Toàn tỉnh hiện có trên 463 nghìn trẻ em, chiếm 26% dân số. Những năm qua, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, qua đó nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác trẻ em có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) đọc sách trong thư viện nhà trường. |
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra từ 5-10 vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, cuộc sống của trẻ và gia đình có trẻ bị xâm hại. Trong các vụ án xâm hại tình dục cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi đa số có mối quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân. Nạn nhân thường là các cháu nhỏ chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của các đối tượng. Nhiều cháu vì bị đối tượng đe dọa nên đã giấu gia đình và trở thành nạn nhân của hành vi xâm phạm tình dục trong thời gian dài mà gia đình không hay biết; chỉ đến khi con gái mang thai, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế thì đã quá muộn. Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp; trên thực tế còn nhiều hơn. Do nhiều nguyên nhân, nhất là tâm lý còn giữ thể diện gia đình nên việc người dân tố giác với cơ quan chức năng chưa đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, với lý do bảo vệ danh tính cho nạn nhân, các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ít được xét xử theo hình thức lưu động, thông tin rộng rãi nên thiếu tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Để ngăn ngừa, phòng, chống nạn xâm hại trẻ, thời gian qua, Sở LĐ-TB và XH đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em; quản lý dữ liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp, hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước nạn bạo lực, xâm hại. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học về bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em; thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng với phương thức cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương. Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động tập huấn cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ về xây dựng gia đình, chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em; các nội dung liên quan đến lĩnh vực an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đoàn Thanh niên tỉnh phát động đoàn viên, thanh niên tham gia các đội tình nguyện bảo vệ, chăm sóc trẻ em các xã, phường, thị trấn; vận động các đoàn viên chia sẻ kỹ năng phòng ngừa, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em trên các trang mạng xã hội...
Hàng năm, Sở GD và ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; thiết lập cơ chế trong trường học để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em; kịp thời phát hiện trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,13%, tỷ lệ trẻ em nhập học trung học cơ sở đạt 99,99%; 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nhằm giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, góp phần bảo vệ trẻ em một cách toàn diện.
Mặc dù công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em đã được triển khai khá tích cực nhưng chưa thực sự sâu rộng, thường xuyên ở các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, do đó mức độ lan tỏa còn hạn chế. Việc tuyên truyền hầu như chỉ tập trung trong đợt cao điểm, lồng ghép nhân dịp tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Việc tiếp nhận thông tin về những hành vi xâm hại trẻ em có lúc còn chậm, dẫn đến việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ có lúc chưa kịp thời. Các nhà trường đã quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những kỹ năng để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nhưng chưa đồng bộ, thường xuyên, liên tục, hạn chế về hình thức, chưa hình thành được kỹ năng phòng tránh cho trẻ. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển trẻ là của nhà trường, chưa dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, ngần ngại khi trao đổi với con các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản, các nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc vấn đề bị lạm dụng, xâm hại tình dục dẫn đến phần lớn trẻ em thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc mắc tai tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, ly hôn, ly thân… không có điều kiện chăm sóc con cái cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Mặt khác, tác động của văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng đã dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức và lối sống của một số đối tượng. Tình trạng sử dụng rượu, bia quá mức dẫn đến thiếu kiểm soát hành vi của bản thân cũng là nguyên nhân phát sinh các hành vi xâm hại trẻ em.
Để chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em, cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh