15-6-2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.206 người nghiện có hồ sơ quản lý ở 175/226 xã, phường, thị trấn (giảm 51 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma tuý so với năm 2018). Trong số đó, người nghiện ma túy là nam giới chiếm 99,6%; người nghiện không có nghề nghiệp và lao động tự do chiếm trên 80% (642 người); người nghiện sử dụng heroin chiếm 93,9%; số người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm 32,65%.
Học sinh Trường THPT C Hải Hậu nghe nói chuyện chuyên đề về phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội. |
Thời gian qua, công tác tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở với phương châm góp phần phòng chống, ngăn ngừa tệ nạn ma túy “từ sớm, từ xa”. Toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động 187 tổ công tác cai nghiện ma túy với chức năng tổ chức các hoạt động cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; hỗ trợ người nghiện ma túy và gia đình người nghiện theo quy định của pháp luật: hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp y tế. Công tác dự phòng nghiện được triển khai đồng bộ với các hoạt động: rà soát đưa vào danh sách quản lý đối tượng nghiện ma tuý; tuyên truyền chính sách pháp luật về ma tuý, PCMT và cai nghiện ma tuý; tổ chức tư vấn, hỗ trợ phòng chống tái nghiện; quản lý sau cai nghiện ma tuý. Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Công an tỉnh rà soát và đưa vào danh sách quản lý 22.077 lượt đối tượng nghiện ma tuý; vận động, thuyết phục cai nghiện tự nguyện bằng các hình thức cho 2.013 lượt đối tượng; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc cho 377 đối tượng; quản lý sau cai nghiện cho 484 lượt đối tượng; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho 210 lượt đối tượng. Sở cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể để triển khai công tác phòng ngừa bằng nhiều hình thức phù hợp, như: phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 35 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) cho gần 5.300 đại biểu; phối hợp với Đoàn Thanh niên thành phố Nam Định và các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ tổ chức 4 cuộc mít tinh diễu hành, cổ động hưởng ứng “Tháng hành động PCMT” với sự tham gia của gần 2.000 đoàn viên, thanh niên; biên soạn và phát tờ rơi tuyên truyền về PCMT và công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý. Kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn; chỉ đạo tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn tại cộng đồng; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng và đoàn thể đẩy mạnh truyền thông, giáo dục vận động các gia đình thường xuyên cảnh giác với tội phạm ma túy; tích cực phòng, chống tệ nạn ma túy tại cộng đồng, trong gia đình, người thân; đẩy mạnh phong trào giúp đỡ người cai nghiện ma túy, hỗ trợ người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống. Các đoàn thể, gia đình, cộng đồng tham gia giáo dục, động viên và giúp đỡ người nghiện tự giác cai nghiện ma túy. Công an tỉnh phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục những người phạm tội, người có liên quan đến tệ nạn ma tuý, mại dâm tại cộng đồng dân cư; tham gia phong trào “Quần chúng đấu tranh, tố giác tội phạm về ma tuý”, “Xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học, doanh nghiệp không có tội phạm, không có ma tuý, không có TNXH”, “Cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng”.
Đầu năm 2022, Sở GD và ĐT đã ban hành Kế hoạch số 122 về “Triển khai môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, văn minh, không ma túy và bạo lực học đường” với yêu cầu 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học. Chú trọng thực hiện công tác khảo sát để có đánh giá đúng thực trạng về công tác PCMT trong trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả bộ tài liệu kỹ năng PCMT cho học sinh phổ thông. Điểm mới đáng chú ý trong công tác PCMT, TNXH trong trường học 2 năm 2021-2022 là học sinh được tiếp cận bộ tài liệu kỹ năng PCMT gồm 4 cuốn, dành cho học sinh THCS, THPT, giáo viên và phụ huynh, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn. Công tác giáo dục PCMT được các trường học thực hiện nghiêm túc; trong đó công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú theo phương châm “Lấy xây để chống”, “Lấy phòng ngừa là cơ bản”; đồng thời tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh ký cam kết không liên quan đến ma túy và giao ước thi đua thực hiện tốt chương trình PCMT ngay từ đầu năm học mới. Các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH, Phòng GD và ĐT, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại và nguy cơ tệ nạn ma túy trên hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn; tổ chức các đợt ra quân diễu hành, cổ động nhân “Tháng hành động PCMT” và “Ngày toàn dân PCMT” thu hút sự quan tâm tham gia của nhân dân trong công tác PCMT, cam kết không liên quan đến tội phạm ma túy; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác PCMT, TNXH tại các xã, thị trấn, đoàn thể, trường học...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh PCMT trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới chưa đưa vào danh mục quản lý, đồng thời xuất hiện số lượng ngày càng nhiều người nghiện ma tuý tổng hợp và nghiện cùng lúc nhiều loại ma tuý gây khó khăn cho công tác quản lý, điều trị và cai nghiện. Đáng chú ý, số người nghiện và nghi nghiện trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là đối tượng sử dụng ma túy dạng đá, ma túy tổng hợp xuất hiện nhiều hơn. Sự phối hợp giữa các lực lượng, các ngành, các cấp có thời điểm chưa chặt chẽ, đồng bộ trong hoạt động cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Công tác phối hợp quản lý, giáo dục sau cai nghiện, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ người sau cai nghiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng chưa được quan tâm đầy đủ, do đó tỷ lệ tái nghiện còn ở mức cao. Công tác quản lý giáo dục sau cai nghiện ma tuý, tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tiếp cận với các dịch vụ xã hội để hoà nhập cộng đồng ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm công tác tuyên truyền PCMT và vận động người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng.
Đồng chí Lưu Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB và XH tiếp tục phối hợp xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện ma túy, chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng địa bàn trong sạch; tham gia giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tìm kiếm việc làm, tái hoà nhập cộng đồng và dự phòng tái nghiện./.
Bài và ảnh: Việt Thắng