Thời gian qua, công tác quản lý các đối tượng phạm tội được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn thành phố Nam Định được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Trong đó mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đều được thi hành; nhiều bị án đã nhanh chóng hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Công an phường Ngô Quyền tuần tra bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Theo số liệu của Công an thành phố Nam Định, từ năm 2018 đến nay Cơ quan Thi hành án hình sự thành phố tiếp nhận trên 200 quyết định thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ. Để đảm bảo Luật Thi hành án hình sự được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đưa công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND các phường, xã đi vào nền nếp, thực sự có hiệu quả, UBND thành phố Nam Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan; thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ và đối tượng đang áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại các phường, xã. Công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức như thông qua các buổi họp tổ dân phố, thôn xóm lồng ghép các nội dung liên quan đến các quy định về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, tái hòa nhập cộng đồng, đặc xá... Qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của những người đang chấp hành án. Bên cạnh đó, UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật trong việc quản lý các đối tượng phạm tội được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ như: Tiếp nhận hồ sơ, phân công người quản lý, giám sát, giáo dục… Từ khi các xã của thành phố được tăng cường công an chính quy, Công an các phường, xã đã làm tốt vai trò tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định như: Mở sổ sách theo dõi, lập hồ sơ cho từng đối tượng, ghi chép cụ thể, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án. Định kỳ mỗi tháng 1 lần người chấp hành án viết kiểm điểm và người được giao giám sát, giúp đỡ có nhận xét đánh giá; đề ra các biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ quan thi hành án hình sự thành phố có sự phối hợp trong việc rà soát lập hồ sơ, thành lập hội đồng xét, đề nghị miễn, giảm, rút ngắn thời gian chấp hành án, thời gian thử thách cho các đối đảm bảo đúng trình tự, thủ tục. Ngoài ra, một số phường, xã đã quan tâm tạo điều kiện cho người chấp hành án đi tìm việc làm, tạo công việc ổn định cho người chấp hành án có thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của mình trong quá trình chấp hành án tại địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn. Việc phân công giám sát, giáo dục thường chỉ giao cho Công an thực hiện, chưa có sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể với các ban, ngành ở địa phương, đơn vị. Vẫn còn tình trạng người dân có sự kỳ thị, phân biệt dẫn đến các đối tượng đang chấp hành án có tư tưởng, suy nghĩ mặc cảm nên khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng dễ dẫn đến tái phạm… Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn thành phố Nam Định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án hình sự để mọi người dân hiểu, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành án. Tiếp tục làm tốt chức năng kiểm sát, việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, kiểm sát chặt chẽ việc lập và bàn giao hồ sơ. Quá trình kiểm sát cần chỉ rõ tồn tại hạn chế của từng đơn vị phường, xã trên địa bàn thành phố để các đơn vị thực hiện đảm bảo đúng quy định. Định kỳ tổ chức tập huẩn nghiệp vụ cho công an các phường, xã trong việc quản lý, giám sát người chấp hành án ở địa phương; thống nhất việc sử dụng các biểu mẫu đồng thời hướng dẫn việc ghi chép, nhận xét đối với các đối tượng đang chấp hành án đảm bảo nội dung theo đúng quy định của Luật. Công an các phường, xã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ góp phần phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn: Các phường, xã nâng cao trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong luật đối với UBND phường, xã trong công tác quản lý, giám sát và giáo dục các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương. Phân công cụ thể tổ chức, cá nhân trong các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp thực hiện việc giám sát, giáo dục các đối tượng, giúp đỡ các đối tượng chấp hành án thực hiện tốt quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương từ khâu tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý, phân công quản lý, giáo dục, giám sát người chấp hành án; quan tâm đến công tác xét đề nghị miễn, giảm, rút ngắn thời gian thử thách cho đối tượng chấp hành án tốt trong quá trình thi hành án./.
Bài và ảnh: Văn Trọng