Thực hiện nếp sống văn minh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

09:08, 09/08/2022

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng nếp sống văn minh, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định).
Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định).

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm là dịp diễn ra lễ Vu lan báo hiếu. Những năm trước đây, sức tiêu thụ mặt hàng vàng mã tăng cao nhưng gần đây lại giảm đi khá nhiều. Đây cũng là hiệu quả của công tác tuyên truyền tác hại và lãng phí trong việc đốt, rải vàng mã được quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” và Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở VH, TT và DL đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, nét đẹp, tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp, bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tiêu biểu như các xã, thị trấn trong huyện Giao Thủy đều ban hành quy chế nếp sống văn minh. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên ở cả 22 xã, thị trấn. Nhờ đó việc đốt, rải vàng mã tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Huyện Hải Hậu có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị ký cam kết gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định, quy chế nếp sống văn minh. Những gia đình không thực hiện đúng quy chế được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã. Đến nay, việc đốt, rải vàng mã ở các gia đình trong huyện được hạn chế. Nhiều chùa trên địa bàn tỉnh thực hiện không đốt vàng mã, tiêu biểu như Chùa Vọng Cung, Chùa Cả, Chùa Ỏn (thành phố Nam Định), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Bảo Hoa (Giao Thủy), Chùa Phúc Sơn (Hải Hậu), Chùa Đống Trúc (Ý Yên)... Chùa Vọng Cung là một trong những ngôi chùa có truyền thống nhiều năm liền thực hiện tốt việc tuyên truyền cho tín đồ phật tử về tác hại của việc đốt vàng mã. Từ nhiều năm qua các vị trụ trì Chùa Vọng Cung thường giảng giải, phổ biến cho các phật tử về việc không đốt vàng mã. Hiện nay, tín đồ phật tử khi đến lễ Chùa Vọng Cung chỉ mang hương và dâng hoa thành tâm kính Phật. Hay ở Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung (Hải Hậu) là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia nên các phật tử khi đến làm lễ cũng đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trong đó không có tục hóa vàng mã.

Xác định gia đình là thành tố quan trọng trong thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, Sở VH, TT và DL chỉ đạo các phòng chức năng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Trung tâm VH, TT và TT các huyện, thành phố đa dạng hóa hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa trong gia đình gắn với triển khai thực hiện các kế hoạch nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa. 5 năm qua, Sở VH, TT và DL đã cấp phát hàng trăm cuốn tài liệu, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến 226 xã, phường, thị trấn. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng trong thực hiện nếp sống văn hóa. Năm 2021, toàn tỉnh có 522.814/617.230 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 84,7%. Triển khai thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ, các sở, ban, ngành của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tinh thần gương mẫu. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự phản ánh, biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể điển hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang còn được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đưa vào quy ước, hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa. Đến nay, hầu hết các lễ cưới ở các địa phương trong tỉnh đã giảm tình trạng ăn uống linh đình, hạn chế tiếp khách bằng thuốc lá. Nhiều đám cưới của gia đình cán bộ, đảng viên, công chức được tổ chức văn minh, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong việc tang, ở nhiều địa phương, lễ viếng được thực hiện ngắn gọn, chỉ sử dụng một vòng hoa luân chuyển. Các gia đình có người quá cố không tổ chức mời khách ăn cỗ tràn lan và các hủ tục được xóa bỏ. 

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, công tác quản lý và tổ chức ở các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Ban tổ chức các lễ hội đều chú trọng bảo tồn, phát huy các nghi thức truyền thống, khôi phục các trò chơi dân gian, dân vũ. Nhiều năm qua, nghi lễ dâng hương tại các lễ hội đều có sự tham gia của học sinh các trường học, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, các lễ hội diễn ra vào mùa thu thường là thời điểm học sinh bắt đầu bước vào năm học mới; ở một số di tích sau khi dâng hương tưởng niệm nhân vật được thờ phụng, học sinh có thành tích học tập tốt được tuyên dương và trao thưởng ngay tại di tích. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trong lễ hội được tăng cường, xử lý nghiêm các vi phạm như: cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan, nạn ăn xin, hành khất… trong khuôn viên, nội tự, xung quanh di tích và khu vực lễ hội.

Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tăng cường phối hợp các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com