Hội Người mù huyện Hải Hậu giúp đỡ hội viên vươn lên hòa nhập cộng đồng

08:06, 10/06/2022

Hội Người mù huyện Hải Hậu hiện có 155 hội viên. Để giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, tạo việc làm cho hội viên, trở thành điểm tựa giúp nhiều hội viên vươn lên trong cuộc sống.

Hội viên Hội Người mù huyện Hải Hậu đóng gói tăm tre.
Hội viên Hội Người mù huyện Hải Hậu đóng gói tăm tre.

Theo đó, Hội Người mù huyện đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên học nghề, tạo việc làm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế. Các hội viên được tạo điều kiện vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo nộp gốc và lãi đúng kỳ hạn. Được sự động viên của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp hội, nhiều hội viên đã tích cực áp dụng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó đã thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống. Anh Nguyễn Văn Huy ở xã Hải Tân phát triển nghề trồng cây cảnh, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo; anh Vũ Văn Tịnh ở xã Hải Nam vay 12 triệu đồng của quỹ Hội để phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, kinh tế gia đình ổn định, có điều kiện cho con ăn học… Nhiều hội viên được tạo điều kiện đi học các lớp học chữ nổi cho người khiếm thị, lớp tin học cơ bản và lớp tẩm quất, bấm huyệt để hành nghề, có thu nhập ổn định. Hiện trên địa bàn huyện có 7 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên đứng ra quản lý, tạo việc làm cho 30 hội viên khác có thu nhập ổn định với mức lương trung bình từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên có cuộc sống đầy đủ từ nghề xoa bóp, bấm huyệt như các ông: Nguyễn Văn Thiệu, chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở thị trấn Thịnh Long, Nguyễn Văn Quyết chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở xã Hải Long… Bên cạnh đó, Hội duy trì hoạt động sản xuất tăm tre với tổng số 32 hội viên, chủ yếu hội viên nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, hội sản xuất tăm 2 đợt, đợt 1 vào tháng 4, đợt 2 vào tháng 10 tạo việc làm cho mỗi hội viên đạt 100-120 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh công tác hỗ trợ tạo việc làm, Hội cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện giúp 100% hội viên được hưởng trợ cấp hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí, được vay tiền ưu đãi từ kênh học sinh, sinh viên để hoàn thành khóa học từ các trường đại học, cao đẳng… Hội đã chủ động đề nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Hậu miễn giảm một số khoản đóng góp của nhà trường cho con của hội viên trong độ tuổi đi học; thường xuyên rà soát trẻ em khiếm thị trong độ tuổi đi học để các em có điều kiện được học văn hóa, học chữ, học nghề...

Cùng với giúp hội viên tạo việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo, Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương làm tròn nghĩa vụ công dân; quan tâm chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, cùng phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 100% gia đình hội viên giáo dục con cái không mắc tệ nạn xã hội; nhiều gia đình được  công nhận gia đình văn hóa… Công tác phụ nữ và trẻ em khiếm thị luôn được chú trọng và quan tâm. Hội đã tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về ngày thành lập Hội Phụ nữ và trao đổi về các vấn đề lao động, việc làm và cuộc sống gia đình, giúp các hội viên nữ có niềm tin vượt khó, vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Người mù huyện Hải Hậu đã trở thành ngôi nhà chung mang đến nhiều đổi thay trong cuộc sống của hội viên. Hoạt động Hội đã lôi cuốn sự quan tâm của nhiều tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ, giúp đỡ hội viên vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hội vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn: Các cơ sở làm tăm tre của người khiếm thị còn thiếu thốn về cơ sở vật chất; sản phẩm sản xuất ra chủ yếu thủ công nên chất lượng không đồng đều; thị trường tiêu thụ sản phẩm dựa vào sự ủng hộ của các cơ quan, trường học trên địa bàn nên không ổn định. Vẫn còn một số ít người khiếm thị trong huyện chưa tham gia vào tổ chức Hội dù đã được vận động. Thời gian tới cần có chính sách khuyến khích các tổ chức hỗ trợ hướng nghiệp cho hội viên chọn nghề phù hợp; cung cấp thông tin, nâng cao trình độ nhận thức về xã hội và pháp lý, điều tra phân loại người khiếm thị ở những mức độ khác nhau để có chính sách hỗ trợ thích hợp; chú trọng đào tạo các nghề phù hợp với trình độ, sức khỏe giúp hội viên Hội Người mù huyện vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com