Hiệu quả tích cực từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS

08:09, 30/09/2022

Với mục tiêu góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan tới AIDS, giảm tối đa sự tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh  tế - xã hội, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023 tại tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tập huấn cho cán bộ y tế về kỹ năng tư vấn, xét nghiệm HIV và can thiệp giảm hại cho các nhóm cộng đồng.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Tập huấn cho cán bộ y tế về kỹ năng tư vấn, xét nghiệm HIV và can thiệp giảm hại cho các nhóm cộng đồng.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 31-8-2022, lũy tích trên địa bàn tỉnh phát hiện 5.844 người nhiễm HIV, trong đó có 3.814 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.721 người đã tử vong. Riêng trong 8 tháng năm 2022, phát hiện 27 người nhiễm HIV và có 3 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong. Người nhiễm HIV tập trung ở những nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy (NCMT), người mua bán dâm (NMBD), nam có quan hệ tình dục đồng giới. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng như nhiều chương trình kinh tế - xã hội khác bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các chương trình phòng chống HIV/AIDS đang hoạt động trên địa bàn tỉnh triển khai linh hoạt, hiệu quả các nội dung, trọng tâm là truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS; củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến… Từ đầu năm đến nay, trong khuôn khổ dự án đã tổ chức nhiều chương trình thông tin, giáo dục truyền thông cho hàng nghìn đối tượng NCMT, các đối tượng có nguy cơ cao và cộng đồng dân cư thông qua mạng lưới cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng và phối hợp với các ban, ngành trực tiếp truyền thông bằng các hình thức nói chuyện, tổ chức văn nghệ, truyền thông lưu động, phát tờ rơi phổ biến các kiến thức về phòng, chống HIV, can thiệp giảm tác hại, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Dự án đã hỗ trợ, phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) triển khai các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV gồm cấp phát vật dụng can thiệp, sinh phẩm xét nghiệm HIV. Qua các nhóm tiếp cận cộng đồng: Hành trình mới - MSM, San hô - PNBD, Ngô Đồng - NCMT đã phân phát 279.900 bơm kim tiêm, 169.504 bao cao su, 15.860 gói bôi trơn cho người NCMT, NMBD… Hỗ trợ kỹ thuật Viện nghiên cứu phát triển xã hội triển khai mô hình đánh giá dịch tễ học và can thiệp HIV dựa vào cộng đồng trên 450 người NCMT và 450 có quan hệ tình dục đồng giới; sử dụng sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc HIV và hỗ trợ nghiên cứu xét nghiệm khẳng định HIV, xét nghiệm phát hiện mới HIV và xét nghiệm tải lượng HIV. Các hoạt động trên đã góp phần tuyên truyền cho đối tượng NCMT, NMBD và người dân các địa phương nằm trong dự án hiểu biết về cách phòng tránh HIV/AIDS và các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Từ đó, làm thay đổi hành vi của các nhóm có nguy cơ cao và cộng đồng; xây dựng môi trường cộng đồng hài hoà cho những người bị nhiễm HIV/AIDS; nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và của chính những người bị nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình và xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. 

Một trong những hoạt động trọng tâm của dự án là chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV với mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030. Hiện nay, hoạt động xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế được triển khai tại 5 phòng tư vấn xét nghiệm HIV các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng theo hình thức dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho 1.550 khách hàng, phát hiện 6 trường hợp có HIV dương tính. 100% các đơn vị sử dụng đúng sinh phẩm theo yêu cầu của dự án Quỹ toàn cầu. Dự án đã tổ chức tư vấn, xét nghiệm lưu động tại các huyện: Giao Thủy, Trực Ninh, thành phố Nam Định cho trên 500 người thuộc các nhóm NCMT, bạn tình của người có HIV, trong đó 2 người có HIV.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh triển khai xét nghiệm sàng lọc HIV cho toàn bộ 150 can phạm được quản lý tại trại tạm giam. Các ca nhiễm HIV mới đều đã được chuyển gửi điều trị ARV thành công. Các bệnh nhân HIV/AIDS không có thẻ BHYT được Dự án hỗ trợ mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho 100% bệnh nhân điều trị ARV qua BHYT. Riêng 8 tháng năm 2022, dự án đã mua thẻ BHYT cho 9 bệnh nhân HIV/AIDS không có thẻ, giúp họ giảm được gánh nặng về kinh tế khi điều trị HIV/AIDS bằng ARV. Đến 31-8-2022, toàn tỉnh có 1.508 bệnh nhân được điều trị ARV tại 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, dự án đẩy mạnh các hoạt động: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C. Toàn tỉnh hiện có cơ sở điều trị dự dự phòng trước phơi nhiễm HIV gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. Từ đầu năm đến nay đã có 241 khách hàng tham gia PrEP. Cũng từ đầu năm đến nay, có 138 bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị ARV/Methadone và điều trị viêm gan C miễn phí do Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Đặc biệt, Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến. 100% các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS, điều trị Methadone tại địa bàn triển khai dự án được giám sát, hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Quỹ toàn cầu. Các nội dung giám sát tập trung vào: Tình hình quản lý, cấp phát thuốc ARV, vật phẩm can thiệp, công tác báo cáo số liệu, quy trình tư vấn, xét nghiệm HIV; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, các khó khăn trong quá trình triển khai PrEP và giải pháp. Trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2022, Dự án Quỹ toàn cầu tiếp tục hỗ trợ tỉnh ta trang thiết bị xét nghiệm  COVID-19, sinh phẩm, sản phẩm phòng, chống COVID-19, gồm: Hệ thống máy tách chiết và chia trọng mẫu tự động; gần 2.500 sinh phẩm xét nghiệm PCR COVID-19; 16 nghìn khẩu trang N95; 50 nghìn khẩu trang thường, 5.000 bộ quần áo bảo hộ. Riêng từ đầu năm đến nay có 781 bệnh nhân đang diều trị ARV, Methadone được xét nghiệm PCR COVID-19. 

Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã thu được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất những ca mắc mới, tiếp thêm niềm tin cho người nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng. Thời gian tới, dự án tiếp tục triển khai mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV; kết nối giữa các cơ sở điều trị PrEP và các nhóm cộng đồng, PrEP lưu động để đưa vào điều trị PrEP phấn đấu đạt chỉ tiêu cả năm 550 khách hàng. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về tư vấn xét nghiệm HIV và triển khai phần mềm quản lý người nhiễm HIV INFP 4.0. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, giúp họ sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyển HIV cho người khác./.

Minh Tân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com