Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Huyện uỷ, UBND huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Cơ sở may của chị Vũ Thị Huệ, xã Liêm Hải tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. |
Huyện Trực Ninh hiện có 211.182 nhân khẩu, trong đó trên 60% dân số trong độ tuổi lao động; lực lượng lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ 65% (tăng 10% so với năm 2015). Trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp, khoảng 400 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó 5 doanh nghiệp FDI thu hút hơn chục nghìn lao động, 15 làng nghề trong đó 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận… Đây là những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững nói riêng. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Cấp ủy, chính quyền các cấp đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của Đề án 1956 hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Các trung tâm dạy nghề, các trường nghề tư vấn và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu, khả năng và đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động; chú trọng đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Huyện khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện Đề án 1956 các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và các trường nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nông dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tham gia đào tạo truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Nhờ đó, hầu hết học viên đều được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc.
Ở thị trấn Cát Thành, sau khi được học nghề, đến nay, nhiều hộ dân đã tích cực tận dụng, cải tạo vườn, ruộng, mở rộng chuồng trại chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: ông Phạm Văn Long, tổ dân phố Bắc, đội 2 với mô hình nuôi lợn giống, lợn thịt, tổng đàn lợn trên 300 con; ông Nguyễn Văn Thành, tổ dân phố Bắc Giang với mô hình trồng hoa hồng… Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở thị trấn Cát Thành cũng phối hợp tổ chức lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Hiện nay, thị trấn Cát Thành có 2 doanh nghiệp may mặc quy mô lớn có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty KIARA (Ấn Độ) và Công ty Sungwon Vina (Hàn Quốc). Cả 2 công ty thường xuyên đào tạo, bổ túc tay nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Ở xã Trực Thuận, từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức lớp sơ cấp nghề nông nghiệp và chăn nuôi gia cầm cho gần 62 học viên. Công ty TNHH Dệt may Phạm Dũng, xã Trực Thuận phối hợp Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức 1 lớp may cho 34 học viên. Sau 3 tháng học nghề, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, nhiều học viên được nhận làm việc tại doanh nghiệp Phạm Dũng. Cùng với công tác dạy nghề lao động nông thôn, huyện thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo để hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình. 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 10 lượt hộ nghèo được vay 528 triệu đồng; 293 hộ cận nghèo được vay 15 tỷ 704 triệu đồng; 123 hộ mới thoát nghèo được vay vốn 6 tỷ 937 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ các cách làm hiệu quả, đến nay huyện chỉ còn 513 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 0,81% (giảm 0,92% so với năm 2019); trong đó tỷ lệ hộ nghèo không thuộc diện bảo trợ xã hội chỉ còn 0,03% (giảm 0,46% so với năm 2019).
Cùng với tạo sinh kế lâu bền cho các hộ nghèo, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trong huyện huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân giúp đỡ các hộ nghèo với phương châm “lá lành đùm lá rách”. Trong các dịp Tết Nguyên đán, cùng với nguồn ngân sách, huyện đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm đã tặng quà cho các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện có 4 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 120 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo huyện. Nhiều xã, thị trấn đã đẩy mạnh phong trào giúp đỡ người nghèo như: thị trấn Cát Thành, Cổ Lễ và các xã Trực Thuận, Trực Chính, Trực Hùng… Tại xã Trực Thuận, phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong các phong trào của địa phương, nhiều đảng viên đã tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế như các ông: Trần Văn Trọng, Bí thư chi bộ xóm 5; Đồng Văn Thống, Bí thư chi bộ xóm 3; Vũ Đình Hệ, Bí thư chi bộ xóm 9. Ông Trần Văn Trọng, Bí thư chi bộ xóm 5 là sĩ quan quân đội nghỉ hưu được Đảng ủy xã, cán bộ, đảng viên trong thôn tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Từ khi đảm nhận trọng trách trong thôn (năm 2016), ông đã dành toàn bộ số tiền phụ cấp chức danh Bí thư chi bộ đóng góp các quỹ hoạt động của thôn, trong đó trích hỗ trợ chăm lo các hộ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ở xã Trực Chính, nhờ sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, một số hộ thuộc diện khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Bà Phạm Thị My, thôn Dịch Diệp là người cao tuổi sức khỏe yếu, thuộc diện hộ nghèo không có người nuôi dưỡng, nhiều năm sống trong căn nhà cấp 4 xuống cấp và không có khả năng tự cải tạo, sửa chữa. Năm 2019, bà được Mặt trận Tổ quốc huyện Trực Ninh hỗ trợ 30 triệu đồng và nhân dân trong xóm ủng hộ 7 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa. Đến nay ngôi nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp bà yên tâm mỗi khi mưa bão.
Thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo; đảm bảo hộ nghèo tiếp cận được các cơ hội vươn lên thoát nghèo. Quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư