Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, những tháng đầu năm 2022 tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước. Tai nạn đường sắt tăng cao không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nạn nhân mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường. Những tháng cuối năm hoạt động giao thông sẽ còn tăng cao. Vì thế, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh và UBND các địa phương có tuyến đường sắt đi qua chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp với ngành Đường sắt khắc phục các nguy cơ tiềm ẩn để kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt trên địa bàn phường Văn Miếu (thành phố Nam Định). |
Tai nạn giao thông đường sắt tăng đột biến
Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua tỉnh ta dài 41,15km đi qua 21 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định; đường chính tuyến từ Km72+100 (xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc) đến Km113+250 (xã Yên Bằng, Ý Yên); mật độ và tốc độ chạy tàu đều cao (bình quân 30 chuyến/ngày đêm; trên tuyến có khu gian đạt vận tốc chạy tàu 70-80km/giờ). Toàn bộ đường chính tuyến đều chạy song song với các Quốc lộ 10 và Quốc lộ 21, là những tuyến đường bộ huyết mạch có lưu lượng vận tải lớn, mật độ phương tiện cơ giới (đặc biệt là xe tải trọng lớn, xe container) đông, phức tạp; giao thông hỗn hợp nhiều loại phương tiện, kể cả xe thô sơ. Dọc tuyến có nhiều khu dân cư sát đường sắt nhưng không có hàng rào ngăn cách với đường sắt, không hoặc chưa làm được đường gom nên người dân tự ý mở đường ngang qua đường sắt để đi lại; nhiều vị trí đường ngang dân sinh mở qua đường sắt có lượng người và phương tiện lưu thông lớn song tầm nhìn, hành lang giao thông hạn chế, hệ thống cảnh báo đơn giản nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Để hạn chế, ngăn chặn TNGT đường sắt, trong năm 2021, các cấp, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh có đường sắt đi qua đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT tiến hành rà soát, thống kê và phân tích cụ thể những bất cập dẫn đến tình trạng mất ATGT đường sắt để có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, tính từ ngày 15-12-2021 đến ngày 14-9-2022, tình hình TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến với 6 vụ (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp đôi so với cả năm 2021) làm 2 người chết, 2 người bị thương, hư hỏng 3 xe ô tô, ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá trên toàn tuyến. Trong 9 tháng đầu năm 2022, địa phận huyện Vụ Bản xảy ra nhiều TNGT đường sắt nhất với 4 vụ; các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc mỗi huyện xảy ra 1 vụ. Cụ thể, có 3 vụ xảy ra dọc đường; 3 vụ xảy ra tại các lối đi tự mở qua đường sắt. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường sắt thời gian qua do người tham gia giao thông không chú ý quan sát, không chấp hành quy tắc an toàn khi đi qua đường sắt, thậm chí có trường hợp còn cố tình vượt đường sắt khi đã nhìn thấy tàu hoả đang tiến đến. Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh chạy qua nhiều khu đông dân cư, trong đó có nhiều đoạn người dân lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt để kinh doanh buôn bán, bày hàng hóa che khuất tầm nhìn... Theo báo cáo của ngành Đường sắt, tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGT đường sắt 8 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phức tạp như: 441 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; 109 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ tai nạn đường sắt
Thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28-7-2020 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Kế hoạch số 66/KH-UBND là tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, đoàn thể về tầm quan trọng của hành lang ATGT đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương trong việc bảo vệ hành lang ATGT đường sắt; đến hết năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở qua tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND, công tác tổ chức, quản lý lối đi ở các vị trí giao cắt đường bộ và đường sắt đã được Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố Nam Định triển khai thực hiện tốt. Công tác xử lý các vị trí là điểm đen TNGT tại các đường ngang giao cắt với đường sắt và Quốc lộ 10 được triển khai thực hiện quyết liệt. Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị ngành Đường sắt triển khai xóa bỏ 60 lối đi mở trái phép qua đường sắt; tổ chức người cảnh giới hoặc lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động tại 12 vị trí lối đi tự mở; tập huấn nghiệp vụ cho người của địa phương làm nhiệm vụ cảnh giới tại các vị trí đường ngang, trang cấp dụng cụ phục vụ công tác cảnh giới; Cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa” tại 58/153 lối đi qua đường sắt; rào thu hẹp 32 lối đi tự mở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 197 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó có 14 đường ngang có gác; 29 đường ngang cảnh báo tự động - có cần chắn tự động; 1 đường ngang phòng vệ bằng biển báo và 153 lối đi tự mở. Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đường sắt; giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; giảm, thu hẹp, xóa lối đi tự mở qua đường sắt; xây dựng, duy trì các mô hình tự quản về ATGT đường sắt; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường sắt và đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến đường sắt. Những tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 73 trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, phạt tiền 69,8 triệu đồng.
Để bảo đảm trật tự ATGT chủ động khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phòng ngừa, kéo giảm TNGT đường sắt, vừa qua UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, không lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, bảo vệ thiết bị và các công trình đường sắt; các biện pháp phòng, tránh TNGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT với các hộ gia đình các xã, phường, thị trấn ven tuyến đường sắt; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt của nhân dân. Chỉ đạo khảo sát, rà soát, lập danh sách các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt, công trình xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; bất cập về tổ chức giao thông, hệ thống biển báo... tập hợp kết quả, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm, đảm bảo trật tự ATGT, phòng ngừa TNGT đường sắt. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có tuyến đường sắt đi qua phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, giải tỏa, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự ATGT và hành lang ATGT đường sắt. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để phát sinh thêm lối đi mới tự mở qua đường sắt, lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt thuộc địa bàn quản lý. Huy động các nguồn lực thực hiện giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng các tuyến đường gom, hàng rào ngăn cách khu dân cư với đường sắt; phấn đấu đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở qua tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh theo đúng mục tiêu, yêu cầu tại Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28-7-2020 của UBND tỉnh. Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh phân công, bố trí cán bộ thường trực 24/24h tại các đường ngang, lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT vào giờ cao điểm, ngày lễ./.
Bài và ảnh: Thành Trung