Bình đẳng giới chìa khoá của hạnh phúc

07:06, 28/06/2021

Đảm bảo bình đẳng giới là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy vai trò của các thành viên trong mỗi gia đình nhằm xây dựng và giữ gìn hạnh phúc, phòng, chống bạo lực nói chung, bạo lực gia đình (BLGĐ) nói riêng, từ đó tạo sự chuyển biến nhận thức xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

BLGĐ là một vấn nạn xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, để lại nhiều hậu quả cho sự phát triển con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Các hành vi BLGĐ được thể hiện như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau… Năm 2020, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh xảy ra 52 vụ BLGĐ được phát hiện, báo cáo, trong đó có 44 nạn nhân là phụ nữ. Các hình thức BLGĐ gồm: Bạo lực tinh thần 7 vụ; bạo lực thân thể 42 vụ; bạo lực kinh tế 3 vụ. Nguyên nhân được xác định từ những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình về kinh tế, tình cảm, tính cách… Nạn nhân nữ bị BLGĐ thường che giấu hành vi bạo lực, cam chịu không dám tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xấu hổ giữ gìn thể diện. Chính điều này khiến việc ngăn chặn, phòng ngừa phát sinh BLGĐ gặp khó khăn

Gia đình ông Trần Trung Hoà, tổ 9 phường Trường Thi (thành phố Nam Định) nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (Ảnh chụp trước 27-4-2021).  Bài và ảnh: Viết Dư
Gia đình ông Trần Trung Hoà, tổ 9 phường Trường Thi (thành phố Nam Định) nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (Ảnh chụp trước 27-4-2021). 

Để ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ, hàng năm Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới được chú trọng với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Ban VSTBPN tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền các nội dung Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình; biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình có sáng kiến, đóng góp tích cực, các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác bình đẳng giới, VSTBPN cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã, huyện và cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em các xã, thị trấn, chi trưởng phụ nữ các thôn, xóm, tổ dân phố tại các địa phương. Từ năm 2020 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức trên 40 cuộc truyền thông tuyên truyền về các chuyên đề: Phòng chống BLGĐ, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em; truyền thông mô hình “Ngôi nhà bình yên - hạnh phúc”… tại 10 huyện, thành phố, thu hút gần 11 nghìn hội viên, phụ nữ tham gia. Phối hợp với Trung ương Hội và các ngành chức năng tổ chức 85 hội nghị tập huấn, truyền thông về: Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với BLGĐ; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm; công tác dân số, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật… thu hút 16.500 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được thành lập. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng và củng cố được 349 mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; 188 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”. Hiện nay, Hội LHPN 10/10 huyện, thành phố đều có cán bộ hội thẩm nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; 226/226 xã, phường, thị trấn đều có tổ hoà giải về phòng, chống BLGĐ, thành phần gồm công an viên, trưởng thôn, xóm, thành viên Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Nhiệm vụ của các thành viên là điều tra, lập danh sách các đối tượng trên địa bàn các thôn xóm có nguy cơ gây BLGĐ nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực, bảo vệ nạn nhân. Thông qua việc xây dựng và duy trì các mô hình, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ tại các thôn, xóm góp phần đẩy lùi, ngăn chặn BLGĐ, ổn định trật tự xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của mỗi tế bào gia đình đối với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2013 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng (thôn, xóm) văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”; “Cơ quan (đơn vị), doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”; “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” và quy định việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ một trong những tiêu chuẩn gia đình văn hóa là gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ trong cộng đồng dân cư. Trên cơ sở quy định của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã đưa nội dung bình đẳng giới là một trong những tiêu chí xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tại cơ sở. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 534.369/604.175 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 88,5%). Việc thực hiện các tiêu chí công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó có tiêu chí bình đẳng giới đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình gia đình hiện đại “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Có thể thấy, bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phụ nữ nói chung và phòng chống BLGĐ nói riêng đã được nâng lên. Phụ nữ tham gia công tác ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tỷ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các lĩnh vực từng bước được nâng lên. Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và khẳng định vai trò, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục gắn thực hiện công tác bình đẳng giới với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội. Duy trì và nhân rộng mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới và BLGĐ./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com